Anh và Pháp nhiều duyên nợ, nhưng không phải trong bóng đá

14:26 Chủ nhật 11/12/2022

Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên ở trận tứ kết World Cup 2022 giữa 2 cường quốc bóng đá châu Âu, eo biển Manche chia nửa vui - buồn: nụ cười cho Pháp và tiếc nuối cho Anh.

Gareth Southgate nhớ lại mùa hè năm 1982, khi ông là đứa trẻ 11 tuổi say mê World Cup.

Chạy thật nhanh từ trường về nhà, Southgate vỡ òa khi người hùng của mình, Bryan Robson, ghi bàn chỉ sau 27 giây trong trận thắng 3-1 của đội tuyển Anh trước Pháp ở vòng bảng.

Trở lại năm 2022, khi Southgate là người dẫn dắt “Tam sư” đối đầu “Les Bleus” ở trận tứ kết World Cup tại Qatar, ông đã không thể mỉm cười sau cùng.

Để thua 1-2 trước quốc gia láng giềng bên kia eo biển Manche, Anh chưa thể thực hiện khát vọng đưa cúp “về nhà” như câu hát “It’s coming home” nổi tiếng sau nửa thập kỷ chờ đợi.

Trước đại chiến, tờ Sud Ouest tự tin Pháp đã “Sẵn sàng đánh chén vài con sư tử”, trong khi nhật báo thể thao L'Equipe có dòng tiêu đề đậm chất khiêu khích “God save notre king” (tạm dịch: “Chúa phù hộ đức vua của chúng ta"). Tất nhiên, vua của họ là tiền đạo ngôi sao Kylian Mbappe.

Không kém cạnh, ở phía bên kia, nhiều người hâm mộ Anh tẩy chay bánh mì baguette và bánh sừng bò.

Điều này phần nào cho thấy mối quan hệ của 2 cường quốc bóng đá châu Âu chưa bao giờ hết phức tạp, theo The Local.

Không phải đối thủ nhiều duyên nợ

Đội bóng bầu dục của Anh và Pháp gặp nhau hàng năm tại Le Crunch, nhưng trong bóng đá thì rất khác. “Tam sư” và “Les Bleus” hiếm khi đối đầu tại các giải đấu lớn. Đáng ngạc nhiên, World Cup 2022 là lần đầu tiên 2 đội gặp nhau trong một trận đấu loại trực tiếp.

4 năm trước, Anh lọt vào bán kết World Cup 2018 nhưng thất bại trước Croatia, đồng nghĩa bỏ lỡ cơ hội đối đầu Pháp.

Hành trình đến Wembley của HLV Gareth Southgate ở Euro 2020 cũng chứng kiến “Tam sư” tránh phải đụng độ đội bóng áo lam của HLV Didier Deschamps.

Trong lịch sử 92 năm của World Cup, Anh mới chỉ gặp Pháp 3 lần. Khác với năm 1966 và 1982, lần này, lịch sử đứng về phía người Pháp.

Anh và Pháp nhiều duyên nợ, nhưng không phải trong bóng đá - Bóng Đá

Sau 40 năm, Anh và Pháp mới lại gặp nhau tại World Cup. Ở giải đấu năm 1982, Bryan Robson ghi bàn thắng thần tốc ở giây 27 trong chiến thắng 3-1 của Anh trước quốc gia láng giềng. Ảnh: Peter Robinson/EMPICS Sport. 

Xét về thành tích đối đầu tổng thể, Anh vẫn vượt trội hơn với 17/32 trận thắng, so với 10 trận của Pháp. Tuy nhiên, phần lớn trong đó đều là trận giao hữu và sự thống trị của “Tam sư” chỉ kéo dài từ năm 1923 đến 1957.

Những năm gần đây, kết quả nghiêng về Pháp khi quốc gia này trở thành cường quốc bóng đá từ đầu thiên niên kỷ mới. Đặc biệt, “Les Bleus” đã 2 lần vô địch World Cup vào năm 1998 và 2018 - điều mà Anh vẫn hằng mong đợi.

Tác giả Adam White của Get France Football News gọi trận đấu này là “cuộc chiến của những kẻ thực dụng hàng đầu World Cup”.

Pháp dưới thời Deschamps như phiên bản quốc tế của CLB Atlético nổi tiếng hiếu chiến: bảo thủ và cứng nhắc, nhưng cũng tự hào về chất lượng vượt trội ở hàng tiền vệ và hàng công.

Đó cũng là cách mà ông Southgate áp dụng để đạt được thành công gần đây của đội tuyển Anh. “Tam sư” bất bại sau vòng bảng và vòng 1/8 World Cup 2022. Họ cũng giữ sạch lưới trong hành trình vào chung kết Euro 2020 và chỉ thất bại trước Itaty.

Jean-Pascal Arigasci, phóng viên thể thao có gần 30 năm làm việc cho nhật báo của Pháp Ouest-France, cho biết: “Chúng tôi có cảm giác rằng lần đầu tiên sau một thời gian dài, cả 2 đội đều rất giống nhau. Anh có hàng công rất mạnh, hàng tiền vệ ấn tượng với những cầu thủ trẻ giỏi và cầu thủ giàu kinh nghiệm. Pháp cũng vậy. Điểm yếu của cả 2 là ở hàng thủ”, ông nói thêm.

Tình yêu với bóng đá

Anh và Pháp chia sẻ 1.000 năm lịch sử, nhưng được ghi nhớ một cách có chọn lọc. Giống như 2 anh em sống cạnh nhà nhau, họ cãi vã liên tục, trong khi nhìn vào thành công hay thất bại của người kia bằng ánh mắt ghen tỵ hoặc hả hê, John Lichfield, cựu biên tập viên của tờ Independent, nói.

