Gã khổng lồ McLaren: Vì sao nên nỗi

11:45 Thứ sáu 20/03/2015

Dường như đang có một nghịch lý, khi một đội đua từng giành tới 20 chức vô địch thế giới như McLaren lại xem việc chiếc MP4-30 của Jenson Button hoàn thành trọn vẹn 58 vòng đua vừa qua tại Australia là một thắng lợi.

Sau chặng đua mở màn tại Australia kết thúc, Giám đốc điều hành Eric Boullier thở phào nhẹ nhõm: “Kết thúc một chặng đua đầy khó khăn, việc Button cán đích tại Australia là một thắng lợi với McLaren”. Điều này cho thấy đội đua nước Anh còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục đích đề ra khi McLaren ký thỏa thuận hợp tác với nhà cung cấp động cơ Honda.

Hãy quay về thời điểm tháng 12/2014, Chủ tịch McLaren, Ron Dennis khi nói về sự hợp tác trở lại với Honda đã nhắc đến tham vọng tái lập một chu kỳ thành công như giai đoạn cuối thập kỷ 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, McLaren đã giành liên tiếp bốn chức vô địch thế giới từ năm 1988. Nhưng sự thực là tình hình hiện tại của McLaren không hề giống với giai đoạn đó.

Jenson Button một lần nữa chỉ có một chiếc xe yếu ớt khi hợp tác với Honda.

Khi McLaren và Honda lần đầu hợp tác với nhau vào năm 1988, thế hệ động cơ turbo lúc đó của Honda đã được sử dụng trên các đường đua F1 trong năm năm và thống trị trong suốt hai mùa giải trước đó. Trong khi đó, thế hệ động cơ turbo hiện tại của Honda chưa hề được thử sức trên đường đua trước khi mùa giải 2015 bắt đầu. Grand Prix Australia mới là chặng đua đầu tiên mà động cơ Honda đua tranh với các đối thủ.

Hiện nay, chiếc MP4-30 của McLaren đang ở đâu? Tại Grand Prix Australia, chiếc xe của McLaren là chiếc xe chậm nhất và thua kém các đối thủ một khoảng cách lớn. Button và đồng đội Kevin Magnussen bị các xe còn lại bỏ xa ít nhất 1,5 giây ở vòng thi đầu tiên (Q1) của buổi phân hạng chiều thứ Bảy. Trên giấy tờ, chiếc MP4-30 chậm hơn chiếc W06 của Mercedes tới 2,9 giây tại Q1. Tuy nhiên, khi đó chiếc W06 đang sử dụng lốp trung bình còn MP4-30 dùng lốp mềm, vì thế khoảng cách thật ra phải ở mức hơn bốn giây.

Đó là còn chưa kể đến việc chiếc W06 chỉ thể hiện toàn bộ sức mạnh ở hai vòng phân hạng tiếp theo (Q2 và Q3) khi mà hai chiếc xe của McLaren đã bị loại. Trong F1, việc chậm hơn đối thủ ba giây mỗi vòng đua là một kết quả tồi tệ. Còn nếu chậm hơn tới năm giây thì cần phải dùng từ thê thảm.

Câu hỏi được đặt ra là bao giờ McLaren mới có thể san bằng được khoảng cách trên. Giám đốc điều hành Eric Boullier thừa nhận rằng: “McLaren sẽ phải mất vài năm để có thể đuổi kịp các đối thủ”. Vậy hãy cùng phân tích xem liên minh McLaren-Honda đã gặp khó khăn về vấn đề gì và liệu họ có thể khắc phục cái điểm yếu đó không?

McLaren đang gặp vấn đề với động cơ. Nguyên nhân dẫn việc chiếc MP4-30 bị tụt lại quá xa so với các đối thủ chính là động cơ Honda. Ta chỉ cần nhìn vào tốc độ mà chiếc xe của McLaren đạt được là có thể hiểu rõ điều này. MP4-30 đang là chiếc xe chậm nhất trên đường đua hiện nay. Tại Albert Park (Australia), McLaren chậm hơn từ 14-15 km/h so với tốc độ mà các đối thủ thường đạt được trên đường thẳng. Lấy ví dụ, so về tốc độ tại vạch xuất phát/đích thì chiếc MP4-30 của Button chậm hơn chiếc FW37 của Felipe Massa (đội Williams) 15,5km/h. Ở vị trí mà xe đua đạt tốc độ cao nhất (trước khi bắt đầu phanh tại lối vào Turn 1) trên đường thẳng thì chiếc xe của Button chậm hơn 14,8 km/h.

Điều này chứng minh rõ ràng rằng hệ thống hybrid trên chính là yếu điểm của động cơ Honda. Khi thoát cua và tăng tốc, nguồn năng lượng điện do hệ thống hybrid tạo ra vốn đóng vai trò lớn nhất với tốc độ của chiếc xe. Hệ thống hybrid của động cơ có nhiệm vụ thu hồi năng lượng từ trục sau (MGU-K) và bộ phận turbo (MGU-H). Mức năng lượng thu hồi được nằm trong khoảng 160-200 bhp, tùy thuộc vào hiệu quả của hệ thống thu hồi, đặc biệt là phần năng lượng thu hồi từ turbo.

Các kỹ sư F1 thường sử dụng một công thức tạm tính để quy đổi mức độ thua kém về thành tích trên đường đua sang sự chênh lệch về công suất động cơ. Theo đó, 1 bhp thiếu hụt về công suất sẽ tương đương với việc chậm hơn đối thủ 0,016 giây mỗi vòng đua. Từ đó ta có thể dễ dàng tính ra: khoảng cách 2,9 giây sẽ tương đương với 181 bhp; 3,9 giây tương đương với 244 bhp còn 5 giây sẽ là 312 bhp.

Chiếc MP4-30 của Kevin Magnussen là chiếc xe xếp cuối cùng tại vòng phân hạng GP Australia.

Hiện tại, không phải tất cả yếu điểm của MP4-30 so với đối thủ đều nằm ở động cơ nên khoảng cách giữa động cơ Honda so với đối thủ sẽ chỉ là một phần của con số mà ta đã tính toán ở trên. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng chiếc MP4-30 đang yếu hơn đối thủ ít nhất là ở mức tương đương với 200 bhp. Con số này còn phụ thuộc vào việc trên thực tế về tổng thể, hệ thống hybrid có thể đơn giản là không hoạt động hiệu quả và một số nguyên nhận khác.

Một hệ thống hybrid hoạt động không hiệu quả sẽ làm lượng năng lượng thu được từ động cơ đối trong được bị giảm xuống nếu không nó sẽ tiêu tốn thêm rất nhiều nhiên liệu do thiếu đi phần năng lượng điện thu được.

Vấn đề chính mà động cơ Honda gặp phải hiện nay là độ tin cậy. Nhiều chuyên gia cho rằng nó quá thiếu tin cậy để hoạt động với công suất tối đa. Tại Australia, công suất của động cơ Honda buộc phải giảm xuống nữa vì nhiệt độ thực tế trên đường đua quá cao so với các kỳ thử nghiệm trước mùa giải tại châu Âu. McLaren và Honda không dám đẩy công suất vì không dám tự tin về độ tin cậy của động cơ.

Mô tả việc thiết lập các thông số của động cơ là hết sức thận trọng, ông chủ công ty Honda F1- Yasuhisa Arai cho biết: “Thật không may, Honda không có kinh nghiệm với nền nhiệt độ cao hơn vì vậy chúng tôi không thể mạo hiểm đánh mất động cơ ngay trong cuộc đua đầu tiên.” Arai cũng cho biết cả MGU-K và bản thân động cơ đều phải giảm công suất.

Gương mặt đăm chiêu của ông chủ công ty Honda F1, Yasuhisa Arai (trái).

Trên thực tế dù chỉ chạy thử rất ít, động cơ trên chiếc MP4-30 của Magnussen vẫn bị cháy ngay trước khi Grand Prix Australia xuất phát. Sau sự cố trên, Honda vẫn tuyên bố rằng họ vẫn chưa dám chắc sự cố đó có do lỗi từ động cơ hay không? Dù gì thì Fernando Alonso cũng chỉ còn ba động cơ cho phần còn lại của mùa giải sau khi người thay thế Magnussen vô tình làm hỏng một chiếc.

Khi chưa dám chắc về độ tin cậy của động cơ, liệu Honda sẽ để xe chạy với công suất bao nhiều? Có nhiều thông tin cho biết, Honda đã biết rõ yếu điểm nhưng họ vẫn chưa biết là sẽ mất bao lâu để khắc phục. Bên cạnh đó, Honda còn khẳng định dù việc phát triển động cơ bị hạn chế nhưng họ vẫn được phép thay thế các bộ phận bị lỗi nếu phục vụ mục đích liên quan tới độ tin cậy.

Nhiều người lại cho rằng thiết kế đuôi xe gọn gàng của McLaren chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu tin cậy của chiếc MP4-30. Tuy nhiên, sau đó McLaren và Honda đã nhấn mạnh rằng đó không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn của MP4-30.

Chiếc xe cũng là điểm yếu của McLaren. Nếu động cơ góp phần 200bhp trong việc so sánh với Mercedes thì phần thua kém từ 1 đến 1,5 giây sẽ nằm trong bản thân khung xe. Các tay đua của McLaren sau GP Australia đều đã đưa ra các nhận định về chiếc MP4-30. Button đánh giá chiếc xe của McLaren ngang ngửa với chiếc RB11 của Red Bull và C34 của Sauber tại các góc cua.

Đó không phải là một lời khích lệ đầy mâu thuẩn, chiếc C34 rõ ràng là thể hiện tốt tại góc cua nhưng chiếc RB11 đang gặp vấn đề do động cơ Renault khó kiểm soát nên rất yếu tại các góc cua. Mặc dù vậy cả Eric Boullier lẫn tay đua Magnussen đều cho rằng chiếc MP4-30 đang có nền tảng rất tốt để tiếp tục phát triển.

McLaren và Honda có rất nhiều việc phải làm với chiếc MP4-30.

Thiết kế của MP4-30 năm nay đánh dấu sự chuyển hướng của McLaren. Trong nhiều mùa giải vừa qua, McLaren đều thiết kế khí động học với phương châm đạt được mức lực ép tối đa khiến chiếc xe thiếu ổn định và rất khó lái ở góc cua do thiết lập lực ép không phù hợp.

Việc thiết kế khí động học cho xe F1 dựa trên nguyên tắc cân bằng. Nếu mức lực ép được đẩy lên quá cao có thể khiến một số bộ phận khí động bị ngừng hoạt động đột ngột, lực ép khi đó sẽ bị giảm đột ngột do các luồng không khí bị phá vỡ. Đó chính là tình trạng mà McLaren gặp phải ở các mùa giải trước, hiện tượng “cháy” lực nén (peaky downforce).

Kể từ mùa giải 2015, với sự có mặt của Peter Pedromou từ Red Bull, McLaren chuyển sang triết lý thiết kế tương tự đội đua nước Áo. Đó là tạo ra một chiếc xe điềm đạm, khí động học ổn định hơn, dễ điều khiển nhưng thiếu tốc độ khi tăng tốc.

Vì thế bên cạnh vấn đề về động cơ, việc thay đổi triết lý thiết kế cũng góp phần làm chiếc MP4-30 hụt hơi so với các đối thủ tại Grand Prix Australia vừa qua.

Minh Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục