Trong công văn do ông Vũ Văn Hiến – Chủ tịch VNPayTV ký, gửi Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 7.4 có nêu quan điểm: “Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông, thời gian qua giữa các đơn vị thành viên Hiệp hội và Ban đàm phán do Hiệp hội thành lập đã có sự thống nhất cao về việc không mua bản quyền bóng đá Barclays Premier League bằng mọi giá (cụ thể là không quá 20% so với mùa giải trước, cùng với việc không chấp nhận một đơn vị nào đó mua độc quyền). Nhưng theo những thông tin mới nhất, rất có khả năng có đơn vị đã “xé rào” để đàm phán riêng, phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất cần có để có thể kiểm soát được giá mua bản quyền. Điều này đi ngược lại với chỉ đạo đã có từ Chính phủ, từ Bộ Thông tin & Truyền thông.”
VNPayTV và đối tác MP&Silva có những “khoảng cách” quá lớn về quan điểm trong vấn đề bản quyền EPL. Ảnh: I.T. |
Một thông tin gây “sốc” mà VNPayTV đưa ra trong công văn là rất có thể các đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ phải chi số tiền lên tới gần 100 triệu USD (hơn 2 nghìn tỷ đồng) để tranh mua bản quyền EPL 2016-2019: “Việc bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn trả cho nước ngoài (thực chất cũng là tiền của người dân đóng phí thuê bao truyền hình trả tiền) để mua bản quyền giải bóng đá phục vụ cho một số ít khán giả thực sự gây thiệt hại rất nhiều cho đất nước. Đó là chưa kể tới việc Nhà nước sẽ thất thu thuế khi các doanh nghiệp làm truyền hình trả tiền vì mua phải bản quyền giá cao dẫn tới kinh doanh thua lỗ hoặc có lãi nhưng rất thấp. Trong mọi trường hợp, Nhà nước hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ việc “chảy máu ngoại tệ” này,” VNPayTV trình bày.
Với những lý lẽ của mình, VNPayTV kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông nên báo cáo lên Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để tranh thủ sự ủng hộ và ý kiến chỉ đạo có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề này. Cụ thể là cần chỉ đạo lãnh đạo các Đài truyền hình, các Tập đoàn, các Công ty đang sở hữu các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chấp hành nghiêm túc việc đoàn kết, nhất trí cùng mua và chia sẻ bản quyền EPL theo phương án không độc quyền, không phê chuẩn những phương án mua hoặc kết quả đấu thầu có mức giá quá cao tạo tiền lệ nguy hiểm về việc Nhà nước hoàn toàn mất kiểm soát đối với vấn đề này. Trong trường hợp không thể đạt được sự thỏa thuận, các đơn vị thống nhất cùng không mua bản quyền EPL tại Việt Nam và chủ động khai thác các chương trình khác để đảm bảo kinh doanh.
Ở một diễn biến khác có liên quan, ngày 1.4 vừa qua, bà Beatrice Lee – Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Công ty TNHH tư nhân MP&Silva – đơn vị cấp phép bản quyền EPL tại Việt Nam đã có thư gửi VNPayTV và khẳng định quan điểm không chấp nhận bất kỳ quan điểm nào mà VNPayTV đã nêu trong thư gửi họ ngày 18.3.2016. Phía MP&Silva cho hay họ muốn “giữ toàn quyền tìm kiếm và lựa chọn đài truyền hình tốt nhất tại Việt Nam”… Đồng thời, họ đang “tìm cách đa dạng hóa các gói bản quyền EPL để có thể đáp ứng một lượng đông đảo nhất các nhà khai thác truyền thông tại Việt Nam.”
Như vậy, giữa VNPayTV và MP&Silva đang tồn tại “khoảng cách” rất lớn về quan điểm và gần như không thể tìm được tiếng nói chung. Nếu như mục tiêu tiên quyết của MP&Silva là quyền đàm phán trực tiếp với các nhà đài qua đó tìm những đối tác tốt nhất, phù hợp nhất để họ thu lợi từ bản quyền EPL; thì ở chiều ngược lại, VNPayTV lại kiên quyết chống độc quyền, muốn mua với giá rẻ nhất có thể, và các đơn vị nhà đài trong nước phải cam kết không đàm phán riêng rẽ!