Các cuộc đua đường phố

11:11 Thứ tư 24/10/2012

Khi chặng Grand Prix of America được công bố vào tháng Mười năm ngoái, các nhà tổ chức đã tuyên bố rõ ràng rằng cuộc đua sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Điều này được xem là một ưu điểm lớn, đặc biệt trong bối cảnh các bê bối hậu trường đã khiến chính quyền Texas vận động được 25 triệu USD để hỗ trợ US GP ở Austin, Texas.

Các  đua trên phố luôn có giá trị cực lớn trong việc tiếp thị hình ảnh của thành phố và quốc gia đăng cai

Một năm trôi qua, các vấn đề chính trị hậu trường của Austin đã được giải quyết ổn thỏa, và cuộc đua đầu tiên đang trên lộ trình diễn ra vào tháng tới. Ngược lại, vẫn còn đó một dấu hỏi lớn về cuộc đua ở New Jersey (Grand Prix of America), mặc dù nó được dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 8 tháng tới. Trớ trêu thay, lần này các khoản tài trợ của chính phủ có thể là những gì mà chặng đua này cần đến.

Nhiều rắc rối

Nếu chặng đua ở New Jersey được tổ chức, đó sẽ là một trong những cuộc đua tuyệt vời nhất trong F1, với đường đua tuyệt đẹp chạy dọc bờ sông Hudson, đối diện với nền trời rực sáng của Manhattan. Tuy nhiên, chặng đua này liên tiếp gặp các vấn đề kể từ khi được công bố.

Lần đầu tiên ông Bernie Ecclestone tiết lộ hồi tháng Tư rằng cuộc đua có thể có thể bị trì hoãn cho đến năm 2014. Một tháng sau đó, ông tiếp tục tiết lộ rằng các nhà tổ chức của New Jersey đã chậm trễ trong việc đáp ứng tiến độ. Vào cuối tháng Tám, Tom Cotter, chủ tịch của cuộc đua, tuyên bố từ chức. Và chỉ vài tuần sau đó, ông Ecclestone tuyên bố thẳng thừng: “Họ không có một hợp đồng nào (với F1) cả”.

Tuyên bố mới nhất của ông Ecclestone về vấn đề này là hồi cuối tuần qua. “Các nhà tổ chức cuộc đua đã chậm tiến độ rất nhiều, và tôi nghĩ rằng họ sẽ không thể sẵn sàng vào đúng thời điểm”.

Trong khi đó, đội ngũ PR của cuộc đua đã làm việc hết công suất. Sebastian Vettel và David Coulthard đã lái xe trình diễn trên đường đua dự kiến, và thậm chí Thống đốc New Jersey Chris Christie đã khẳng định rằng cuộc đua sẽ diễn ra đúng kế hoạch vào năm sau. Thế nhưng, mặc dù ban tổ chức đã đưa ra rất nhiều tuyên bố, không có chi tiết nào trong số chúng cho biết nguồn tài chính mà cuộc đua này cần có sẽ đến từ đâu.

Thiếu tài chính

Phí đăng ký của chặng đua ở New Jersey được ước tính khoảng 25 triệu USD mỗi năm, và các chi phí cho việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng để tổ chức F1 được dự kiến sẽ lên đến 50 triệu USD. Đó là một số tiền đáng kể, và thông thường, chỉ có ba nguồn đầu tư có thể cung cấp số tiền này: các nhà phát triển bất động sản, những người giàu hâm mộ F1 và chính phủ.

Sẽ khó cho các nhà phát triển bất động sản để đầu tư vào các cuộc đua đường phố, vì đường đua đó sẽ không thể thuộc quyền sở hữu của họ, và do đó sẽ không thế mua bán hoặc cho thuê để kiếm lợi nhuận.

Các nhà đầu tư giàu có là CĐV của F1 thường bỏ tiền vào phát triển đường đua để có được quyền truy cập đặc biệt vào khu VIP, các garage, gặp gỡ các tay đua, các ông chủ và các kỹ sư. Điều này là lý do tại sao họ thường muốn được công khai tên tuổi với tư cách là một nhà đầu tư, và có rất nhiều ví dụ để minh họa cho điều này. Tỷ phú Singapore Ong Beng Seng là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của chặng Singapore GP, trong khi tỷ phú người Mỹ John Paul DeJoria đầu tư vào đường đua Austin.

Nguồn lợi hấp dẫn cho thành phố

Như vậy, khả năng duy nhất còn lại là nguồn tiền từ chính phủ. Hiện nay, tất cả các chặng đua F1 trên đường phố đều đang được chính phủ tài trợ. Có lý do chính đáng để họ làm như thế. Với 515 triệu lượt người xem F1 hồi năm ngoái, đây là môn thể thao được theo dõi nhiều nhất hàng năm, và điều này mang lại các lợi ích to lớn về hình ảnh cho thành phố có đường đua đăng cai. Không nói đến các lợi ích chung về du lịch và thương mại, các cảnh quan đẹp nhất dọc theo đường đua sẽ luôn được nhớ đến, và những người hâm mộ sẽ còn trở lại khu vực đường đua trong các tháng tiếp theo để thăm các địa điểm nổi tiếng và nghỉ tại các khách sạn nổi tiếng dọc theo đường đua đó.

Vì đường đua trên phố không tốn kém khi xây dựng, nên các chính phủ sẽ không phải chịu quá nhiều rủi ro như khi xây một đường đua chuyên nghiệp (tốn khoảng 250 triệu USD trở lên, cá biệt như Yas Marina có chi phí khoảng 1,2 tỷ USD). Đó là lý do mà quốc gia đăng cai mới nhất, Thái Lan, cũng chọn Bangkok làm nơi diễn ra cuộc đua trên phố, cho dù nước này không thiếu các địa điểm khác để xây dựng đường đua độc lập.

Thế nhưng, cả New Jersey cũng như thành phố New York đều có vẻ chưa cần thúc đẩy thêm du lịch, bởi họ đã cực kỳ nổi tiếng. Như thế, việc thúc đẩy du lịch thông qua F1 có vẻ không có lý lắm. Điều này khiến cho Grand Prix of America không chắc sẽ nhận được tài trợ của chính phủ, mặc dù đây là điều cần thiết cho sự tồn tại của tất cả các cuộc đua đường phố của F1.

Trên thực tế, F1 cần đến Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần có F1. Phần lớn người Mỹ không biết đến môn thể thao này, và cũng chưa thích nó. Thế nhưng, đây đơn giản lại là thị trường lớn nhất thế giới. Vì thế, biết đâu trong thời gian tới, ông Ecclestone sẽ trở thành nhà tài trợ cho cuộc đua tại New Jersey?
 

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục