Bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2016-2019 đang là tâm điểm chú ý của người hâm mộ Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký công văn nêu ý kiến chỉ đạo về việc mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh 2016-2019.
Bộ cũng đề nghị Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) sớm có các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng các cam kết mà Hiệp hội và các thành viên đã thống nhất. Nếu không thực hiện được cam kết, các bên có liên quan phải sớm đưa ra phương án mới phù hợp với pháp luật Việt Nam.
"Trong trường hợp không thực hiện được các cam kết đó, Hiệp hội và các thành viên cần thống nhất và sớm có phương án mới trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người xem truyền hình," trích một phần nội dung công văn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lưu ý, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cần chủ động đa dạng hóa nội dung chương trình truyền hình nói chung, nội dung chương trình truyền hình thể thao nói riêng, tránh phụ thuộc vào bản quyền nội dung một hoặc một số giải đấu và lệ thuộc vào một hoặc một số đơn vị cung cấp bản quyền nội dung nhất định.
Giá bản quyền truyền hình NH Anh tại Việt Nam tăng liên tục từ năm 2002. Ảnh: Internet. |
Trước đó, ngày 17/11/2015, sau khi đối tác nước ngoài là MP&Silva có ý định chào bán gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh 2016-2019 cho các đơn vị truyền hình tại Việt Nam, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đã thành lập ban đàm phán với sự tham gia của 10 thành viên.
Ban đàm phán đã cam kết thống nhất quan điểm: 1. Không mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá mà ở đây là không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá của các mùa giải 2013-2016 (chỉ mua vào khoảng 46 triệu USD trở lại). 2. Mua toàn bộ những trận đấu của giải (không có bất cứ hình thức độc quyền nào). 3. Các đơn vị cam kết không đàm phán riêng rẽ.
Tuy nhiên, suốt 6 tháng qua, ban đàm phán vẫn chưa thể tiến hành bất kỳ cuộc gặp mặt nào với MP&Silva vì đối tác từ chối. Giám đốc truyền thông của MP&Silva, Elgen Kua giải thích: “Ban tổ chức giải NH Anh nghiêm cấm việc hình thành các liên doanh, các tổ chức với nhiều thành viên cùng tham gia đấu thầu, mà chỉ được thông qua các thỏa thuận trực tiếp với các đài truyền hình đơn lẻ. Bản quyền NH Anh phải được phân phối dưới nguyên tắc tự do thương mại.”
Với vai trò là nhà phân phối, MP&Silva bắt buộc phải tuân theo. Do đó, các đề nghị từ VNpayTV không thể được đáp ứng. Thực tế, trên thế giới chưa từng có bất cứ trường hợp tổ chức hay tập đoàn đấu thầu nào được chấp thuận để phá vỡ các quy định này.
Tình thế trên buộc K+ "xé rào", đề nghị với Hiệp hội được đàm phán riêng rẽ. Hiệp hội đã thể hiện sự bất bình bằng công văn trình lên Bộ Thông tin - Truyền thông. Ngay sau đó, K+ cũng có văn bản báo cáo Bộ, cho rằng sự chậm trễ của ban đàm phán sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
K+ vẫn nuôi ý định đàm phán riêng với MP&Silva
Ngày 19/4, K+ đã có văn bản lần hai gửi Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam về việc bảo lưu quyền đàm phán mua bản quyền ngoại hạng Anh với đối tác MP&Silva.
Đại diện của K+ cho biết: “Với tiềm lực tài chính vững mạnh cùng uy tín, kinh nghiệm đã được các đối tác nước ngoài ghi nhận trong suốt 7 mùa giải vừa qua, việc đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh của K+ sẽ không gặp khó khăn và đảm bảo tuân thủ theo định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin truyền thông và đảm bảo quyền lợi của khán giả truyền hình".
Ngoài K+, VTVcab cũng sẽ chủ động đàm phán riêng với nhà cung cấp MP&Silva về gói bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa tới.
|