FedEx – Nole – Rafa: Bộ ba thống trị số 1 lịch sử

08:22 Thứ ba 03/04/2012

Bộ ba Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic xứng đáng được xem là bộ ba thống trị vĩ đại nhất trong lịch sử tennis kể từ kỷ nguyên Mở.

Federer, Nadal và Djokovic vẫn đang tiếp tục viết tiếp lịch sử bằng một sự thống trị gần như tuyệt đối so với phần còn lại của thế giới. Federer được xem là tay vợt vĩ đại nhất với 16 danh hiệu Grand Slam, Nadal là ông vua của mặt sân đất nện với 10 danh hiệu trong sự nghiệp, còn lúc này Djokovic đang là kẻ thống trị với 5 lần lên ngôi tại các Grand Slam danh giá. Tính từ giải Roland Garros năm 2005 đến nay, bộ ba này đã giành tới 27/28 chức vô địch GS, tỷ lệ vô địch đạt tới 96%. Chỉ duy nhất một giải đấu danh hiệu lọt khỏi tay bộ ba này là ở US Open 2009 (Del Potro đăng quang). Trong số 27 danh hiệu đó, Federer có 12 chiếc, Nadal 10 chiếc và Djokovic có 5 chiếc.

Không một bộ ba nào có được sự thống trị lớn đến như vậy kể từ kỷ nguyên Mở. Bộ ba gần đây nhất có thể so sánh với Fed – Nole – Rafa (tạm gọi “bộ ba số 1”) là Bjorn Borg, Guilermo Villas, và Jimmy Connors trong giai đoạn từ 1974 đến 1979. Trong giai đoạn này, 17/25 danh hiệu Grand Slam đã thuộc về Borg (8), Connors (5) và Villas (4). Tỷ lệ thống trị của họ chỉ đạt 68%, một con số quá khiêm tốn so với 96% của “bộ ba số 1”.

Không một bộ ba nào có được sự thống trị tuyệt đối như Federer, Nadal và Djokovic

Một trong những bộ ba khác tạo dựng được những dấu ấn đặc biệt kể từ kỷ nguyên Mở phải kể đến Rod Laver, Ken Rosewall và John Newcombe, trong giai đoạn từ 1969 đến 1973. Trong tổng số 20 Grand Slam được tổ chức trong thời gian đó, Laver và Newcombe mỗi người giành được 4 danh hiệu, Rosewall giành được 3 danh hiệu. Tỷ lệ thống trị của họ chỉ là 55%, với 11/20 danh hiệu đạt được. Trong giai đoạn từ 1978-1984, nổi lên bộ ba Borg, Connors và John McEnroe, những người đã vô địch 18/28 giải Grand Slam được tổ chức, với tỷ lệ vô địch là 64%. Trong đó Borg và McEnroe mỗi người 7 danh hiệu, Connors 4 danh hiệu.

Trong giai đoạn 1984-1990, bộ ba Ivan Lendl (8), Mats Wilander (5) và Boris Becker (4) đã cùng nhau vô địch 17/28 giải Grand Slam, tỷ lệ chiến thắng là 61%. Trong những năm 1990, thế giới tennis chứng kiến sự thống trị của bộ ba người Mỹ Pete Sampras (11), Andre Agassi (5) và Jim Courier (3) với tổng cộng 19 chức vô địch GS trong tổng số 32 giải đấu, đạt tỷ lệ 59%. Đây là sự thống trị tuyệt đối nhất mà 3 tay vợt cùng một quốc gia có thể tạo ra. Tuy nhiên nó cũng không thấm vào đâu so với thành tích của “bộ ba số 1”.

Bộ ba này từng làm mưa làm gió những năm 90 thế kỷ trước

Nhìn sang WTA, trong lịch sử cũng chưa có bộ ba nào có được sự thống trị như “bộ ba số 1”. Ba tay vợt nữ có được sự thống trị lớn nhất của nữ là Margaret Court, Evonne Goolagong Cawley, và Billie Jean King. Tính từ giải Australian Open 1969 cho đến năm 1974, bộ ba nói trên đã vô địch 19/21 giải đấu, tỷ lệ chiến thắng là 90%. Chỉ có duy nhất Anny Haydon Jones (1969 Wimbledon) và Virginia Wade (1972 Australian Open) là chen ngang được vào sự thống trị của bộ ba Court – Cawley – King.

Gần đây nhất, trong kỷ nguyên vàng của các tay vợt Mỹ, chứng kiến sự thống trị của Lindsay Davenport và chị em nhà Williams. Tính từ US Open 1998 đến Wimbledon 2003, bộ ba nói trên (tính thêm cả Jennifer Capriati) đã vô địch 16/19 giải Grand Slam, đạt tỷ lệ 84%. Trong đó có chuỗi 11 chức vô địch liên tiếp tính từ US Open 1999 đến Australian Open 2003.

Đó là những con số đầy sức thuyết phục để cho thấy được tầm vóc vĩ đại mà bộ ba Federer – Nadal – Djokovic đã và đang làm được trong lịch sử tennis thế giới.

Duy Nguyễn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục