Không biết có phải ngẫu nhiên hay không mà chỉ trong khoảng 1 tháng, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) liên tiếp phải đối mặt với những rắc rối liên quan tới vấn đề bản quyền. Đầu tiên là việc tranh chấp bản quyền với chàng trai mê flycam và là chủ nhân của kênh YouTube Yamaha Trung Tá - Bùi Minh Tuấn. Tiếp theo là chuyện VTVcab (1 trong 3 doanh nghiệp truyền hình trả tiền trực thuộc VTV) không truyền trực tiếp một số trận đấu hấp dẫn tại vòng 1/8 và tứ kết Champions League 2015-2016. Lý do được VTVcab đưa ra là “lỗi kỹ thuật”. Nhưng điều người hâm mộ muốn biết là bao giờ “lỗi kỹ thuật” được khắc phục thì VTVcab vẫn chưa thể có câu trả lời khiến những khách hàng của họ có cảm giác mình bị lừa đảo!
Không thể tưởng tưởng nổi nếu các nhà đài Việt Nam phải chi 80 triệu USD để có bản quyền Premier League 2016-2019. Ảnh: I.T. |
Gần đây nhất, đến lượt K+ gây “sóng gió” với tuyên bố rời khỏi Ban đàm phán mua BQTH EPL 2016-2019 do Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) chủ trì. Điều này gần như đã dập tắt những hy vọng nhỏ nhoi của những ai đó lạc quan khi cho rằng cuối năm ngoái, với sự hình thành của Ban đàm phán với 10 đơn vị trong đó có VTV và các đơn vị trực thuộc của mình là VTVCab (2,5 triệu thuê bao), SCTV (2,5 triệu thuê bao), VSTV (K+, 900 nghìn thuê bao) sẽ tập trung được sức mạnh của các nhà đài, sẵn sàng đấu đối tác nước ngoài, cụ thể là MP&Silva để có được bản quyền với giá hợp lý nhất.
Công văn do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPay TV, Trưởng ban đàm phán Lê Đình Cường ký ngày 10.12.2015 cũng đã khẳng định rõ 3 điểm: 1. Không mua bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh bằng mọi giá, cụ thể là không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá của các mùa giải 2013-2016; 2. Mua toàn bộ những trận đấu của Giải Ngoại hạng Anh (không có bất cứ hình thức độc quyền nào; 3. Các đơn vị cam kết không đàm phán riêng rẽ.
Và có thể hiểu K+ với tư cách là thành viên Ban đàm phán cũng đã đồng ý với nội dung trên, vậy mà giờ lại “phản bội” tất cả (?!)
Những gì K+ làm về hình thức thì có khác, nhưng về bản chất thì chẳng khác gì cách họ đã tiến hành cách đây 3 năm. Thời điểm ấy, dư luận đã vô cùng bức xúc khi Tập đoàn IMG (Mỹ) chào hàng BQTH EPL 2013-2016 tại Việt Nam với giá 37,5 triệu USD. Báo chí tốn nhiều giấy mực, VNPay TV cùng các nhà đài họp lên họp xuống, người hâm mộ phản ứng dữ dội… Bộ Thông tin và Truyền thông thời điểm ấy cũng đã có công văn yêu cầu VTV đứng ra làm Trưởng ban điều hành đàm phán với quan điểm không mua bằng mọi giá, không độc quyền,… Vậy mà như “sấm nổ giữa trời quang”, khi tất cả đang dồn niềm tin vào VTV thì K+ (“con đẻ” của VTV) lại tuyên bố đã có bản quyền Premier League 2013-2016 do đối tác trong liên doanh của mình là Canal+ (Pháp) đã mua được với giá… gần 40 triệu USD và chuyển giao lại.
Con số 40 triệu USD này thật quá khủng khiếp nếu biết rằng mùa giải 2002-2003, truyền hình Việt Nam lần đầu tiên mua bản quyền Premier League chỉ phải bỏ ra… 450 nghìn USD. Và còn khủng khiếp đến thế nào nữa nếu biết rằng tới đây, đơn vị muốn có bản quyền Premier League 2016-2019 sẽ phải chịu chi tới 80 triệu USD (khoảng 1700 tỷ đồng). Rõ ràng, trong điều kiện kinh tế đất nước còn vô vàn khó khăn, cái giá này là không thể chấp nhận được! Ai cũng biết thế, VTV với tư cách là Đài truyền hình quốc gia, hoạt động bằng tiền thuế của dân càng hiểu điều đó. Vậy mà khả năng họ lại “lờ” đi cho K+ “làm mưa làm gió” là điều có thể thấy trước.
Ở đây, tạm gạt sang bên chuyện tiền (mặc dù đã không thể chấp nhận), chỉ nguyên việc VTV cứ “bất động” để cho những “đứa con” của mình như VTVcab, K+ “tự tung tự tác” đã khiến dư luận suy giảm niềm tin về họ. Hơn nữa, cách làm trước sau không như một của các doanh nghiệp trực thuộc VTV cũng không thể khiến các thuê bao của họ có thể gửi trọn niềm tin. K+ có thể “lật kèo” với các nhà đài, thì chẳng có lý do gì mà họ không thể “lật kèo” tiếp với các thuê bao đã giúp họ khẳng định vị thế trong làng truyền hình trả tiền suốt 6 năm qua (?!)
Lúc này, K+ vui vẻ công bố thông tin họ đã đạt tới điểm hòa vốn, và khi có lãi, sẽ có những động tác tri ân khách hàng như khuyến mãi, giảm phí thuê bao, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng trong trường hợp mọi thứ không thuận lợi như những con tính của họ thì sẽ thế nào? Trước mắt, VTVcab đã không thể giúp khách hàng của mình tận hưởng trọn đam mê Champions League, thì K+ cũng có thể mua “gói B” giải Ngoại hạng Anh lắm chứ, tại sao không?
|