Djokovic & Becker - Mối quan hệ mang nhiều hoài nghi

14:13 Thứ tư 29/01/2014

Nhiều tay vợt có HLV mới cho năm 2014, nhưng không mối quan hệ thầy trò mới nào đình đám hơn việc Novak Djokovic bổ nhiệm Boris Becker làm HLV. Becker sẽ theo Djokovic đến 4 giải Grand Slam và các giải đấu khác trong năm nay.

Trong khi đó, Djokovic vẫn giữ lại HLV Marian Vajda, người đã huấn luyện anh từ năm 2006 và đưa anh lên đến đỉnh cao, Vajda sẽ chỉ có mặt bên Djokovic ở 4 giải trong năm tới: Indian Wells, Madrid, Toronto và Bắc Kinh.

Vajda, cựu tay vợt người Slovakia, trong sự nghiệp cầm vợt của mình leo cao nhất chỉ lên đến hạng 34 thế giới. Nhưng cũng như trong bóng đá hay các môn thể thao khác, không phải người chơi giỏi nhất, quá nhiều cựu danh thủ huyền thoại thất bại trên ghế HLV đội bóng đó thôi. Vajda làm quá tốt công việc của mình, và có thể nói danh tiếng của ông đến từ việc ông huấn luyện Djokovic, chứ không phải những gì ông thể hiện trên sân khi còn đấu.

Song Vajda hoàn toàn nhận thức được rằng, ông đã cho Djokovic hết vốn, khả năng của ông trong việc mài dũa Djokovic đã đụng trần. Ông cần lùi lại, và Djokovic cần tìm phương pháp để tiếp tục cải thiện lối chơi của mình, để thống trị làng tennis nam thời gian tới.

Novak Djokovic cần cải thiện mặt nào?

Trong làng tennis hiện tại, có thể nói Djokovic là tay vợt cân bằng, hoàn hảo nhất, với các kỹ năng phòng thủ và tấn công tuyệt vời. Khoảng cách giữa điểm yếu nhất và điểm mạnh nhất của anh nhỏ nhất trong số tất cả các tay vợt. Nói lối chơi của Djokovic cần thay đổi chẳng khác nhiều nói nụ cười trên khuôn mặt Mona Lisa không đúng, cần phải có các họa sĩ hàng đầu sửa lại.

Djokovic là một người mê đắm sự hoàn hảo đến ám ảnh. Trong cuốn sách viết về dinh dưỡng anh xuất bản mới đây “Serve To Win”, anh viết: “Để đảm bảo chế độ ăn kiêng của mình tối ưu nhất, tôi thử máu 6 tháng mỗi lần nhằm xem mức độ vitamin, khoáng chất trong cơ thể mình thế nào nhằm điều chỉnh chế độ ăn kiêng”. Việc anh muốn có HLV mới nghĩa là anh muốn những gì anh chưa thật sự hoàn hảo trở thành hoàn hảo. Đó là những gì?

Ở phong độ cao nhất, Djokovic sử dụng các cú giao bóng của anh rất hiệu quả, có thể đẩy những đối thủ mạnh nhất của anh và thế thủ ngay từ đầu để kiểm soát điểm đấu. Nhưng khi giao bóng hơi gặp vấn đề, anh không đủ tự do để lái điểm đấu theo ý của mình.

Tại bán kết Roland Garros 2013, trong trận thua Rafael Nadal sau 5 set đấu, Djokovic đã có hai cú smash hỏng rất đáng tiếc ở những thời điểm quyết định. Nếu không anh đã có thể hạ bệ vua đất nện rồi. Hai cú smash kiến Djokovic day dứt này cũng là một trong số những yếu tố đẩy anh đến gần Becker.

Djokovic cũng là tay vợt có tinh thần thép, điều đó đã thể hiện rõ nhất khi anh chiến thắng Nadal sau gần 6 giờ đồng hồ ở trận chung kết Australian Open 2012. Nhưng bản năng sát thủ của anh gần đây có vẻ như xuống màu. Trong 2013, anh vào chung kết ba giải Grand Slam và bán kết một giải Grand Slam nhưng chỉ ra về với một danh hiệu vô địch. Anh đã để các cơ hội trôi qua tại trận bán kết Roland Garros, chơi dưới cường độ hơn thường lệ khi thua Murray ở chung kết Wimbledon và buông trôi set cuối trong trận chung kết US Open trước Nadal. Djokovic vẫn cần thêm chất thép cho những sợi thần kinh nữa.

Boris Becker có phải là sự lựa chọn hợp lý?

Trên lý thuyết, Becker có thể sửa những khiếm khuyết kể trên cho Djokovic. Becker là một trong số những tay vợt giao bóng tốt nhất mọi thời đại, ông xây dựnglối chơi của ông quanh cú giao bóng đó. Becker cũng là tay vợt giỏi trên lưới và nếu ông truyền dẫn được điều này cho Djokovic thì anh sẽ ăn được nhiều điểm dễ dàng hơn, nhằm tiết kiệm sức lực. Becker, nổi tiếng với câu nói “Trong set thứ 5, vấn đề không còn là tennis nữa, mà là những sợi dây thần kinh”, là một đối thủ nhiều chất thép trên sân đấu.

Trước đây, tháng 08/2009, Djokovic đã từng thử HLV khác bên cạnh Vajda. Đó là Todd Martin, cựu tay vợt người Mỹ từng 2 lần vào chung kết Grand Slam. Nhưng Martin không giúp Djokovic cải thiện được điều gì và họ chia tay vào tháng 04/2010.

Giờ đây, Djokovic muốn thuê hẳn một cựu tay vợt đã nhiều lần vô địch Grand Slam, một người không làm công việc huấn luyện nhiều và có con mắt quan sát hoàn toàn khác với giới HLV để tạo ra một hiệu ứng khác lạ. Djokovic hẳn muốn sao chép sự thành công giữa Ivan Lendl và Andy Murray. Từ khi làm việc với Lendl vào đầu năm 2012, Murray đã trở thành một tay vợt khác, với thể lực và tinh thần mạnh mẽ hơn hẳn. Và mối quan hệ thầy trò này giúp Murray giành Grand Slam đầu tiên ở US Open 2012, giành HCV Olympic London 2012, trở thành người đàn ông đầu tiên ở vương quốc Anh vô địch đơn nam Wimbledon sau 77 năm.

Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt lớn giữa hai cặp này để có thể thực hiện một sự sao chép.

Thứ nhất, khi đến với Lendl thì Murray chưa có danh hiệu vô địch Grand Slam nào, sức ép khi nhận việc của Lendl ít hơn. Đưa một tay vợt từ điểm 7 lên điểm 9 dễ hơn là đưa một tay vợ điểm 9,5 lên điểm 10. Trong khi đó thì cả Becker lẫn Djokovic đều là những nhà vô địch Grand Slam khi đến với nhau, họ đều óc cái tôi lớn, và nếu họ thể hiện điều này trên sân tập thì mối quan hệ này sẽ trở thành mối quan hệ Jimmy Connors – Maria Sharapova phiên bản mới. Sharapova thuê Connors hồi tháng 7.2013 và sa thải ông chỉ sau đúng một trận thua ở giải Cincinnati Masters 2013.

Thứ hai, cả Lendl và Murray đều không thích ánh đèn showbiz, giữa họ chỉ là tennis, do đó họ thành công. Djokovic sinh ra là một nhà giải trí, Becker cũng thích thú với việc được chú ý, nêu ý kiến, trả lời phỏng vấn, bình luận truyền hình.

Thứ ba, Lendl luôn mạnh ở khả năng phân tích, vận dụng các chiến thuật kể từ khi ông còn thi đấu. Còn Becker thường áp đảo đối thủ bằng các cú giao bóng. Học trò của họ: Murray tí vận dụng chiến thuật trước khi làm việc với Lendl trong khi lối chơi của Djokovic luôn thể hiện tính chiến thuật rất rõ ràng. Lendl đã giúp Murray nhiều ở khâu chiến thuật, nhưng khó thể trông đợi Becker cải thiện được điều gì về chiến thuật trong lối chơi của Djokovic.

Thứ tư, Becker có tài năng nhưng nếu có được sự điềm tĩnh trên sân đấu thì ông có thể có nhiều hơn 6 danh hiệu vô địch Grand Slam. Điều này chứng tỏ Becker không thật sự mạnh lắm về tinh thần. Liệu Becker dạy được thêm điều gì cho một Djokovic vốn có ý chí và bản lĩnh cao? Djokovic có loạng choạng ở một số thời điểm trong năm 2013 thật nhưng anh đã thể hiện được sự mạnh mẽ vào giao đoạn cuối mùa giải khi thắng 24 trận liên tiếp.

Danh hiệu Grand Slam mà Djokovic còn thiếu là Roland Garros, Berker có thể giúp Djokovic có danh hiệu đó khi mà chính ông cũng chưa từng được chơi chung kết ở giải đấu này? Trên các mạng xã hội, khi nghe đến chuyện Djokovic làn việc với Becker, phản ứng của số đông là: “Thú vị đấy. Để xem mối quan hệ này sẽ đi theo chiều hường nào?” Có nghĩa sự nghi ngờ đang là dòng suy nghĩ chủ lưu của mọi người.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục