Thể thao Việt Nam sẽ đầu tư trọng điểm 3-5 môn để có HCV Olympic

12:42 Thứ bảy 25/08/2012

Không chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc sau thất bại của đoàn TTVN tại Olympic, các nhà quản lý ngành thể thao, các liên đoàn, bộ môn, HLV và cả VĐV cùng nhau “hiến kế” để xây dựng kế hoạch, có giải pháp cụ thể để có được HCV tại Olympic 2016.

Bài toán đầu tư trọng điểm một lần nữa được các thành viên đoàn TTVN, đặc biệt là các nhà quản lý đặt lên hàng đầu trong mục tiêu đoạt thành tích cao, cụ thể là có HCV ở sân chơi lớn như Olympic.

Theo Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, sự đầu tư so với các nước khác, chúng ta sẽ có một báo cáo khoa học rất rõ để phân tích. Điều kiện của chúng ta, đối với đấu trường Olympic, việc đầu tư dài hạn và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, cũng như những vấn đề liên quan đến huy động nguồn lực, tài lực và vật lực, sẽ được quan tâm hơn nữa.

Ông Lâm Quang Thành khẳng định TTVN cần có kế hoạch cụ thể cho kỳ Olympic tới

Đặc biệt, đoàn TTVN rất thiếu vấn đề thông tin, dẫn đến sự bị động khi vào cuộc ở hầu hết các môn. Ông Thành thừa nhận, VĐV Việt Nam thì thế giới biết hết, còn chúng ta nói thật chưa biết nhiều thông tin về đối phương. Điển hình như môn cử tạ, việc đoàn Triều Tiên bất ngờ tung ra 1 lực sĩ và giành luôn HCV, khiến Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam bị tác động về tâm lý và phải có một loạt những điều chỉnh về chiến thuật, nhằm phù hợp với diễn biến mới.

Đầu tư trở thành vấn đề sống còn trong mục tiêu giúp cho các VĐV Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng huy chương ở sân chơi Olympic. 15/18 VĐV rơi rụng ngay tù vòng loại, cho thấy trình độ của các VĐV Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và quá chênh lệch so với các đối thủ. Trình độ kém, dẫn đến tâm lý, buông sớm và vỡ trận.

Để có sự đầu tư hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực, cần phải có một chiến lược bài bản. “Với đặc điểm, điều kiện của con người Việt Nam, thì nên đầu tư ở môn thể thao nào. Bên cạnh đó, với đặc điểm phát triển kinh tế, nền tảng và cơ sở của sự đầu tư, chúng tôi sẽ xác định rõ môn nào và những VĐV cụ thể được đầu tư dài hạn, không chỉ cho năm 2016 mà cả 2020. Tất cả những vấn đề này là một công việc hết sức lớn đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nhà khoa học, những nhà quản lý. Từ đó, chúng tôi sẽ có những hoạch định đầu tư. chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về tầm nhìn Olympic. Những hoạt động của nhà quản lý, nhà khoa học sắp tới cần phải huy động các nguồn lực từ xã hội”, ông Thành cho biết.

Tổng cục trưởng TC TDTT Vương Bích Thắng kết luận: “Sau cuộc họp, ngành thể thao thống nhất buộc phải thay đổi trong thời gian tới. Cụ thể là sẽ phối hợp với các bộ môn, địa phương rà soát và chọn ra các môn, nội dung thế mạnh từ 3-5 môn đề đầu tư trọng điểm.

Tôi xin khẳng định, mục tiêu SEA Games vẫn phải giữ vững, cụ thể là đứng trong tốp đầu khu vực, với các môn thế mạnh là vươn tầm châu Á, thế giới. Tuy nhiên, sắp tới sự đầu tư cho SEA Games và Asian Games, Olympic sẽ có mức độ, chỉ tiêu khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nên học tập theo cách mà một số nước, điển hình là CHDCND Triều Tiên thực hiện là “nuôi gà nòi”. Theo tôi đây cũng là một cách hay, nhưng về lâu dài, để có huy chương vẫn phải cần thêm những giải pháp triệt để”.


Nói về mục tiêu giành HCV tại Olympic kỳ tới, ông Thắng tỏ ra khá lo lắng về khả năng hoàn thành mục tiêu: “Ai cũng hiểu, để chuẩn bị cho một kỳ Olympic cần tới ít nhất 10 năm. Mục tiêu có HCV tại Olympic 4 năm tới mà ngành thể thao đăng ký chỉ là mục tiêu phấn đấu, và tôi nghĩ sẽ rất khó thực hiện được. Tuy nhiên, thời điểm này, chúng tôi chỉ biết khẳng định sẽ làm hết khả năng, đầu tư tối đa cho những môn trọng điểm để có nhiều cơ hội tranh chấp huy chương kỳ Olympic tới”.

Trong khi đó, ông Thành tự tin hơn trong kế hoạch đoạt HCV của TTVN: “Nếu khắc phục được những vấn đề mà chúng ta đã phân tích, mổ xẻ trên đây, tôi tin tưởng các VĐV Việt Nam sẽ đạt thứ hạng cao và cũng có thể có HCV năm 2016”.

Bằng Tường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục