Cuộc bầu chọn Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Đông Nam Á: Cuộc thi hoa hậu, ca sĩ của ... cầu thủ?

17:43 Thứ tư 31/07/2013

Có lẽ mấy ngày nay, người hâm mộ bóng đá có điều kiện sử dụng mạng Internet đã không còn lạ lẫm gì với cuộc bình chọn mang tên GOAL 20 ở khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ), vốn kêu gọi người tham gia bình chọn để tìm ra cầu thủ xuất sắc nhất khu vực ĐNÁ trong những năm gần đây. Nhưng liệu cuộc bình chọn này có khách quan và chính xác?

1. Còn nhớ, cách đây vài năm, dân ta cũng rộn ràng chuyện "nhà nhà đi bầu, người người đi bầu" cho Vịnh Hạ Long thành kỳ quan thế giới mới trong một cuộc bình chọn do công ty New Open World Corporation tổ chức. Có người thậm chí "cuồng" đến mức (ít nhất là theo lời báo chí kể lại) lập ra hàng trăm tài khoản để vào bình bầu cho vịnh biển nước ta... mau thành kỳ quan. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành và những người có liên quan mật thiết đến mảng văn hoá - xã hội nước ta nói riêng và thế giới nói chung như ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, người đại diện cho UNESCO, một trong những tổ chức uy tín nhất trong việc bầu chọn các di sản, đã lên tiếng cảnh báo rằng đây chỉ là một kiểu đánh bóng tên tuổi bằng một dạng bình chọn dễ dãi được tiếp thị tốt và ta không nên để bị cuốn vào vòng xoáy vô bổ này để rồi mất thời gian, công sức và quan trọng là tiền bạc một cách vô ích. Hay như lời nhà báo Ai Cập Al-Sayed thì cuộc chơi này không những không tôn vinh nét đẹp của văn hoá - thiên nhiên các quốc gia một cách lành mạnh mà còn cổ vũ cho một cuộc chạy đua khích lệ ý thức dân tộc hẹp hòi trong một bộ phận công chúng ở các quốc gia.

Đừng lặp lại những sai lầm cũ kỹ

2. Thế nhưng chẳng mấy ai nghe những lời tỉnh táo và xác đáng trên, để rồi người người nhà nhà vẫn tiếp tục bình bình bầu bầu và vô tình đã đánh bóng tên tuổi công ty tư nhân nọ lên, làm lợi cho họ hàng triệu đô la một cách dễ dàng để đổi lấy một cái danh hiệu hão, hoàn toàn không có chút giá trị nào về mặt học thuật hay chuyên môn. Đến nay, nhiều người vẫn nhắc nhau nhớ lại ký ức không mấy vinh quang này để khỏi phạm phải sai lầm tương tự, khỏi làm lợi cho ngoại bang bằng sự ngây thơ và cả tin của chúng ta, của những con người có ý tốt nhưng lại không đủ tỉnh táo và sáng suốt để phân biệt đâu là những giá trị thực, đâu là những ảo ảnh tuy đẹp đẽ nhưng vô hồn và vô thực, được thêu dệt lên nhằm mục đích làm lợi trên sự thiếu hiểu biết của một bộ phận dân chúng.

3. Nhìn về những cuộc bình chọn gần đây, người ta cũng có thể thấy hàng loạt điều tương tự như trong những cuộc thi hoa hậu thượng vàng hạ cám, những cuộc thi tuyển chọn giọng hát hay từ nhỏ đến lớn, nơi thành công cuối cùng không được xác định bằng tài năng, nhân cách các thí sinh tham dự, nhưng lại bằng... số tiền mà họ sẵn sàng bỏ ra để... mua sim điện thoại và thuê người nhắn tin cho mình đạt thứ hạng cao trong kỳ thi đó. Đó hoàn toàn là những giá trị ảo, những giá trị không phản ánh đúng bản chất của sự vật mà chúng được gán cho, một sự lừa đảo nhân danh cái đẹp, cái tài năng để làm lợi cho một số cá nhân tổ chức đứng đằng sau, trong bóng tối, nào đó.

"Lời kêu gọi" khán giả của CV9

4. Mới đây, một trang báo mạng nổi tiếng về thể thao cũng đã mở một cuộc bình chọn với nội dung tương tự, nơi mà một cầu thủ có thể không đạt được phong độ cao, không có tài năng chơi bóng thuộc hàng "xịn" vẫn có thể đua tài cùng những ngôi sao hàng đầu thế giới, chỉ nhờ vào những lượt click bình chọn của khán giả (mà thậm chí còn không cần phải đăng ký một tài khoản và chỉ cần thay đổi địa chỉ IP là có thể... click bình chọn tiếp). Với cung cách bình chọn dễ dãi và chạy theo số lượng như thế, một hacker có tài hoàn toàn có khả năng đột nhập vào hàng trăm nghìn máy tính và điều khiển chúng bầu chọn cho một cá nhân nào đó mà mình ưa thích, hay như chiều qua, sau lời kêu gọi của Lê Công Vinh trên Facebook, số lượng bình chọn cho anh cũng tăng vọt, giúp tiền đạo này có lúc lên dẫn đầu với 49% phiếu bầu.

Khoảng cách chuyên môn hay là khoảng cách về trình độ ... hack?

5. Thiết nghĩ, danh tiếng - nhất là của một tờ báo - thì bao giờ cũng khó xây dựng nên, nhưng bao giờ cũng dễ dàng bị phá huỷ, đôi khi chỉ bằng một kỹ thuật PR, một chiêu marketing có tác dụng ngược khi gây nên ác cảm nơi nhiều độc giả của mình. Bởi một lẽ đơn giản, việc một tiền đạo xuất sắc của một trong những nền bóng đá tương đối mạnh trong khu vực như Lê Công Vinh chỉ đạt mức 13,5% phiếu bầu (tính đến 14h00 ngày 31/07/2013), nhưng một đại diện của một nền bóng đá chưa bao giờ được xem là ngang tầm với Việt Nam lại có thể dẫn đầu một cách áp đảo với 75,3% số phiếu (cùng thời điểm) thì rõ ràng là đang có điều gì đó không bình thường diễn ra.

6. Có thể khi đại diện của Việt Nam giành được ngôi vô địch trong kỳ bình chọn này, chúng ta lại có dịp ảo tưởng về sức mạnh của nền bóng đá mình, lại có dịp được tự mình tâng bốc mình theo kiểu "trang báo quốc tế bình chọn tiền đạo Việt Nam xuất sắc nhất khu vực" nhưng cũng có thể sau đó chúng ta sẽ lại có dịp khóc hận trong các kỳ tranh tài bóng đá trong khu vực sắp tới, đặc biệt là SEA Games. Đừng bao giờ tự huyễn hoặc mình vì bất cứ điều gì, nhất là khi điều đó chỉ là một giá trị ảo, hay nói đúng hơn, một điều vô giá trị.

Bạch Yên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục