Điều đầu tiên cần phải khẳng định là K+ cũng như mọi nhà đài đều muốn có bản quyền EPL với giá tốt nhất, cụ thể là không cao quá 20% so với 3 mùa giải trước. Đó là một trong những lý do quan trọng đưa đến việc hình thành Ban đàm phán bản quyền EPL cuối năm ngoái với 10 đơn vị thành viên.
Nhưng đến ngày 1.4.2016, Ban đàm phán đã khá ngỡ ngàng, cho rằng phía đối tác MP&Silva thiếu thiện chí hợp tác khi gửi thư bày tỏ quan điểm không chấp nhận bất kỳ quan điểm nào mà VNPayTV đã nêu trong thư gửi họ ngày 18.3.2016. Phía MP&Silva cho hay họ muốn “giữ toàn quyền tìm kiếm và lựa chọn đài truyền hình tốt nhất tại Việt Nam”… Đồng thời, họ đang “tìm cách đa dạng hóa các gói bản quyền EPL để có thể đáp ứng một lượng đông đảo nhất các nhà khai thác truyền thông tại Việt Nam.”
Ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV đồng thời làm Trưởng Ban đàm phán mua bản quyền EPL (giữa) trong một cuộc trao đổi với báo chí. Ảnh: Tuệ Minh. |
Ở đây, cần phải nhấn mạnh là việc MP&Silva chỉ chấp nhận đàm phán trực tiếp với từng nhà đài là do quy định chặt chẽ từ phía Ban tổ chức EPL, và MP&Silva với vai trò nhà phân phối bắt buộc phải tuân theo, chứ không phải do họ tự… nghĩ ra. Cụ thể, trong “Thư chia sẻ” gửi các cơ quan báo chí ngày 13.4, MP&Silva đã bày tỏ: “Ban tổ chức Giải bóng đá Ngoại hạng Anh nghiêm cấm việc hình thành các liên doanh, các tổ chức với nhiều thành viên cùng tham gia đấu thầu, mà chỉ được thông qua các thỏa thuận trực tiếp với các đài truyền hình bất kỳ; Bản quyền EPL cần phải được phân phối dưới nguyên tắc của tự do thương mại.”
Và phải chăng ngay từ đầu khi Ban đàm phán được thành lập, VNPayTV đã không hề biết đến quy định mang tính chất quốc tế nói trên? Hay họ đã biết rõ nhưng cứ tự tin rằng có thể đồng lòng “ép” MP&Silva? Lý lẽ khá cứng nhắc, bảo thủ khi cho rằng MP&Silva không thể mang bản quyền EPL về… ngắm, sau khi đã mất rất nhiều tiền để có nó. Ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV, Trưởng ban đàm phán mua bản quyền EPL nhiều lần khẳng định: “Trước sau như một, chúng tôi luôn thống nhất quan điểm MP&Silva chỉ có thể đàm phán với 1 đơn vị duy nhất là Ban đàm phán, chứ không có chuyện đàm phán riêng lẻ.”
Ở đây, nhìn vấn đề dưới góc độ Ban đàm phán muốn cùng nhau “ép” MP&Silva (vì thực chất, MP&Silva có “hàng” để bán với các điều kiện riêng; còn Ban đàm phán có quyền không mua với những lý lẽ bất biến của mình), thì VNPayTV cũng làm không kín kẽ.
Đáng ra ngay từ khi thành lập Ban đàm phán, VNPayTV cần nêu rõ luận điểm và buộc các thành viên, trong đó có K+ nếu đồng ý tham gia phải ký cam kết đặt niềm tin tuyệt đối vào Ban đàm phán. Trong trường hợp MP&Silva không chấp nhận các yêu cầu từ phía Ban đàm phán (Chỉ đàm phán với đơn vị duy nhất là Ban đàm phán; Mua toàn bộ các trận đấu EPL 2016-2019 và không độc quyền; Mua với giá cao không quá 20% so với 3 mùa giải trước – PV) thì tất cả sẽ đồng lòng không mua.
Tiếc là trong cam kết của mình ngay từ đầu với các đơn vị thành viên, VNPayTV đã không nêu ra được những luận điểm cứng rắn, tạo “kẽ hỡ” cho K+ “lách”. Giờ nếu có trách, VNPayTV cũng chỉ biết tự trách mình đã có thừa nhiệt tình nhưng thiếu… thông minh khi không đánh giá hết tình hình, không “biết mình biết người”, và lại phải chấp nhận thêm một bài học về vấn đề bản quyền EPL.
Điều quan trọng nhất, thất bại của Ban đàm phán, của VNPayTV không phải là thất bại trước K+, mà là thất bại trong chiến lược tạo dựng niềm tin của người dân, giữ nguồn ngoại tệ không “chảy” ra nước ngoài như bao năm qua.
Điều đó như một đòn đánh vào chính luận điểm của VNPayTV trong công văn có ý nghĩa quyết định gửi Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 7.4: “Việc bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn trả cho nước ngoài (thực chất cũng là tiền của người dân đóng phí thuê bao truyền hình trả tiền) để mua bản quyền giải bóng đá phục vụ cho một số ít khán giả thực sự gây thiệt hại rất nhiều cho đất nước. Đó là chưa kể tới việc Nhà nước sẽ thất thu thuế khi các doanh nghiệp làm truyền hình trả tiền vì mua phải bản quyền giá cao dẫn tới kinh doanh thua lỗ hoặc có lãi nhưng rất thấp. Trong mọi trường hợp, Nhà nước hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ việc “chảy máu ngoại tệ” này” (trích công văn VNPayTV gửi Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 7.4).