Hai quốc gia này thậm chí còn chia sẻ quyền sản sinh World Cup. Bóng đá được phát minh ở Anh vào thế kỷ 19 bởi những người công nhân và tầng lớp quý tộc. Trong khi đó, World Cup ra đời từ ý tưởng của một người Pháp, Jules Rimet, vào năm 1930.

Lịch sử đan xen của 2 quốc gia cũng được tượng trưng bởi 3 con sư tử trên áo thi đấu của đội tuyển Anh mà họ lấy làm biệt danh. Những con sư tử, hay báo hoa mai, có nguồn gốc từ Pháp hoặc ít nhất là từ tộc người Norman.

Xét về văn hóa người hâm mộ, Anh và Pháp cũng có ít nhiều điểm chung.

Ở Anh, bóng đá được coi là một tôn giáo, không đơn thuần chỉ là môn thể thao. Tương tự người Mỹ có bóng đá Mỹ, người Ấn Độ có cricket, người Anh có bóng đá.

Mặc dù bóng đá trở nên phổ biến rộng rãi trong những năm qua, không ai yêu bóng đá nhiều như người Anh.

Việc tập hợp lại với nhau tại các sân vận động và cổ vũ cho đội tuyển quốc gia là một phần rất quan trọng của văn hóa Anh, theo Yoair.

Bóng đá cũng là môn thể thao hàng đầu ở Pháp. Tại các quán bar, văn phòng, nhà hàng, nhà riêng hoặc phương tiện giao thông công cộng, một trong những trò tiêu khiển yêu thích của người Pháp là tranh luận về đội tuyển quốc gia, các cầu thủ và huấn luyện viên của đội tuyển.

Điều đó thậm chí còn rõ ràng hơn khi một giải đấu lớn diễn ra.

Anh và Pháp nhiều duyên nợ, nhưng không phải trong bóng đá - Bóng Đá

Pháp lần đầu thắng Anh khi đối đầu tại World Cup. Ảnh: Reuters. 

Tuy nhiên, theo AP, Pháp không giống như Anh - nơi niềm đam mê dành cho các câu lạc bộ bóng đá rất mãnh liệt và được cảm nhận ở mọi tầng lớp trong xã hội. Ngoại trừ một số đội nhận được sự ủng hộ của nhóm cổ động viên thuộc tầng lớp lao động trung thành như Marseille, Saint-Etienne hay Lens, sự quan tâm dành cho bóng đá câu lạc bộ ở Pháp vẫn ở mức bình thường.

Văn hóa cổ động viên của Pháp tương đối mới so với các quốc gia bóng đá châu Âu khác. Nó ra đời vào giữa những năm 1980, trong bối cảnh chủ yếu chịu ảnh hưởng của Italy và Anh, trước khi các nhóm cổ động viên xây dựng bản sắc riêng của họ vào những năm 1990.

Người hâm mộ Pháp có phong trào gọi là “Ultra” - nơi fan thể hiện sự cuồng nhiệt với câu lạc bộ của họ bằng cách đến xem mọi trận đấu, tạo ra những lá cờ khổng lồ và hát vang để ủng hộ các cầu thủ. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Pháp cũng là nạn nhân của “hooligan”, tức những hành động côn đồ liên quan tới bóng đá.

Luật an ninh cụ thể đầu tiên liên quan đến bóng đá có từ năm 1993. Và Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu áp dụng không ít hơn 3 loại lệnh cấm khác nhau ở sân vận động: tư pháp, hành chính và do câu lạc bộ ban hành.

Anh và Pháp nhiều duyên nợ, nhưng không phải trong bóng đá - Bóng Đá

Việc tập hợp lại với nhau tại các sân vận động và cổ vũ cho đội tuyển quốc gia là một phần rất quan trọng của văn hóa Anh. Ảnh: Paul Childs/Reuters. 

Trong bóng đá, người Anh vẫn nói người Pháp “quá tự tin” và, với sự ngưỡng mộ thầm kín, là “quá tham vọng”. Trong khi đó, họ luôn coi mình là kiên định và đáng tin cậy.

Trên thực tế, những khuôn sáo cũ đó không còn áp dụng hoàn toàn cho phong cách bóng đá của 2 quốc gia này.

Cả Anh và Pháp đều thay đổi đặc điểm kể từ khi các cầu thủ và huấn luyện viên bắt đầu di cư thường xuyên hơn qua biên giới quốc gia vào những năm 1990. Một số cầu thủ vĩ đại nhất của Pháp gần đây, như Eric Cantona và Thierry Henry, đã trải qua những năm tháng chơi bóng hay nhất của họ với các câu lạc bộ Anh.

Các nhà bình luận trên phương tiện truyền thông Anh và Pháp bám vào quan điểm rằng Pháp có kỹ năng hào nhoáng hơn, trong khi Anh hoạt động tốt hơn với tư cách là một đội. Có thể, nhưng đó không còn là toàn bộ câu chuyện nữa.

Đội tuyển Pháp của HLV Deschamps, đội trưởng đội vô địch World Cup 1998, có cả tài năng và tinh thần đồng đội.

“Tam sư” là đội giỏi nhất mà nhiều người hâm mộ như Lichfield có thể nhớ trong gần 60 năm chứng kiến đội tuyển Anh thi đấu.

Dù chơi trận đấu hay trước nhà đương kim vô địch thế giới, đội bóng của HLV Southgate một lần nữa ám ảnh với chấm 11 m và phải rời World Cup khi không mang được cúp vàng "coming home".

Nguồn: Zing.vn
Thiên Nhi | 09:59 11/12/2022
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục