Thay đổi phương thức xếp hạng ATP: Đòi hỏi bất hợp lý

08:53 Thứ sáu 10/02/2012

Thời gian làm căn cứ để xác lập vị thứ trong bảng xếp hạng ATP cần phải được kéo dài lên 2 năm, đó là điều mà Nadal từng đề xuất và mới nhắc lại. Chỉ có điều đề xuất ấy chẳng có chút cơ sở nào để triển khai.


Cần phải nói rõ: đề xuất cụ thể mà Nadal đưa ra chính là việc thời gian tính điểm xếp hạng ATP nên chuyển sang 2 năm, thay vì một năm như bấy lâu nay. Để tăng thêm sức nặng cho đề xuất của mình, Nadal còn khẳng định có rất nhiều người ủng hộ ý tưởng của anh. Tiếc thay, tay vợt người Tây Ban Nha lại chẳng nêu ra được một cái tên cụ thể nào!

Lý lẽ không thuyết phục

Nếu tăng thời gian tính điểm lên gấp đôi, các tay vợt hàng đầu sẽ kéo dài được thêm sự nghiệp, đó là điều được Nadal nhấn mạnh nhất trong đề xuất của mình. Điều này đúng ở chỗ tuổi thọ thi đấu của họ được nâng lên là do ít phải thi đấu hơn và từ đó sẽ có cơ hội tốt hơn để tránh chấn thương. Đúng là việc chỉ phải thi đấu khoảng 25-30 giải trong 2 năm sẽ khác hẳn so với việc thi đấu 20-22 giải mỗi năm. Thế nhưng, có một điều hết sức quan trọng mà Nadal đã phớt lờ: việc thay đổi này sẽ gây rất nhiều thiệt thòi cho các tay vợt nằm ngoài tốp đầu bởi họ sẽ gặp vô vàn khó khăn trong nỗ lực cải thiện thứ hạng cá nhân.

Còn một điều nữa mà Nadal không để ý đến (hay cố tình không nhắc đến) là việc chính anh sẽ được hưởng lợi nếu đề xuất ấy được áp dụng ngay. Cụ thể là nếu tính phương thức xếp hạng trong 2 năm thì hiện nay người giữ ngôi số 1 TG chính là Nadal chứ không phải Djokovic. Tính trong vòng 52 tuần qua (một năm), Djokovic đã đoạt 3 chức vô địch Grand Slam và 5 danh hiệu ở các giải Masters, trong khi đó Nadal chỉ có duy nhất chức vô địch ở Roland Garros và một danh hiệu ở Monte Carlo, giải cũng thuộc Masters nhưng không bắt buộc các tay vợt hàng đầu phải tham dự. Bởi vậy, nếu áp dụng phương thức xếp hạng 2 năm thì Nadal sẽ là tay vợt số 1 TG, điều vô cùng bất công cho Djokovic.

Không thể thực thi

Khi phân tích kỹ những phương án có thể xảy ra nếu ATP làm theo đề xuất của Nadal, người ta càng thấy đòi hỏi này là bất hợp lý: nó giúp một số tay vợt hàng đầu hưởng lợi nhưng lại phủ nhận mọi nỗ lực của các tay vợt còn lại. Chẳng hạn, nếu áp dụng phương án mới thì Raonic sẽ phải xếp hạng 48 (thay vì 28), Tomic hạng 67 (thay vì 34), trong khi Soderling sẽ được lên hạng 7 (thay vì 14), Roddick lên hạng 9 (thay vì 19)... Đấy chính là điều mà phương án này bị chỉ trích dữ dội nhất bởi nó không tạo ra được sự công bằng trong cuộc chơi.

Có lẽ khi đưa ra đề xuất này, Nadal quên mất rằng ATP đang áp dụng một điều khoản đặc biệt nhằm bảo vệ các tay vợt bị chấn thương không thể thi đấu trong một thời gian dài. Điều khoản này cho phép các tay vợt bị chấn thương không thi đấu ít nhất 6 tháng nhưng khi trở lại sân vẫn được giữ nguyên thứ hạng cũ trong 9 giải hoặc 9 tháng. Hơn nữa, rất nhiều kỷ lục của quần vợt đều liên quan đến bảng xếp hạng, mà ví dụ điển hình nhất là kỷ lục 286 tuần ở ngôi số 1 TG của Pete Sampras là được tính trên phương thức xếp hạng trong 52 tuần. Nếu thêm 12 tháng vào phương thức xếp hạng mới, ATP lại phải đưa ra chuẩn mực mới và điều này sẽ tác động rõ rệt đến sử sách.

Đề xuất của Nadal đã bị chính Federer bác bỏ, trong khi ATP chẳng tỏ thái độ gì gọi là quan tâm. Nguyên nhân thế nào đã được nói rõ ở trên và thiết thực hơn cả là đề tài này nên xếp vào dĩ vãng nếu như Nadal và những người ủng hộ anh không đưa ra được cơ sở thuyết phục hơn.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục