Gabby Douglas đi vào lịch sử môn TDDC Olympic

08:38 Thứ bảy 04/08/2012

Nhiều người Mỹ cho rằngTDDC không phải là môn thể thao dành cho người da màu hoặc người lai. Tôi 3/8 (giờ địa phương), Gabrielle Douglas đi vào lịch sử vì là VĐV người Mỹ da màu đầu tiên đoạt được HCV cá nhân toàn năng TDDC nữ ở một kỳ Olympic.

  Gabby đoạt HCV toàn năng nữ Olympic 2012

Muốn đạt đến đỉnh vinh quang, một VĐV môn TDDC phải luyện tập gian khổ nhiều năm để có được màn trình diễn không chút sai sót, và còn cần thể hiện phong độ đỉnh cao nhất của mình vào đúng thời điểm cần thiết. Gabrielle Douglas (tên thân mật Gabby) làm được điều này. Thực tế, cô gái 16 tuổi này đã thể hiện được phong độ ổn định của mình trước khi đến được với chiếc HCV quý giá này, đó là ở cuộc thi tuyển chọn đội tuyển Mỹ dự Olympic London. Bất cứ VĐV nào cũng muốn đến Olympic, nhưng số lượng được tuyển chọn có hạn. Vậy mà Gabby đạt điểm cao nhất ở vòng tuyển chọn.

Có thể vì môn này đòi hỏi ở VĐV vẻ đẹp thuần khiết. bên cạnh những động tác chính xác đến mức tuyệt đối, nên nhiều người không tin những điều này sẽ được thể hiện hoàn hảo nơi một người Mỹ da màu. Thế nhưng, Gabby mạnh mẽ phản bác điều đó bằng chính những bài thi của mình. Ngày 3/8 (theo giờ Anh), Gabby đi vào lịch sử vì là VĐV người Mỹ da màu đầu tiên đoạt được chiếc HCV cá nhân toàn năng ở một kỳ Olympic.

   Gabby thăng hoa ở bài cầu thăng bằng

Trong suốt bài thi của mình, Gabby không bao giờ tỏ dấu hiệu mình sẽ để chiếc HCV tuột khỏi tầm tay. Đối thủ đáng gờm nhất của cô, Viktoria Komova (Nga), luôn tung ra mọi nỗ lực với hy vọng bắt kịp Gabby về điểm số. Nhưng cứ sau mỗi phần thi thì cách biệt giữa hai người lại càng nhiều hơn.

Xuất sắc trong các nội dung nhảy ngựa và xà lệch, Gabby không để Komova đe đọa mình; đến bài cầu thăng bằng thì mọi người đều phải công nhận cô gái Mỹ là người xứng đáng nhất với chiếc HCV. Bài thi thể dục tự do cuối cùng chỉ có tác dụng củng cố lòng tin của mọi người về chiến thắng của Gabby mà thôi.

   Gabby và Mẹ

Thế mà hai năm trước, chính mẹ của Gabby cũng phải do dự khi cô thuyết phục gia đình cho cô đi nửa vòng nước Mỹ (từ Virginia đến Iowa) để tập luyện cùng đội tuyển quốc gia. “Có được không? Con còn quá nhỏ!”, bà hỏi như thế. Câu trả lời của Gabby là “Con đã đủ lớn để có thể thi đấu ở đẳng cấp cao nhất”.

Bà Natalie Hawkins, mẹ của Gabby, có lý do để lo. Bà đã một mình nuôi 4 đứa con và không muốn đứa bé nhất rời gia đình và đến một nơi bà hoàn toàn không biết. Thế nhưng, HLV Liang Chow, người phát hiện tài năng của Gabby, đã kiên trì thuyết phục. Cuối cùng bà Natalie cũng phải xiêu lòng. “Cứ như, tôi mất con của mình, nhưng biết làm sao được vì nó muốn điều đó hơn mọi thứ trên đời này”, bà Natalie nói thế với HLV Chow. Thế là cô gái nhỏ đến với miền đất mới Iowa lạnh giá. Hai năm sau, Gabby đã làm được điều đã hứa với mẹ: thi đấu ở đẳng cấp cao nhất.

   Gabby và HLV "ruột"

Thật thú vị, Gabrielle Douglas trưởng thành chỉ sau một đêm. Trong thời điểm nhận huy chương, nhiều cô gái khác sẽ khóc vì mừng vui và hạnh phúc. Nhưng Gabby thì khác. Cô chỉ cười và cười, như thể đã quá quen với đấu trường Olymic cùng cảm giác chiến thắng.

“Cô ấy thể hiện cá tính của một nhà vô địch bẩm sinh”, một nhà báo đã nói thế khi viết về những gì đã xảy ra trong lễ trao huy chương. Không chỉ tại lễ trao huy chương mà trong suốt cuộc tranh tài không bao giờ Gabby có vẻ mặt lo lắng hay căng thẳng. Có lẽ, đối với cô, niềm vui là một yếu tố quan trọng dẫn đến chiến thắng. Không có niềm vui khi thi đấu, Gabby sẽ không thể chiến thắng.
 

Thiện Nga | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục