Bản quyền truyền hình World Cup 2014: Vai trò của VTV

14:42 Thứ ba 11/03/2014

Nhìn lại “lịch sử” xem vòng chung kết World Cup của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, chúng ta thấy có ba thời kỳ: đầu tiên là vào những năm trong thập niên 1980 toàn là xem “chùa”. Thời ấy, hẳn không ai quên được cái giọng Bắc của BLV Trần Hòa Bình khi đã nghe nhạc chờ chán chê: ”Chúng tôi xin cáo lỗi khán thính giả đã không thể truyền hình trực tiếp trận đấu vì cho đến giờ phút này vẫn chưa có tín hiệu từ Đài Hoa Sen”!

Tiếp đến, bắt đầu từ thập niên 1990, mọi chuyện thoải mái, không còn lo cảnh ngồi chờ đến gần sáng mà chẳng xem được bóng đá. Ðó là nhờ các nhà đài của chúng ta đã bỏ tiền mua sóng đàng hoàng. Có điều, tiền mua bản quyền truyền hình lúc ấy còn nhẹ lắm, gần như giá tượng trưng. Mà theo dân làm truyền hình, người ta bảo thời kỳ ấy chỉ mua bán để làm quen là chính. Vì vậy, một đợt xem World Cup hay một năm xem Giải ngoại hạng Anh chỉ tốn vài trăm ngàn đôla. Số tiền ấy các nhà đài quá dễ để gỡ lại bằng các spot quảng cáo trước và giữa trận đấu.


Thời kỳ thứ ba bắt đầu trong vài năm gần đây, với giá tiền nâng cao đột ngột và lần sau luôn hơn lần kế trước vài lần. Mới nhất, bản quyền World Cup 2014 mà MP&Silva chào bán có giá 10 triệu USD, cao gần gấp ba lần so với Dentsu bán cho VTV và HTV (Ðài truyền hình TP.HCM) năm 2010.

Nếu nhìn chuyện xem World Cup bằng cặp mắt kinh tế, mới thấy nó ứng với các thời kỳ của kinh tế VN. Bây giờ, chúng ta phải mua bán sòng phẳng, phải tôn trọng bản quyền.

Sở dĩ phải nhắc lại chuyện xa xưa là bởi rất nhiều người hâm mộ bóng đá đã mơ giá trở lại như xưa, xem World Cup thoải mái mà chẳng mất tiền!

Rõ ràng là không thể mơ ước kiểu ấy được. Tuy tốn tiền thật đấy, nhưng đấy là sự tự hào của một người trưởng thành và ngẩng cao đầu khi chi xài đồng tiền của mình làm ra, chẳng phải “chôm” hay “xin xỏ” như lúc chưa lớn.

Vấn đề ở đây là chúng ta chi xài đồng tiền của mình làm ra như thế nào. Ðặc biệt là đừng để mình biến thành “chú cừu non” trước các tay buôn quốc tế. Tại sao đã có lúc doanh nghiệp của ta - cụ thể là FPT Media - mua bản quyền World Cup 2006 trực tiếp với FIFA, nhưng đến kỳ 2010 và 2014 thì lại rơi vào tay hai công ty nước ngoài là Dentsu và MP&Silva?

Một đồng nghiệp làm trong lĩnh vực truyền hình bức xúc đã cất công tìm hiểu và cho biết: ”Ở nhiều nước, World Cup không phải là mục tiêu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, khi sự kiện kéo dài chỉ một tháng không phù hợp loại hình này. Vì vậy, bản quyền truyền hình World Cup phần lớn rơi vào tay của các đài truyền hình quốc gia hay các đài có kênh phát sóng quảng bá. Tại sao ở VN, VTV đến giờ vẫn chưa đóng được vai trò chủ lực như thế?”.

Vâng, muốn bản quyền truyền hình World Cup nói riêng, bóng đá quốc tế nói chung không tranh cãi ồn ào, căng thẳng, VTV phải là đối tác chính của FIFA, phải chứng minh cho FIFA thấy ở VN chỉ có bán bản quyền World Cup cho VTV thì bóng đá mới đến được người hâm mộ nhiều nhất - như mong muốn số một của tổ chức này. VTV làm được như thế, các công ty nước ngoài đừng mơ kiếm chác quá tay từ các nhà đài và người hâm mộ cũng không phải canh cánh lo không được xem World Cup.
Huy Thọ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục