AC Milan phải thay đổi trước khi quá muộn!

15:02 Thứ tư 11/06/2014

(TinTheThao.com.vn) - Kể từ sau thời kỳ hoàng kim gắn liền với một thế hệ vàng của Maldini, Nesta, Gatuso, Seedoff, Kaka, Pirlo và Inzaghi, Milan đã mất dần vị thế của một ông lớn tại Serie A nói riêng và bóng đá Châu Âu nói chung. Giờ đây người ta không còn nhắc nhiều đến một Rossoneri bản lĩnh nữa mà thay vào đó là hình ảnh một ông lớn hết thời chuyên săn hàng miễn phí.

Trong 3,4 năm trở lại đây người ta không còn đếm được có bao nhiêu cầu thủ đã cập bến San Siro theo dạng chuyển nhượng tự do nữa rồi bởi lẽ con số ấy đã là quá nhiều. Đó là một thực trạng đáng buồn của một ông lớn từng 7 lần vô địch Champions League. Dẫu biết rằng giữa nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn như Italia hiện nay khiến cho nhiều đội bóng lớn phải thắt chặt chi tiêu tài chính, tuy nhiên hành động của chủ tịch Silvio Berlusconi và người con gái Barbara với Milan chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”. Giờ đây mỗi khi đến kỳ chuyển nhượng, Milan lại như một đứa trẻ gầy gò đi lùng sục khắp nơi chỉ để tìm cho mình những bình sữa nhạt cho qua cơn đói.

Galliani và Barbara Berlusconi bất lực khi chứng kiến cảnh Milan ngày càng đi xuống.

Milan đã và đang mua cầu thủ theo kiểu cóp nhặt và không có một định hướng cụ thể trong tương lai. Những cầu thủ BLĐ đội bóng nghĩ là “chất lượng” và “rẻ” thì sẽ đem về! Không cần biết họ có phù hợp đội bóng hay không! Không cần biết HLV có cần họ hay không! Có một phong cách mua sắm rất Milan: Tìm một cầu thủ giá rẻ, miễn phí thì càng tốt, ấn vào tay các HLV rồi nói: “Hãy biến anh ta thành nhà vô địch!”. Đó là điều không tưởng và tất cả từ Leonardo đến Allegri và bây giờ là Seedorf đều thành nạn nhân của chính sách chuyển nhượng điên rồ ấy. Tất cả!

Mùa hè năm 2012, AC Milan bất ngờ bán bộ đôi Thiago Silva và Ibrahimovic để thu về 62 triệu euro trang trải nợ nần, đó là 2 cầu thủ quan trọng bậc nhất CLB lúc ấy. Trong công việc kiếm tìm người thay thế chân sút Thụy Điển thì BLĐ đội bóng đã đem về một Paolo Pazzini đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, một “Peter Pan” Bojan Krkic, một Mbaye Niang trẻ khỏe thật đấy nhưng còn lâu mới có được sự tỉnh tảo trong những pha dứt điểm.

Cũng thời gian này HLV Allegri thèm khát một trung vệ đủ chất lượng khỏa lấp vị trí của Thiago Silva. Đổi lại, Galliani mang về 2 cầu thủ ít tên tuổi là Acerbi và Zapata, tin rằng họ có thể thay thế được cầu thủ người Brazil. Chỉ sau vài trận, mọi người đều nhận ra đó là sai lầm. Acerbi ra đi, Allegri tiếp tục loay hoay kiếm đủ người để đá trung vệ và Milan tiếp tục thủng lưới những bàn ngớ ngẩn có “công” không nhỏ của những tấm lá chắn làng nhàng này.

Một năm sau, thêm một lần nữa, Allegri đòi có cậu học trò cũ Astori nhưng thay vì dồn tiền mua trung vệ 26 tuổi ấy, Milan lại đặt niềm tin vào những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao như Bonera, Mexes hay Zaccardo. Ngay cả Seedorf cũng không phải là ngoại lệ, anh cũng từng muốn có Doria để thay máu dần hàng thủ rách nát. Nhưng BLĐ Milan cho rằng một Rami là quá đủ và bất ngờ đem về Essien, người đã ngốn của Milan 1,5 triệu euro tiền lương nhưng không có đóng góp hay dấu ấn gì đáng kể trong suốt thời gian qua và sẽ còn tiếp tục làm CLB tốn thêm 3 triệu euro tiền lương nữa nếu còn ở lại.

Essien chẳng đóng góp được gì trong quãng thời gian thi đấu theo dạng cho mượn ở Milan.

Còn trong thương vụ với Keisuke Honda, thay vì bỏ ra 2-3 triệu euro để có được sự phục vụ của cầu thủ CSKA Moscow ngay từ khi mùa giải 2013/2014 còn chưa khởi tranh, Milan đã chọn giải pháp “siêu tiết kiệm” là chờ cho cầu thủ người Nhật hết hạn hợp đồng vào tháng 1/2014 để sở hữu anh miễn phí. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng số tiền ấy nếu so với thành tích trên sân cỏ của Milan thì cái nào giá trị hơn.

Đấy chỉ là vài ví dụ cho thấy chính sách chuyển nhượng của Milan đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ thi đấu. Đội bóng hiện tại đã giữ lại quá nhiều những cầu thủ hết đát, gần như không đóng góp được gì nhưng vẫn đều đều nhận lương mỗi tuần. Thêm vào đó, Galliani liên tục bổ sung cho CLB những cầu thủ chẳng mấy chất lượng. Thực chất số tiền bỏ ra để mua Zapata, Acerbi, Constant…để mượn Silvestre, Rami, để trả lương cho Taye Taiwo, Zaccardo, cho Mesbah, cho Bakary Traore… hoàn toàn có thể đem về một trung vệ thực sự đẳng cấp. Bạn có biết Acerbi, Silvestre, Zaccardo lẫn Mesbah ra sân tổng cộng bao nhiêu trận cho Milan không? 40 trận trong 2 mùa bóng! Tức là chỉ bằng 2/3 số trận một mình Astori chơi cho Cagliari trong 2 mùa giải đó. Một sự lãng phí kinh hoàng bởi tổng quỹ lương của những cầu thủ này có thể trả cho ít nhất là 3 Astori !

Biết bao giờ Milan mới có thể hồi sinh ?

Hiện tại Milan đang muốn tìm lại hình ảnh của mình trong mắt NHM thế nhưng dường như chính sách chuyển nhượng của đội bóng vẫn không hề thay đổi. Milan đã kí hợp đồng với Agazzi, một thủ môn dạng làng nhàng khác đã 30 tuổi để thay thế cho Amelia, chiêu mộ trung vệ Alex-người sắp bước sang tuổi 32 từ PSG theo dạng CNTD, sắp tới cũng có thể là Jeremy Menez. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong chuyển nhượng mà Milan đã mắt phải và vẫn chưa tìm được lối ra.

Nếu đội bóng muốn xây dựng lại, cái đích chuyển nhượng phải là những cầu thủ trẻ, những người mang trong mình dòng máu Rossoneri khát khao khẳng định bản thân, chứ không phải những lão tướng của tuổi xế chiều hay những gương mặt không bao giờ lớn được. Milan đang sở hữu quá nhiều cầu thủ vô dụng như thế nhưng buồn thay, đội bóng sẵn sàng bán El Shaarawy, sẵn sàng bán De Sciglio, sẵn sàng bán Balotelli mà lại không dám thanh lý những cầu thủ quá đát để thay đổi lối mòn. Người ta không biết rằng nếu Milan tiếp tục những vụ mua bán kiểu như thế nữa, đội bóng sẽ đi về đâu?
Đức Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục