Giới thiệu về CLB dự FIFA Club World Cup 2012: Sanfrecce Hiroshima

14:48 Thứ năm 06/12/2012

Hai tuần sau khi giành chức vô địch quốc gia Nhật Bản (J-League) lần đầu tiên trong lịch sử, Sanfrecce Hiroshima đã bắt tay vào chiến dịch gây tiếng vang tại FIFA Club World Cup.

FIFA World Cup Club sẽ khởi tranh từ ngày 6/12 tới, nơi người hâm mộ bóng đá sẽ tìm thấy đội bóng xuất sắc nhất thế giới, ít nhất là trên danh nghĩa ở giải đấu năm nay.

Chelsea, Corinthians ôm mộng xưng vương, trong khi những phát hiện mới như Sanfrecce cũng mang trong mình hy vọng tạo nên một điểm nhấn nào đó. Họ có lợi thế là chủ nhà và chắc chắn nhà tân vương của xứ sở mặt trời mọc biết cách khai thác tối đa lợi thế ấy. Hãy cùng Goal.com tìm hiểu đôi chút về CLB Sanfrecce.

Lịch sử

Sanfrecce Hiroshima có lẽ không được biết đến nhiều bên ngoài biên giới nước Nhật. Nhưng thực sự thì họ đã là những người tiên phong trong thể thao từ khá lâu. Khi còn được gọi với cái tên Tokyo Kogyo Skyukyu Club, họ là đội bóng đầu tiên tại Nhật giành cú đúp với chiếc cúp Hoàng đế và một lần đăng quang tại giải đấu bán chuyên quốc gia năm 1965. Bốn năm sau đó họ dự giải vô địch dành cho các CLB châu Á và trở thành đội bóng đầu tiên của Nhật có vinh dự tranh tài ở một giải đấu cấp châu lục.

Khi đổi tên thành Mazda SC vào những năm 80 thế kỷ trước, họ được dẫn dắt bởi HLV người Hà Lan - Hans Ooft, người sau đó trở thành chiến lược gia ngoại quốc đầu tiên của ĐT Nhật Bản. Đến năm 1992, Sanfrecce cùng chín CLB khác đi tiên phong trong việc thành lập nên giải chuyên nghiệp J-League như hiện nay.

Nhưng những bất cập trong việc cải tạo sân bóng đã kéo theo khó khăn dành cho Sanfrecce khi họ không thể thu hút nhiều khán giả tới sân hơn. Kể từ đó, phong độ của thế lực một thời này xuống dốc không phanh. Trước khi tạo nên cú sốc rớt hạng vào năm 2007, thành tích ấn tượng nhất của Sanfrecce chỉ là về thứ nhì ở mùa 1994 và vào đến bán kết cúp Hoàng đế.

Cùng Mihailo Petrovic, Sanfrecce đã rớt hạng nhưng cũng nhờ nhà cầm quân người Serbia này mà họ đã quay lại với giải đấu số một quốc gia vào năm 2010. Thậm chí cũng trong năm đó, Sanfrecce còn có vé dự Champions League châu Á.

Vinh quang đã trở lại với Sanfrecce khi họ được chèo lái bởi HLV Hajime Moriyasu, đội bóng này lên ngai vàng giải VĐQG Nhật năm 2012, trở thành CLB có thành tích ghi bàn tốt thứ hai và thủng lưới ít thứ ba trong lịch sử giải đấu.

Chiến thuật và phong cách

HLV Moriyasu đã được trao vai trò điều hành, quản lý đội bóng sau thời gian dài dẫn dắt Sanfrecce. Vai trò của ông không chỉ dừng lại ở chuyên môn đơn thuần nữa. Và dường như đó là bệ phóng giúp nhà cầm quân người Nhật này phát huy tối đa khả năng. Ông vẫn giữ phong cách mà người tiền nhiệm Petrovic để lại.

Phong cách ấy giúp Sanfrecce nổi danh với lối chơi tấn công trung lộ quyến rũ nhưng lại cực kỳ đặc biệt ở điểm tất cả các cầu thủ của Sanfrecce không ai mang quốc tịch Brazil. Điều đó dường như đi ngược lại với xu thế “dùng hàng Samba”, đặc biệt trên hàng công, ở miền đất hoa Anh đào.

“Hàng xịn” nhập ngoại duy nhất của Sanfrecce có chăng chỉ là Mihailo Mikic, người từng nhiều năm khoác áo Dinamo Zagreb và Kaiserslautern. Còn lại, tân vương J-League đều dựa vào lực lượng nội địa mà điển hình là chủ công Hisato Sato, người được ví như “sát thủ” vòng cấm địa.

Nhưng đội bóng nào mà chẳng có điểm yếu, với Sanfrecce là khả năng phòng ngự. Dù cho sở hữu một hàng thủ thuộc loại cứng cựa nhất J-League nhưng họ vẫn rất mong manh nếu đối chọi lại những cầu thủ kỹ thuật thượng thừa như của Corinthians. Vì thế thủ thành Nishikawa sẽ phải hoạt động trên 100% công suất.

Ngôi sao - Hisato Sato

Sau bảy năm gắn bó cùng Sanfrecce, Sato được nhắc đến như một công thần của Sanfrecce cũng như một trong những chân sút nội địa xuất sắc nhất Nhật Bản. Kể từ 2004, tiền đạo này luôn ghi trên dưới 20 bàn mỗi mùa và anh là chủ nhân danh hiệu vua phá lưới mùa 2012 với 22 bàn, một kỷ lục của J-League.

Sự nghiệp của Sato dường như thăng hoa khá muộn. Anh đã 30 tuổi nhưng cũng chỉ có 31 lần khoác áo ĐTQG và vẫn rất ít có cơ hội dưới thời Alberto Zaccheroni khi mà trong tay nhà cầm quân người Ý này vẫn còn rất nhiều "lính đánh thuê" từ châu Âu như Shinji Okazaki, Mike Havenaar hay Takayuki Morimoto...

Tuy nhiên Sato sẽ có cơ hội chứng tỏ giá trị đích thực tại FIFA World Cup Club sắp tới.

BIỂU TƯỢNG - Koji & Kazuyuki Morisaki

Anh em sinh đôi nhà Morisaki đã gắn bó cùng Sanfrecce từ 1999 đến nay và luôn là những chốt chặn quan trọng nơi hệ thống phòng ngự. Những chiếc áo số 7 và 8 dành cho Koji và Kazuyuki đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của bộ đôi này.

Họ đã có tổng cộng 800 lần ra sân cho "Những mũi tên tím", ghi khoảng 100 bàn và cùng Sanfrecce, anh em nhà Morisaki đã tung hoành ở J-League, giải hạng Nhì, Cúp QG, cúp Hoàng đế cùng như Champions League châu Á. Nay, ở tuổi 31, cặp đôi tiền vệ trung tâm này sẽ có cơ hội bước lên một nấc thang mới trong sự nghiệp.

HY VỌNG MỚI - Kohei Shimizu

Tiền vệ 23 tuổi này gia nhập Sanfrecce sau khi kết thúc chương trình học tập ở trường trung học năm 2008. Thời gian đầu thật khó khăn cho Kohei khi anh không có nổi một suất ra sân. Song kể từ khi thay Satoru Yamagishi (bị chấn thương), Kohei đã dần trưởng thành. Mùa 2012 vừa qua, anh được ra sân 24 lần và ghi bốn bàn. Kohei được xem là hạt nhân của Sanfrecce ở mùa giải 2013.

BA ĐIỀU VUI NHỘN VỀ SANFRECCE

"Sanfrecce" là một từ ghép giữa "San", theo tiếng Nhật nghĩ là "con số 3" với "Frecce" – một từ Italia có nghĩa là mũi tên. Cái tên này xuất phát từ truyền thuyết Mori Motonari ở thế kỷ 15, 16, người đàn ông này có ba con trai và ông đã kể với các con rằng, một mũi tên dù sắc nhọn đến mấy cũng có thể bị bẻ gãy. Khi ba mũi tên hợp lại, chúng sẽ trở nên vô cùng vững chãi. Câu chuyện này gợi nên tinh thần đoàn kết giữa ba cậu con trai của Mori Motonari và dường như nó cũng luôn trở thành triết lý tại Sanfrecce.

Mỗi khi ghi bàn, các cầu thủ Sanfrecce thường ăn mừng bằng cách quỳ gối rồi làm động tác như giương cung bắn tên.

Những năm 80 thế kỷ trước, đội bóng này có thủ thành người Hà Lan - Dido Havenaar. Hiện Dido Havenaar đang dẫn dắt CLB Shimizu S-Pulse. Gia đình ông nhập tịch Nhật Bản vào năm 1994 song cậu con trai Mike Havenaar của Dido lại chơi bóng tại Hà Lan cho CLB Vitesse ở giải VĐQG nước này.

ĐỘI HÌNH DỰ KIẾN TỐI ƯU

Khác với nhà vô địch Nhật Bản năm 2011- Kashiwa Reysol, Sanfrecce vô địch trước một vòng đấu và đó là cơ sở để họ cho các trụ cột nghỉ ngơi ở vòng cuối cùng nhằm dành sức cho FIFA World Cup Club sắp diễn ra. Sanfrecce vận hành với sơ đồ quen thuộc 4-5-1. Hisato Sato đá cao nhất, "tiếp đạn" cho anh là những Mihailo Mikic, Yojiro Takahagi...

Sanfrecce Hiroshima: Nishikawa, Chiba, Mizumoto, Moriwaki, Aoyama, Ko. Morisaki, Ka. Morizaki, Takahagi, Mikic, Shimizu, Sato

Dan Orlowitz & Trương Huyền | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục