Đinh Thanh Trung: Người dám giỡn mặt bầu Kiên

09:46 Thứ năm 23/02/2012

Ông Nguyễn Đức Kiên, ông bầu của câu lạc bộ Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đang nổi lên như là một nhân vật đầy quyền lực trong làng bóng đá Việt Nam. Ấy vậy mà Đinh Thanh Trung vẫn dám “giỡn mặt” ông bầu có tiếng nói được, làm được này!

Carlos Tevez ở Việt Nam

Đinh Thanh Trung không còn xa lạ với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, khi cầu thủ người Hà Tĩnh đã đeo băng đội trưởng của Hòa Phát Hà Nội từ mùa trước và từng được gọi vào đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup 2010. Tuy nhiên, cái tên Đinh Thanh Trung chỉ thực sự nổi lên trong vòng gần hai tuần qua, khi anh từ chối vào sân trong trận câu lạc bộ Hà Nội làm khách tại Bình Dương ở vòng 4 Super League.

Lý do của Đinh Thanh Trung là hợp đồng giữa anh và câu lạc bộ Hà Nội đã hết hạn vào ngày 31/1/2012. Chưa biết đôi bên đã thực sự hết ràng buộc pháp lý với nhau hay chưa nhưng với hành động từ chối vào sân thi đấu, Đinh Thanh Trung dễ khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam liên tưởng đến trường hợp của Carlos Tevez tận bên nước Anh, một vụ việc gây ầm ĩ mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa lắng xuống, thậm chí còn bị khuấy lên.

Đinh Thanh Trung từng đeo băng đội trưởng của Hòa Phát Hà Nội. Ảnh: Trần Uy Vũ

Trong trận Man.City làm khách của Bayern tại vòng bảng Champions League, khi được huấn luyện viên Roberto Macini yêu cầu khởi động để vào sân ở những phút cuối, khi đội bóng nước Anh đang bị dẫn trước 0-2. Tevez lắc đầu và vẫn ngồi yên trên băng ghế dự bị như một pho tượng. Tan trận, ông Mancini cáu tiết và với sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Man.City, hàng loạt án kỷ luật đối với Tevez đã được ban ra, trong đó có phạt tiền và đày xuống đội trẻ.

Khi Đinh Thanh Trung leo lên khán đài sân Gò Đậu ngồi, anh đã phải giáp mặt với ông chủ Nguyễn Đức Kiên, người đã thân chinh từ Hà Nội vào tận Bình Dương xem câu lạc bộ Hà Nội thi đấu. Nóng mặt vì hành động của Đinh Thanh Trung, bầu Kiên lớn tiếng đe dọa sẽ kỷ luật, đày anh xuống tập luyện và thi đấu cùng đội trẻ. Vài ngày sau, thay vì cùng đồng đội lên Gia Lai để đá trận tiếp theo ở vòng 5 Super League, Đinh Thanh Trung phải bay về Hà Nội để giải quyết chuyện hợp đồng.

5 năm, 5 tỷ đồng

Đó là mức giá mà bầu Kiên từng đề nghị với Đinh Thanh Trung về việc gia hạn hợp đồng. Theo đó, tiền vệ cánh trái này sẽ nhận số tiền “lót tay” kể trên, chưa bao gồm lương và thưởng, trong vòng 5 năm tới. Khoảng thời gian này đã bao gồm 2 năm mà bầu Kiên cho rằng Đinh Thanh Trung trước đây từng cam kết gắn bó với câu lạc bộ. Đinh Thanh Trung đã từ chối lời đề nghị, vì cho rằng “giá” của một tuyển thủ quốc gia mới 24 tuổi như anh trên “sàn” chuyển nhượng vào thời điểm hiện tại cao hơn rất nhiều, chí ít cũng phải từ 7 đến 8 tỷ đồng.

Bản hợp đồng rắc rối

Để mọi chuyện rõ ràng hơn, cần phải nói một chút về gốc gác của Đinh Thanh Trung. Tiền vệ sinh năm 1988 ở Hà Tĩnh này được huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh đưa ra Hà Nội vào năm 2007. Khi đó, anh ký hợp đồng có thời hạn sáu năm với Hòa Phát Hà Nội, với mức phí tổng cộng 180 triệu đồng. Mặc dù số tiền khá nhỏ nhưng đó vẫn là niềm tự hào đối với một cầu thủ mới 19 tuổi, sinh ra và lớn lên trong cơ cực, mồ côi cha từ sớm như Đinh Thanh Trung.

Sau đó, để hợp thức hóa ràng buộc pháp lý theo đúng Luật Lao động, Đinh Thanh Trung và Hòa Phát Hà Nội ký lại bản hợp đồng mới, có thời hạn ba năm nhưng không đề cập gì đến chuyện tiền nong. Bản hợp đồng ký lại này đáo hạn vào ngày 31/1/2011 vừa qua, và đó là lý do khiến Đinh Thanh Trung quyết tâm không vào sân thi đấu trận câu lạc bộ Hà Nội gặp Bình Dương, dù bầu Kiên nói rằng cầu thủ này còn một cam kết khác, gắn bó thêm hai năm với đội bóng, mà thực chất là cam kết với Hòa Phát Hà Nội trước đây.

Cái lý của Đinh Thanh Trung là nếu vào sân và không may gặp phải chấn thương thì ai sẽ lo việc điều trị cho anh, khi mà câu lạc bộ Hà Nội có thể “phủi tay” vì đôi bên đã hết ràng buộc. Chưa kể, nếu Đinh Thanh Trung đá rồi sau đó Bình Dương khởi kiện thì câu lạc bộ Hà Nội sẽ gặp rắc rối to vì sử dụng một cầu thủ không còn hợp đồng. Tức là nhìn dưới góc độ tích cực, hành động của Đinh Thanh Trung vừa để bảo vệ cho bản thân anh, vừa bảo vệ cho câu lạc bộ mà anh đang khoác áo.

Nhưng, tất nhiên, bầu Kiên sẽ không nghĩ vậy. Trong mắt bầu Kiên lúc này, Đinh Thanh Trung từ chỗ là một cầu thủ ngoan trở thành một kẻ phản tặc. Với thói quen bới lông tìm vết, soi mói các sơ hở trong hợp đồng như đã từng làm với vụ hợp tác bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG, bầu Kiên tự tin tuyên bố Đinh Thanh Trung vẫn là người của câu lạc bộ Hà Nội một cách hợp pháp.

Vụ việc sẽ đi đến đâu, đó vẫn là một dấu hỏi cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên, qua chuyện này có thể thấy được hai vấn đề: Nếu bầu Kiên là người làm bóng đá chuyên nghiệp và sòng phẳng, như chính lời ông vẫn rêu rao, thì có lẽ ông đã không dồn ép Đinh Thanh Trung đến đường cùng; và nếu các cầu thủ Việt Nam hiểu biết hơn, có người đại diện thông tường về pháp luật, thì mọi việc sẽ không đến mức rắc rối như lúc này. Đó vẫn là những điều đáng trăn trở của bóng đá Việt Nam trong thời điểm đã chuyên nghiệp hóa được hơn chục năm rồi.

Quả bóng lăn sang chân VFF

Khi xảy ra những vụ việc tương tự như chuyện của Đinh Thanh Trung, các cầu thủ đều thường cậy nhờ đến luật sư, thậm chí đe dọa đưa vụ việc ra tòa án dân sự. Tuy nhiên, để làm được điều đó là không dễ bởi theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng như các quy định của FIFA thì những vụ việc kiểu này phải được giải quyết thông qua các quy định đặc thù trong lĩnh vực bóng đá.

Trong trường hợp này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ là cơ quan phải đứng ra phân xử nếu Đinh Thanh Trung hay câu lạc bộ Hà Nội, hoặc cả hai, có khiếu kiện, yêu cầu. Nếu VFF không giải quyết được, vụ việc có thể đẩy đi một cấp độ xa hơn, ra Tòa án trọng tài thể thao Quốc tế (CAS theo tên tiếng Anh, hay TAS theo tên tiếng Pháp) có trụ sở ở Lausane, Thụy Sĩ.

CAS thường là nơi các bên tìm đến để nhận được phán quyết cuối cùng sau khi không thỏa mãn với quyết định của các câu lạc bộ, tổ chức hay liên đoàn. Với cầu thủ Việt Nam, CAS là một cái gì đó còn quá xa vời. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam thì đã từng có bài học đắt giá liên quan đến CAS, khi huấn luyện viên Christian Letard khởi kiện vào năm 2004, gần hai năm sau khi nhà cầm quân người Pháp bị sa thải. Khi đó, VFF đã phải cắn răng bỏ ra số tiền khoảng ba tỷ đồng để đền bù cho ông Letard.
Ngọc Mỹ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục