Đỏ mắt tìm nhà tài trợ

13:29 Thứ bảy 07/03/2015

Với một tổ chức xã hội là Liên đoàn hay Hiệp hội thể thao thì 3 vị trí gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách tài chính và TTK đóng vai trò quan trọng nhất. Nhân sự ở 3 vị trí ấy xem như xương sống của cả một Liên đoàn hay Hiệp hội thể thao. Trong câu chuyện của Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã bị Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) tước quyền đăng cai giải VĐTG quyền 2015 nằm chính ở vấn đề không đủ tài chính.

Ai là yếu nhân?

Không đơn thuần taekwondo Việt Nam bị WTF tước quyền đăng cai vì khoản tiền cọc phải đóng, mà theo tìm hiểu, với những yêu cầu mà WTF đưa ra thì chủ nhà phải chi ra không dưới 5 hoặc 6 tỷ đồng. Mà hiện tại, theo như lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo Việt Nam nhận định, việc kêu gọi tài trợ khó khăn nên không thể kham nổi và việc bị rút quyền cũng dễ hiểu. Kêu gọi tài trợ trong thể thao giờ quả rất khó khăn.

Taekwondo cũng khó tìm kiếm tài trợ như nhiều môn thể thao trọng điểm khác. Ảnh: T.L

Ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là có sự chuyên biệt riêng có đông đảo mạnh thường quân tham gia tài trợ cũng như có ngân quỹ dồi dào thì đa phần Liên đoàn và Hiệp hội của nhiều môn thể thao khác chỉ có ngân quỹ ở con số vừa phải. Liên đoàn tạo được sự vững mạnh nằm ở khâu kêu gọi tài chính giỏi và những thành viên của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam và Hiệp hội Golf Việt Nam luôn là người đi đầu ở khoản này. Tất nhiên, đây cũng là nhóm môn thể thao dạng “quý tộc”, có nhiều cá nhân tham gia là doanh nhân nên sự kêu gọi tài trợ không khó.

Thực tế công tác tìm tài trợ, tài chính khó như thế nào thì trường hợp của Liên đoàn Taekwondo vừa qua đã phản ánh phần nào. Hiện còn rất nhiều Liên đoàn thể thao khác dù quản lý các môn thể thao quan trọng như thể dục, bơi lội, điền kinh, bóng bàn, cầu lông, bắn súng… thì không hẳn quá thiếu tiền. Nhưng nếu bảo họ đứng ra tổ chức một giải quốc tế tầm cỡ ở Việt Nam là thật sự khó vì phải phụ thuộc được có tiền tổ chức hay không. Những khoản tiền ấy (nếu có) đều được vận động bằng xã hội hóa nhưng rất ít thương hiệu mặn mà tài trợ. Thế mới thấy, chỉ chuyên môn thôi là chưa đủ, mà cần phải có nguồn lực tài chính.

Phải chuẩn bị kỹ càng

Trong lộ trình của mình, sắp tới, các môn boxing và cử tạ đang xúc tiến để thành lập Liên đoàn thể thao. Đây là tín hiệu mừng. Khi có các môn này ra đời Liên đoàn thể thao, cơ hội phát triển hơn sẽ không bị hạn chế nữa. Nhưng, như nhiều môn thể thao đi trước, không ít người hiểu rằng, để ra đời một Liên đoàn thể thao có thể không khó nhưng làm thế nào cho Liên đoàn ấy hiệu quả và vững mạnh (cả chuyên môn, tài chính) là thật sự khó. Boxing và cử tạ biết điều đó nên họ vẫn đang xem xét và lựa chọn rất kỹ lưỡng ở công tác nhân sự.

Có một thực tế, hiện tại vẫn còn môn chưa vội vàng thành lập Liên đoàn. Bởi vì, khi thành lập một bộ máy hoạt động mới, nếu tiềm lực tài chính không đủ bền lâu thì rất có thể Liên đoàn được thành lập lại trở thành gánh nặng đối với tổ chức quản lý nhà nước mà đại diện ở đây là Tổng cục TDTT.

Nhiều Liên đoàn thể thao luôn hướng tới tìm kiếm vị chủ tịch là người có vai vế trong xã hội hoặc là doanh nhân của doanh nghiệp thành đạt. Nếu thành công ở sự lựa chọn trên, ít nhiều chủ tịch có thể phát huy từ năng lực của mình giúp Liên đoàn hoạt động tốt. Thực tế không phải không có trường hợp vị chủ tịch gần như chỉ đứng danh hoàn toàn không xuất hiện hay tham gia công tác nào ngoài một số buổi họp cần đầy đủ mọi người.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục