EURO 2012: Tifosi - có một cách yêu như thế!

12:03 Thứ hai 04/06/2012

“Giữa cuộc sống bề bộn, ngày càng khó khăn hơn vì suy thoái kinh tế, vì sự tụt hậu của đất nước, sự bất ổn của nền chính trị cũng như sự già cỗi và lười biếng trong suy nghĩ của nhiều người, calcio vẫn tồn tại giữa ranh giới của sự sống và cái chết”… (“Nước Ý , câu chuyện tình của tôi” – Trương Anh Ngọc)

Tôi đã từng gặp nhiều fans cả ở Việt Nam và nước ngoài, tất nhiên, ai cũng có một cách thể hiện tình yêu với đội bóng của mình theo một cách riêng, chẳng người nào giống người nào. Có những fan cuồng nhiệt và có thể dành nhiều giờ để thao thao bất tuyệt về những cầu thủ họ thích, có người chỉ lặng lẽ lắng nghe, thích suy tư và ngẫm nghĩ, có người lại cuồng theo kiểu hooligan, sẵn sàng nhảy bổ vào nếu như tình yêu bóng đá mà họ tôn thờ bị xúc phạm… tôi đã gặp nhiều thứ tình yêu: lãng mạn kiểu fans Anh, trào dâng kiểu fans La Liga, kiên trì mà quý tộc kiểu fans Đức… nhưng quả thật, tôi chưa từng gặp thứ tình yêu nào mãnh liệt, dữ dội theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực như fans Calcio.

Nhắc đến bóng đá Ý là ta nhắc đến những sân bóng cũ kĩ, những sân bãi tróc cỏ bên dưới những khán đài trống vắng người qua… Calcio là những náo loạn nơi góc khán đài, là những màn pháo sáng khói um cả sân vận động, là những tifosi ngã xuống trong cái chết vô nghĩa nhất không vì điều gì hết, là những giọt nước mắt, là máu, là mưa, là cái run rẩy trong nỗi ám ảnh, là cái hỗn loạn của đủ các loại còi xe cứu thương, xe cảnh sát trong những đêm dài tủi nhục và bê bối… Bóng đá Ý, chưa bao giờ hết những ngày tăm tối cho dù đó là khoảnh khắc vinh quang nhất của cả một thế hệ. Bất chấp mọi xấu tốt, bất chấp mọi điều tiếng thế gian, tifosi vẫn yêu Calcio theo cái cách của riêng họ, cuồng nhiệt đến mức điên rồ, mãnh liệt đến dữ dội một cách đáng sợ!

Hi vọng EURO 2012 này đội tuyển Italia sẽ không làm người hâm mộ phải thất vọng. Ảnh: Internet

Bóng đá Ý giống như bức tranh lập thể, là vô vàn những mảnh ghép xộc xệch, hỗn loạn nhưng khi đã nhìn, đã yêu thì càng nhìn càng thấy thú vị, càng ngắm càng thấy nhiều điều ẩn giấu đằng sau. Có lẽ vì thế mà nhiều tifosi sẵn sàng yêu và sống chết với nó. Một cái nhìn hơi lâu cũng dẫn đến một cuộc ẩu đả, một gia đình có thể tan nát vì những tình yêu bóng đá ngược chiều của lứa đôi, một tiếng gọi “cha” có thể suốt đời là im lặng nếu cha con không cùng một hướng bóng. Bất cứ tình cảm nào ở Ý cũng có thể tan thành hư vô nhưng ở đó có một quy luật không bao giờ thay đổi, đó là: người ta có thể bỏ rơi tình yêu, cắt đứt tình cha con, phản bội tình bạn, nhưng không bao giờ phản bội đội bóng mà họ yêu và nguyện theo nó suốt cả cuộc đời. vâng, cái cách mà người ta yêu tuy có phần cực đoan nhưng thật đáng ngưỡng mộ.

Sau trận giao hữu với những chú gấu Nga, có lẽ nước Ý lại có một đêm không ngủ. Ở đất nước mà bóng đá có thể khiến người ta yêu đến chết, ở mảnh đất mà vài ngày lại có một đám tang của một fan nào đó không bao giờ tỉnh lại trên những khán đài,… ở một thế giới mà ai cũng coi bóng đá là thứ tôn giáo của mình, đêm hôm qua quả thực là một đêm phẫn nộ của tình yêu.

Một nốt trầm mang tên Buffon, một sự bất lực có tên Pirlo, một thứ thất vọng được Prandelli gọi tên thành “Azzurri lẽ ra nên thua đậm hơn nữa”… chiếc áo số 1 nơi khung thành dường như vẫn là quá rộng so với tầm của De Sanctis, sự có mặt của lão tướng Di Natale cũng không chấn hưng được cục diện sóng gió trên sân… sau một thất bại như thế ngay khi giải đấu đã cận kề, rất nhiều người thất vọng… chỉ có các tifosi là không bao giờ quay lưng. Là tifosi, nghĩa là yêu và chiến đấu đến cùng (“non mallare mai” như một người bạn Ý của tôi đã nói sau trận đấu),… là tifosi, nghĩa là yêu và luôn vươn lên chống chọi mọi gió mưa, là “buồn và đau khổ” nhưng đam mê thì không bao giờ cạn.

Nhà báo Trương Anh Ngọc đã nói về nguồn gốc của từ “tifosi”, nó bắt nguồn từ “tifo” là tên một loại bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm… có lẽ bởi vì người ta yêu bóng đá tới mức như bị nhiễm một thứ bạo bệnh, có thể chết vì nó bất cứ lúc nào. Ngay cả khi thất bại, nó vẫn khiến người ta yêu một cách mù quáng, yêu đến phát cuồng. Bóng đá Ý là thế, không yêu thì không sao, nhưng đã nhiễm, đã trót yêu nó rồi thì không thể ngừng yêu nó được…

Nhiều lúc tự hỏi, có ngốc nghếch quá không khi mình cũng đang yêu theo kiểu một tifosi như thế?

(Bạn đọc: Trang Milan)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục