Federer - Nadal - Djokovic: Ba huyền thoại làm nên một kỷ nguyên vĩ đại

21:16 Chủ nhật 12/02/2012

Trong vòng 2 năm qua, Nadal và Djokovic đã chia đều 8 danh hiệu Grand Slam, cho thấy sự thống trị tuyệt đối của bộ đôi (đối thủ) này. Nhưng Federer vẫn có một vai trò lớn, ít nhiều đủ để tạo nên thế kiềng ba chân.

3 tay vợt cự phách nhất của tennis thế giới

Kiềng ba chân

Vì Federer vẫn có đủ khả năng để đánh bại Djokovic ở cả hai thể thức đánh ba set thắng hai (ATP Tour) lẫn đấu năm set thắng ba (Grand Slam). Thực tế đã trả lời như thế. Hai lần gần đây nhất họ gặp nhau ở Grand Slam (cùng là bán kết), Federer thắng ở Roland Garros 3-1, còn Djokovic thắng ở US Open 3-2.

Thậm chí, nếu nhìn vào diễn biến của cả hai trận đấu ấy, sẽ không quá lời để nói Federer có phần trội hơn. Chắc chắn, ưu thế của huyền thoại người Thụy Sĩ thể hiện ở Roland Garros là điều không cần bàn cãi. Còn ở US Open, Federer đã bỏ lỡ hai match point trong khi anh cầm giao bóng. Với tennis đỉnh cao, ranh giới thắng - thua là mong manh, nhưng như thế là quá đủ để chứng minh Federer chỉ còn cách chiến thắng khoảng cách bằng độ dày của một sợi tóc.

Nhưng Federer lại hầu như không có cơ hội để thắng Nadal trong những lần họ đối đầu với nhau ở Grand Slam. Thất bại mới rồi ở bán kết Australian Open và Roland Garros chỉ là hai trong số năm trận thua liên tiếp của Federer trước Nadal trong khuôn khổ các giải Grand Slam, và nó là hai trong số tám trận thua trong mười lần đối đầu của cả hai trên mọi giải đấu. Lần gần nhất Federer thắng được Nadal ở Grand Slam cách nay năm năm: Chung kết Wimbledon 2007.

Tới lượt Nadal, kể từ năm 2011, anh lại bị Djokovic khắc chế, hóa giải và đánh bại hoàn toàn. Bảy trận thua liên tiếp trong bảy lần gặp nhau ở chung kết, trong đó có ba lần gần nhất đều diễn ra trong khuôn khổ Grand Slam đã nói lên tất cả.

Đằng sau hai từ “kỵ rơ”

Điều đơn giản nhất để nói về họ là “kỵ rơ” mà ở đó yếu tố tâm lý chỉ sắm một vai trò không quá lớn. Đằng sau nó chính là cả một cuộc va chạm những kỹ thuật, những cú đánh.

Federer không ngại Djokovic bởi trên hết anh sinh ra để chơi tennis tấn công và đã thống trị thế giới trong suốt hơn nửa thập kỷ (từ 2003-2009) bằng thứ tennis đó. Lối đánh tấn công của Federer đòi hỏi anh đứng ôm sân để trả giao bóng và chính vì thế trước những cú giao bóng ra mang của Djokovic, anh có thể di chuyển chéo theo hướng bước lên phía trước, tạo ra một đường cắt để làm hẹp độ mở của sân lại, qua đó làm giảm tính năng chéo sân của cú giao bóng từ phía đối thủ. Mặt khác, Federer chơi trái một tay, nên độ với khi phải vươn người ra cứu giao bóng cũng tốt hơn.

Nadal thì ngược lại, anh là một huyền thoại của tennis phòng ngự. Sự thay đổi của anh (chơi tấn công nhiều hơn) lại chưa thể bắt đầu từ khâu trả giao bóng. Anh vẫn đứng sau vạch cuối sân chừng 3m như những gì sách giáo khoa huấn luyện tennis trên sân đất nện viết trong tập giáo trình phổ biến của ITF (LĐ Tennis Thế giới). Mà khi đứng càng sâu, bóng có thể giảm lực, nhưng lại càng xa vị trí đứng chờ trả giao bóng. Thế nên, Djokovic khai thác tối đa những cú giao bóng chéo sân có độ mở rất lớn mỗi khi gặp Nadal, đặc biệt là khi tay vợt người Serbia chú trọng tới điểm rơi của bóng nhiều hơn là tỉ lệ giành điểm trực tiếp.

Federer giao bóng tốt hơn Nadal, nên anh không tới mức phải hoảng sợ khi giao bóng một hỏng (vì Djokovic tấn công bóng hai rất cừ). Chính bởi vậy Federer không bị rơi vào trạng thái căng thẳng, anh có thể tự tin chơi với toàn bộ khả năng dù biết rằng và cũng đã nhiều lần đứng nhìn Djokovic trả giao bóng ăn điểm ngay.

Nadal đã tiến bộ rất nhiều ở kỹ năng giao bóng, nhưng có những lúc, tốc độ của giao bóng hai từ Nadal chỉ là 70 dặm/giờ (chỉ hơn 112km). Giao bóng hai của Nadal lại không phải là những cú kick serve (xoáy vồng lên và đổi hướng) điển hình, nên dễ hóa giải.

Federer chơi tấn công, nên anh đứng trong sân nhiều hơn, ưa thích những tay vợt chơi nhanh (Djokovic đánh không quá nhanh nhưng vẫn nhanh hơn Nadal rất nhiều). Dù cho đánh không xoáy bằng Nadal, nhưng Federer lại đánh bóng chéo sân, đổi hướng, và đi ra mang tốt hơn. Đó là điều gây nhiều khó khăn cho Djokovic hơn là những đường bóng thường chỉ nhồi một hướng (chờ cơ hội ngon mới dứt điểm) và cố gắng đưa sâu về cuối sân (nhưng rất nhiều quả non và ngắn) như những “sản phẩm” của Nadal.

Nhưng bóng của Nadal lại khai thác tối đa những hạn chế của Federer - nhất là đặc điểm của người chơi trái một tay: khó xử lý bóng tầm cao. Nếu như Djokovic chơi trái hai tay đè bóng xoáy nảy cao siêu hạng thì Federer nếu gặp bóng quá cao thì buộc phải cắt bóng vít xuống để phòng ngự.

Federer tấn công, nhưng Nadal lại luôn làm chậm các đường bóng lại một cách tối đa và phòng ngự bền bỉ. Bóng xoáy của Nadal đôi khi đẩy lùi Federer lại sau vạch cuối sân, tức là Federer phải rời khỏi khu vực mà anh cảm thấy thoải mái nhất để chơi thứ tennis của mình. Và khi Nadal đổi nhịp độ, tấn công mãnh liệt, thậm chí là đè bóng ở tốc độ 130-150km/h từ những cú thuận tay sau khi đã cài bóng và nắn cho đủ ngon, Federer thường không đủ khả năng đáp trả.

Djokovic lại không ngại những cú bóng topspin, nếu không muốn nói là thích. Anh đón bóng sớm, đánh bóng nhú (khi nó đang nảy lên), có xu hướng mượn lực của đối phương kết hợp với khả năng đánh điểm chính xác để tạo nên các cú phản công hiệu quả.

Câu chuyện giữa ba tay vợt vĩ đại nhất của đầu thế kỷ XXI không phải là “vỏ quýt” và “móng tay”, mà nó là sự cạnh tranh, qua đó tennis đã được nâng lên một tầm cao mới, mà giờ đây hễ họ gặp nhau là sẽ có kinh điển tiềm tàng những kỷ lục.

Match Point

Tuần qua, thế giới tennis đã đón chào những nhà vô địch nam là Berdych ở giải Montperlier sau khi vượt qua Monfils 2-1, Mikhail Youznyi đánh bị Lacko để đăng quang tại Zegrab, Monaco vượt qua Berlocq tại Chile. Tuần này, các trận đấu ở giải đồng đội nam và nữ sẽ diễn ra. Hệ thống WTA và ATP sẽ trở lại vào tuần sau, kể từ ngày 13/2.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục