Từ đời thường của họ: Vạn nẻo mưu sinh

14:46 Thứ tư 23/01/2013

Lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, uy lực ẩn chứa sau những bài quyền nhẹ nhàng, hàng đêm vẫn có hàng ngàn thanh niên say mê luyện võ, múa kiếm để mặc thời gian trôi qua, những giá trị đích thực của niềm đam mê đã được đền đáp bằng những ánh hào quang phản chiếu trên những tấm huy chương lấp lánh. Đại đa số, vinh quang đã phải được đánh đổi bằng những ngày tháng cơ hàn, vất vả với những nghề tay trái để nuôi dưỡng môn thể thao đam mê của mình.

Trọng tài Nguyễn Văn Nghĩa và con tại cửa hàng băng đĩa phố Quán Thánh Hà Nội. Ảnh: HỒNG LONG

Không nói ngoa khi có ai đó cho rằng, những ai đã từng tập môn quyền Anh đều có niềm đam mê cực kỳ mãnh liệt. Những ai đã dấn thân vào quyền Anh, tự khắc sẽ tìm thấy sự đam mê cùng cực. Chính vì lẽ đó, lý giải tại sao khi bộ môn võ thuật này bị tạm ngưng hoạt động cuối năm 1994, đại đa số anh em võ sĩ vẫn theo đuổi niềm đam mê bằng việc chuyển sang các môn võ thuật tương tự hoặc bôn ba đủ mọi nghề để chờ đợi ngày quyền Anh được khôi phục trở lại.

Sinh năm 1967, lẽ ra cậu bé Nguyễn Văn Nghĩa đã theo nghiệp bóng đá của bố mình (hậu vệ Nguyễn Văn Chữ, cựu cầu thủ Than Quảng Ninh, sau đó chuyển về Thanh niên Hà Nội, tiền thân của CAHN sau này) khi đang là hậu vệ cừ khôi của tuyển trẻ Thanh niên Hà Nội. Tuy vậy, từ một cầu thủ bóng đá, Văn Nghĩa đã trở thành một tay đấm nổi tiếng của quyền Anh Việt Nam giữa thập niên 80 khi một lần tình cờ đeo vào đôi găng tay và cảm thấy hứng thú ngay. Từ năm 1985 đến 1987, anh liên tiếp giành ngôi vô địch toàn quốc và vô địch Đông Dương hạng cân -51kg. Quãng thời gian khá dài khi quyền Anh bị cấm hoạt động, Văn Nghĩa đã phải mưu sinh bằng nghề... thợ may. Còn nhớ khi chuẩn bị cho SEA Games 22, Văn Nghĩa đã đích thân may toàn bộ trang phục cho đội ngũ trọng tài quốc tế điều hành giải. Tuy nhiên, chính vì phải gắn bó với nghiệp quyền Anh, anh đã không thể theo đuổi nổi nghề thợ may đòi hỏi phải luôn ngồi một chỗ. Và thế là, từ anh chàng thợ may khéo léo, anh đã trở thành một ông chủ của cửa hàng băng đĩa nhạc. Cùng lứa với Văn Nghĩa còn có cựu võ sĩ Nguyễn Đức Tuấn hiện cũng theo đuổi nghiệp quyền Anh với vai trò trọng tài quốc tế. Có ai biết, để có thể chuyên tâm điều hành các giải đấu trong nước vào quốc tế, anh Tuấn phải tranh thủ thu xếp việc huấn luyện đội bảo vệ vốn chiếm khá nhiều thời gian của anh ở một công ty bảo vệ tại Hà Nội.

Chuyện của cựu võ sĩ Lê Hồng Thoại (nay là HLV quyền Anh tại Hà Nội) cũng khá ngậm ngùi. Sau khi giã từ võ đài vì quyền Anh bị tạm ngưng, Thoại phải làm đủ mọi nghề, từ việc nuôi cá cảnh, gà chọi cho đến cá chọi để mưu sinh, thậm chí có thời gian anh chạy cả xe ôm. Hay như chuyện đời của Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cũng đáng là một bài học quý. Chuyện ngày xưa của ông - ít ai biết, cái ngày ông còn trẻ, cực khổ bắt ốc tại Hồ Tây từ cái lạnh cắt da cắt thịt tới cái nóng hừng hực của mùa hè đất Bắc để mưu sinh và để theo đuổi nghiệp thể thao của mình. Qua câu chuyện, tôi hiểu vì sao ông lại đồng cảm trước những nỗi khổ cực của anh em thể thao khi “móc hầu bao” gia đình để tạo điều kiện cho anh em trong bộ môn nâng cao nghiệp vụ, phát triển phong trào, và nay hết lòng chăm lo cho cuộc sống HLV, VĐV và CB-CNV của Trung tâm.

Thể thao Việt Nam nói chung dù đã tiến lên những cung bậc mới cao hơn, thế nhưng, xem ra, đó vẫn chưa phải là cái nghề hái ra tiền. Bởi thế, để đeo đuổi cho đến cùng niềm đam mê của mình, đại đa số dân thể thao vẫn phải bôn ba trên vạn nẻo đường để mưu sinh, và cũng để giữ lấy “cái nghề” mà mình đã trót xem như người tình chung thủy.


 

Nguyễn Hà | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục