Từ nghi án Huy Hoàng "phê thuốc": Sao mãi u mê trong "cơn phê"

21:07 Thứ hai 17/09/2012

Sẽ là không công bằng nếu lấy vụ scandal “phê thuốc” gây tai nạn giao thông của đội trưởng Huy Hoàng (Sông Lam Nghệ An) để “chụp mũ” lên diện mạo chung của bóng đá xứ Nghệ. Nhưng theo chiều ngược lại, thật khó để không suy ngẫm về mối liên quan giữa môi trường đầy rẫy phức tạp của bóng đá nơi đây với những cầu thủ mà nó sản sinh ra. Đã có nhiều con nghiện u mê trong cơn phê ma túy lắm rồi!

"TRUYỀN THỐNG" ĐÁNG SỢ

Nghi án “phê thuốc” của Huy Hoàng mới đây đã có câu trả lời từ phía CLB SLNA là do cầu thủ này say rượu. Nhưng đó là một cách giải thích không dễ thuyết phục sau khi những hình ảnh Huy Hoàng “tay múa máy, mồm ngáp ngáp” của một kẻ “phê lòi” tràn lan trên các trang thông tin điện tử. Chẳng thể thống kê được có bao nhiêu ý kiến nhận định rằng đó là biểu hiện của trạng thái phê thuốc lắc hay bị “ngáo đá”.

Những hình ảnh vừa nhắc trong đoạn clip gần 1 phút có thể gây sốc với nhiều người, nhưng với nhiều người khác, am hiểu hơn về đời sống bóng đá Việt Nam nhất là bóng đá xứ Nghệ, nó không phải bất ngờ quá lớn. Thậm chí, có người còn quả quyết rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm “dữ dội” hơn cả về mức độ và số lượng.

Có rất nhiều câu chuyện vốn đã lộ ra ánh sáng chứng minh cho nhận định trên. Thế hệ đàn anh của Huy Hoàng có tiền vệ Phan Thanh Tuấn lắm tài nhưng cũng nhiều tật để rồi sa ngã vào ma túy. Điểm khởi đầu của quá trình sa ngã đó cũng là những thú vui không có điểm dừng ngoài sân cỏ và điểm kết thúc của nó là hình ảnh tàn tạ của tiền vệ hào hoa một thời nay thỉnh thoảng chầu chực vài đồng từ những HLV, đồng đội cũ.

Thế hệ đàn em của Huy Hoàng có Nguyễn Văn Ý bị đuổi khỏi đội năm 2004 vì trộm cắp tài sản tình nghi do liên quan đến ma túy. Năm 2007, đội trưởng U19 SLNA Lưu Văn Hiền bị bắt quả tang đang sử dụng heroin tại phòng riêng. Đến năm 2008, đến lượt Nguyễn Hồng Việt, thành viên của U20 VN vô địch ĐNA, bị bắt ngay trước cổng CLB vì tội tàng trữ ma túy.

Như thế, kể cũng hơi nhiều với một trung tâm thể thao của cả một tỉnh, một lò đào tạo bóng đá vẫn thường tự hào về truyền thống. Và như đã nói, tệ nạn trong giới quần đùi áo số thì nhiều đội bóng cũng có, nhưng có lẽ chưa ở đâu nó lại trở thành một hiện tượng như SLNA trải qua các năm tháng khác nhau.

MẶT TRÁI CỦA HÌNH MẪU "NGƯỜI HÙNG"

Môi trường xung quanh đại bản doanh của SLNA đặt trên đường Đào Tấn (thành phố Vinh) khá phức tạp, và không ít cầu thủ lớn lên, trưởng thành đều có những dính líu tới “xã hội đen”.

Giống như một sự dẫn dắt tất yếu, các thế hệ cầu thủ xứ Nghệ nối tiếp nhau đều có chung một hình mẫu để thần tượng. Đó phải là tuýp cầu thủ không chỉ đá bóng giỏi trên sân cỏ, sẵn sàng xả thân vì huynh đệ kiểu giang hồ và sở hữu những mối quan hệ xã hội rộng rãi để có thể đứng ra che chở cho đám đàn em khi xảy ra sự cố.

Chiếc ghế của HLV Nguyễn Hữu Thắng đang rất vững vàng một phần bởi giá trị chuyên môn nhưng phần quan trọng hơn có lẽ nằm ở phẩm chất “người hùng” mà anh sở hữu. Hồi World Cup 2010, hậu vệ Trương Đắc Khánh vướng vào cá độ bóng đá và ngập trong nợ nần. Hàng ngày, đám chủ nợ kéo đến sân Vinh và Hữu Thắng phải đứng ra can thiệp.

Các cầu thủ SLNA còn kể lại câu chuyện khá hãi hùng là việc một cựu cầu thủ của đội bóng xứ Nghệ đã giải nghệ hùng hổ mang hung khí vào sân đòi xử đám đàn em dám “giỡn mặt”. Và cũng lại là một tay “anh Thắng” đứng ra dàn xếp.

Hình ảnh của Hữu Thắng sau này được tìm thấy khá trọn vẹn ở Huy Hoàng, cầu thủ cũng thuộc tuýp thủ lĩnh trong phòng thay đồ, hét ra lửa trên sân và tất nhiên là sự quảng giao đủ để thu xếp những vướng mắc của các cầu thủ trẻ. Không hề ngẫu nhiên khi ngay cả khi đã ở đoạn cuối sự nghiệp và không còn giữ được phong độ đỉnh cao, tiếng nói của Huy Hoàng vẫn rất có trọng lượng ở SLNA.

Nhưng phàm đã là một quá trình tương tác, cũng khó nói rằng những thói hư tật xấu vốn đầy rẫy quanh sân Vinh không len lỏi vào đời sống của cầu thủ thông qua các kênh quan hệ, nhất là khi khả năng miễn nhiễm của giới cầu thủ Việt là không hề tốt.

10 năm trước ở thế hệ của Hữu Thắng và 10 năm sau ở lớp kế cận của Huy Hoàng, SLNA có vẻ vẫn chưa thoát ra khỏi sự chi phối và tác động của những mối quan hệ phức tạp, những thứ “quyền lực đen” bên ngoài sân cỏ và ở một chừng mực nào đó, cũng có thể xem đội bóng ấy là bức tranh mô tả lại chính môi trường mà nó gắn bó.

NHIỀU NGỰA HAY VẪN ĐẦY NGỰA CHỨNG

Chưa có thống kê chính thức nhưng điểm lại quãng thời gian chừng chục năm qua, SLNA là lò đào tạo cung cấp tài năng số một của bóng đá Việt Nam. Song theo chiều ngược lại, cũng chưa có ở đâu chữ tài lại đi đôi với chữ tật nhiều như bóng đá xứ Nghệ.

Một trường hợp điển hình trong số đó là Văn Quyến, cầu thủ được ví là thần đồng, nổi lên từ khi mới 16 tuổi nhưng có lẽ là sẽ kết thúc sự nghiệp trong 2 từ thất vọng.

Vết đen trong sự nghiệp của Văn Quyến là vụ bán độ bị phanh phui tại SEA Games 23 (2005) mà sau này, những kết quả điều tra của cơ quan chức năng đã chỉ ra một mối liên hệ rõ rệt từ các đường dây cá độ ở Nghệ An, thông qua một vài cựu cầu thủ của đội bóng xứ Nghệ, móc nối với tiền vệ Quốc Vượng để thu xếp với các cầu thủ khác dàn xếp tỷ số.

Tái xuất sân cỏ, những tưởng Quyến sẽ lấy đó làm bài học sâu sắc cho mình để trưởng thành. Nhưng có vẻ “Thằng Béo” đã không cưỡng lại nổi những thú vui bên ngoài sân cỏ, những dụ dỗ nhan nhản quanh sân Vinh. Hệ quả, từ một cầu thủ chuyên nghiệp nay Văn Quyến đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Còn Quốc Vượng một dạo cũng đóng vai “người hùng”. Trong vụ án bán độ của ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 23, Vượng là người phải chịu án phạt nặng nhất (4 năm tù giam) một phần vì là chủ mưu, một phần khác là thái độ không thành khẩn khi khai báo và nhận hết trách nhiệm về mình vì “nghĩa khí”.

Ngay cả khi ra trại và quay lại cùng bóng đá, cuộc sống bên ngoài sân cỏ của cầu thủ này cũng có rất nhiều tai tiếng. Tháng 3/2011, xuất phát từ những mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm, Quốc Vượng bị một người phụ nữ đã ly dị chồng đâm bằng dao. Được CLB Thanh Hóa thu nạp từ đầu mùa giải 2012, nhưng chỉ hết lượt đi, Vượng đã bị thanh lý hợp đồng bởi những scandal ngoài sân cỏ.

VĨ THANH BUỒN

Nếu muốn, không quá khó để lượm lặt thêm những câu chuyện tài và tật của bóng đá xứ Nghệ mà vụ việc của Huy Hoàng mới đây chỉ là dữ kiện mới nhất được đặt vào trong chuỗi hệ thống. Một vấn đề lặp đi lặp lại trong suốt hơn chục năm qua thì chắc chắn nó không còn là hiện tượng mà đã mang theo tính bản chất.

Và người ta chẳng thể tiếp tục lặng im khi chuyện không hay xảy ra với một biểu tượng cỡ Huy Hoàng, cũng là một nhân vật điển hình mà bóng đá xứ Nghệ sản sinh ra, người được cất nhắc cho một vị trí trong BHL của SLNA bắt đầu từ mùa giải tới.

Dù muốn hay không người ta cũng sẽ đặt ra câu hỏi rằng vậy thì chuyện gì đang diễn ra với lớp cầu thủ đàn em, ít nổi tiếng hơn và có lẽ cũng chưa sở hữu ý thức phải giữ gìn hình ảnh?

Cái cách SLNA loay hoay đối phó với vụ việc của Huy Hoàng y hệt như chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”. Như thế hẳn là quá ít để tin rằng trong tương lai bóng đá xứ Nghệ sẽ không tiếp tục xuất hiện những bản sao của Huy Hoàng, Văn Quyến, Quốc Vượng...

Vũ Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục