Nước cường, thể thao mới mạnh

00:14 Thứ tư 24/08/2016

Thành công rực rỡ của đoàn Mỹ cùng nhiều cường quốc khác tại Thế vận hội mùa hè 2016 là minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ về sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế và thể thao.

Trong 20 vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic Rio, có 6 thành viên của khối các quốc gia phát triển nhất thế giới (G7) gồm: Mỹ (1), Anh (2), Đức (5), Nhật (6), Pháp (7) và Ý (9) cùng 3 thành viên khối các quốc gia có nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) gồm: Trung Quốc (3), Nga (4) và Brazil (13).

Người ta vẫn tiếc khi đoàn thể thao Nga bị cắt giảm số lượng VĐV đến Rio do hệ lụy của việc “sử dụng doping có hệ thống”. Mất gần 120 VĐV - bao gồm toàn bộ đội điền kinh, một phần đội cử tạ, cầu lông, quyền Anh, vật,… - Nga vẫn giành được hạng 4 tổng sắp. Thể thao Nga sa sút chính là cơ hội để Mỹ vươn lên độc chiếm vị trí số 1 suốt 6 kỳ đại hội gần nhất.

Với thành phần gồm 85% VĐV là thành viên Hiệp hội Thể thao đại học (NCAA) cùng các ngôi sao thể thao nhà nghề, Mỹ có được số HCV cùng tổng số huy chương cao gần gấp đôi so với đoàn xếp thứ nhì. Riêng màn trình diễn của “bộ ba hoàn hảo” Michael Phelps, Katie Ledecky (bơi) và Simone Biles (TDDC) đã đem về cho đoàn Mỹ 13 HCV, hơn hẳn thành tích của đoàn xếp hạng 6 là Nhật hay bằng tổng thành tích của… 13 quốc gia khác! Thể thao Mỹ gần như độc diễn ở môn bơi (16 HCV), thống trị điền kinh (13 HCV), không có đối thủ ở môn bóng rổ, cán mốc thành tích 1.000 HCV qua 27 kỳ đại hội.

Mỹ không có đối thủ ở môn bóng rổ. Ảnh: Internet.

Đoàn Anh thể hiện sự tiến bộ mạnh mẽ nhất sau 20 năm quyết liệt đầu tư cho thể thao, từ hạng 36 tại Atlanta 1996 vươn lên vị trí số 2 ở Rio 2016. Mọi nguồn lực được huy động cho sự phát triển của thể thao nước này mà Quỹ Xổ số thể thao góp phần quan trọng nhất. Đây chính là mục tiêu gièm pha của đoàn Trung Quốc, khi ám chỉ người Anh “dùng tiền mua huy chương”, soán ngôi nhì của chính họ chỉ sau 4 năm. Vấn đề là thể thao Trung Quốc có phần chủ quan, đầu tư theo kiểu khổ luyện để giành thành tích bằng mọi giá nên khi đối mặt các đối thủ được đào tạo, huấn luyện bằng những phương pháp hiện đại, giàu bản lĩnh hơn, VĐV nước này đành cam chịu bị qua mặt.

Có tên trong 9 đoàn lần đầu có HCV, thể thao Việt Nam cho thấy một thực tế: Nếu không quyết liệt đầu tư căn bản và mạnh mẽ cho những tài năng trọng điểm, việc hòa nhập với đời sống thể thao quốc tế chỉ là chuyện xa vời. Điều quan trọng nữa là chúng ta cần duy trì mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh thì nền thể thao Việt mới đủ sức chen chân vào tốp đầu châu lục trước khi nghĩ đến xa hơn...

Đông Linh | 22:28 23/08/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục