Chuyện Canal+ “vung tiền”: Bài học liên doanh vẫn còn đó

17:27 Thứ sáu 22/02/2013

Hiện báo đài trong nước đang truyền tải thông tin K+ đã có bản quyền Ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa tới từ Canal+. Cụ thể hơn, Canal (đối tác Pháp đang sở hữu 49% cổ phần K+) đã mua bản quyền EPL từ IMG trong đó có độc quyền ngày Chủ Nhật cùng trận giờ vàng ngày thứ Bảy với giá 40 triệu USD, tức cao hơn cả con số 37,5 triệu USD mà IMG chào hàng với các đối tác trong nước rồi chuyển cho K+ theo hình thức góp vốn.

Vậy đâu là nguyên nhân để Canal+ lại chịu “mạnh tay” như thế? Tìm hiểu kĩ hơn về hành động của đơn vị này, nhiều người trong chúng ta sẽ có liên tưởng về nhiều bài học liên doanh khi xưa.

Đã là kinh doanh, thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng có quyền tham gia. K+ không phạm luật, và càng không phải áy náy vì hành động của mình. Dẫu biết Hiệp hội các đài truyền hình trả tiền trong nước đang tìm cách hạ giá mua xuống và hành động của K+ đang biến mọi thứ trở nên vô nghĩa.

“Tiên trách kỷ - hậu trách nhân”

Hiệp hội truyền hình trả tiền VN được thành lập trong bối cảnh mạnh ai nấy chạy trong các cuộc đấu thầu, mà nhiều đơn vị Việt Nam phải mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế với cái giá bất hợp lý, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Đã thành lập gần 1 năm nay, nhưng mục tiêu là trung gian kết nối hòa giải cho cuộc chiến bản quyền góp phần làm cho “chất lượng, giá cả dịch vụ dành cho người tiêu dùng tốt hơn” thì vẫn chưa thực hiện được như sự kì vọng.

Có cần thiết không khi phải trả một cái giá quá đắt cho một trận đấu? Ảnh: Internet.

Thông tin K+ sở hữu EPL xuất hiện, VTV nói “không biết” , VTC và các đài khác thì “không tin”, còn người hâm mộ “không bất ngờ”. Trách K+ chơi không đúng luật, không đúng, vì từ đầu họ đã không thuộc cái Hiệp hội ấy (không được mời tham gia). Cho nên nếu có trách thì hãy tự trách bản thân Hiệp hội đã không toan tính (hoặc cố tình làm ngơ) trước những diễn biến có thể xảy ra.

Mà xét cho cùng K+ cần gì phải tham gia họp bàn, cần gì phải mặc cả khi sau lưng họ đã có nhà đầu tư phóng khoáng Canal Plus. Đương nhiên, việc một đơn vị có được bản quyền EPL sẽ giúp cho khán giả trong nước không mất đi món ăn tinh thần tồn tại cả chục năm nay, cho dù người ta có thể ra một quán cà phê hay phải trả 1 khoản lớn tiền thuê bao.

Bài học vỡ lòng trong liên doanh - VTV nên thận trọng!

Như chúng ta đã biết, K+ là sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) gồm hai thành viên: Trung tâm kỹ thuật truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) thuộc Đài truyền hình Việt Nam và Canal Plus International Development (CO), trong đó CO góp 49% vốn. VCTV góp 51% trong đó có tất cả các thiết bị DTH (truyền hình qua vệ tinh) hiện có của VCTV cùng với chuyển nhượng hợp pháp các hợp đồng thuê bao tích cực và quyền nghĩa vụ với các kênh hiện có của VCTV... Có thể dễ dàng nhận thấy, đây là hình thức liên doanh không phải mới tại Việt Nam: đối tác nước ngoài góp vốn (CO góp gần 10 triệu USD tiền mặt) còn VCTV góp cơ sở hạ tầng và pháp lý (điều mà các công ty nước ngoài không thể có trong thời gian ngắn).

K+ - sản phẩm liên doanh “siêu khủng” của VTV và Canal Plus

Nhìn lại quá khứ, từ khi bắt đầu mở cửa nhiều chuyên gia đã nhận định liên doanh là xu thế tất yếu của kinh tế Việt Nam. Trong thời gian đầu, các đối tác nước ngoài thường “dựa” vào DN trong nước để nhờ giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ, cơ sở hạ tầng. Rất ít các trường hợp liên doanh thật sự mà đối tác tìm thấy “sức mạnh nội lực” của DN Việt Nam. Vì thế, một khi đã đạt được mục đích thì phía đối tác nước ngoài sẽ kiếm cớ đẩy DN Việt Nam ra khỏi liên doanh và “thâu tóm” công ty.

Một trong những cách mà họ sử dụng là đẩy giá nguyên vật liệu, tìm mọi cách để liên doanh thua lỗ, mà đã là liên doanh thì phần lỗ đó các DN trong nước – những đơn vị chưa bao giờ mạnh về tài chính bằng họ phải chịu chung. Rồi dần dần các DN này cạn vốn, buộc lòng phải bán lại hết cổ phần liên doanh cho các đối tác nước ngoài. Coca Cola và P&G Việt Nam là hai ví dụ điển hình. Sau chưa đầy chục năm hoạt động, hai liên doanh này đã hoàn toàn thuộc về DN nước ngoài.

Đến đây nghĩ lại, không ít người phải giật mình với số tiền 40 triệu USD Canal + (CO) bỏ ra mà cái cách họ mua thật chóng vánh, không chút do dự. Liệu có phải họ tự tin sẽ sớm hoàn vốn tại Việt Nam. Nên nhớ Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, dân còn nghèo, gói cước của K+ tại thời điểm này cũng đủ làm cho phần lớn phải lắc đầu ngao ngán. Chưa kể đến sự cạnh tranh không nhỏ từ VTC, SCTV, AVG,… tuy không có EPL trọn vẹn, nhưng nhiều khả năng các đơn vị này vẫn có ngày thứ Bảy, vậy những ai sẵn sàng bỏ thêm gấp 2, 3 lần số tiền bình thường để chỉ theo dõi thêm được “Super Sunday”, khi mà các fan cũng đã quen với 3 năm với ngày Chủ Nhật tại quán cà phê hay mạng Sopcast trên Internet.

Như vậy, từ góc độ kinh tế, có thể thấy con số 40 triệu USD cho một giải đấu thật khó để hoàn vốn tại Việt Nam. Không dám khẳng định một đơn vị nào cố tình “lỗ” và thực hiện những toan tính của họ, nhưng nhìn vào quá khứ và hiện tại xin VTV hãy tỉnh táo và thận trọng với những quyết định của mình trong tương lai.

(Bạn đọc: Tien Huy)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục