Thể thao và nỗi ám ảnh doping

20:50 Chủ nhật 30/11/2014

Tuần này, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đã tiến hành họp báo giới thiệu công tác chuẩn bị của Đại hội. Một trong những thắc mắc của báo giới lại là doping - vấn đề tưởng mới mà rất cũ của thể thao Việt Nam.

Muốn công bằng nhưng sợ… đắt đỏ

Ở Đại hội TDTT lần thứ VI cách đây 4 năm, đã có trường hợp bị phát hiện doping như lực sĩ Ngô Thị Hạnh trong môn cử tạ nữ.

Năm nay, BTC quy định chỉ có 4 môn tại Đại hội TDTT toàn quốc tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping là điền kinh, bơi, cử tạ, TDDC. Tổng số có 30 mẫu được tiến hành lấy để thử và trong số này điền kinh có 10 mẫu, cử tạ 5 mẫu, bơi lội 10 mẫu, TDDC 5 mẫu.

Cách đây 4 năm, BTC cũng tiến hành lấy 30 mẫu để thử doping nhưng cũng chỉ ở những môn trên.

Trao đổi tại cuộc họp báo về Đại hội, tiểu ban kiểm tra doping cho rằng: “Việc chỉ lấy 30 mẫu là quá ít so với lượng VĐV tham dự 36 môn. Ngay cả việc chỉ xét nghiệm tất cả các HCV thì cũng lên tới hơn 700 ca. Trong khi đó việc tiến hành xét nghiệm còn tốn kém, mỗi ca xét nghiệm tốn từ 200 đến 300 USD. Với 30 mẫu thì chi phí đã lên tới hàng trăm triệu. Bởi vậy dù cũng muốn mở rộng đối tượng xét nghiệm doping các môn khác để đảm bảo công bằng thì cũng đành chịu vì… tốn kém quá”.

Ngân Thương từng dính doping vì vô tình dùng thuốc lợi tiểu.

Ngoài ra, việc xét nghiệm thường phải gửi sang phòng xét nghiệm tại Trung Quốc. Việt Nam cho đến nay chưa có trung tâm xét nghiệm doping đủ tiêu chuẩn. Các mẫu lấy dựa trên danh sách của Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật của đại hội (dưới sự tham vấn của bộ môn, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao) qua đó chỉ định VĐV. Hiện, Việt Nam đã có Trung tâm Doping và Y học thể thao thành lập vào tháng 12.2011 và Đại hội này, Trung tâm mới bắt tay vào làm việc.

Khi doping tấn công sao thế giới

Việc Việt Nam khẩn trương xây dựng Trung tâm kiểm tra Doping không thừa bởi đã có rất nhiều VĐV Việt Nam bị phát hiện sử dụng chất kích thích tại những cuộc thi lớn. Đó là các trường hợp của Hoàng Anh Tuấn bị loại trước ASIAD 2010 hay Ngân Thương ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Vấn đề doping ngày càng tinh vi, phức tạp và đặc biệt là ngày càng nhiều những ngôi sao bị phát hiện. Trong điền kinh là nữ hoàng đường chạy Marion Jones, trong xe đạp là huyền thoại Lance Armstrong.

Gần đây, nhiều ngôi sao bị phát hiện. Ngôi sao quần vợt Cilic (vô địch Mỹ mở rộng 2014) hồi đầu năm bị phát hiện doping dù anh này khẳng định là vô tình: “Tôi đã mua một viên thuốc có chứa đường tại một nhà thuốc ở Pháp. Tôi không biết viên thuốc lại chứa một chất bị cấm trong thi đấu. Tôi khẳng định rằng, chưa bao giờ có ý định cố tình sử dụng chất kích thích vì tôi là người luôn phản đối bất kỳ hành vi sử dụng doping trong thể thao”. Sau án phạt, Cilic đã chơi rất hay và đoạt chức vô địch giải quần vợt Mỹ mở rộng.

Hay Nadal - ông vua sân đất nện trong quần vợt vừa bị cáo buộc là dùng tế bào gốc để điều trị chấn thương lưng. Lập tức có những cáo buộc cách làm như vậy không khác nào sử dụng doping ở Italia. Theo phương pháp "tế bào gốc", một phần tế bào của Nadal sẽ được "chiết xuất" từ chính anh cho tới khi có số lượng cần thiết. Sau đó chúng cùng một hợp chất chống viêm sẽ được tiêm vào những điểm gây đau ở lưng với mục đích tái tạo sụn trong thời gian trung hạn.

Gây sốc nhất trong mấy ngày gần đây là trường hợp tay vợt cầu lông số 1 thế giới Lee Chong Wei người Malaysia bị cáo buộc sử dụng doping. Tay vợt có biệt danh “búa máy” này bị đình chỉ thi đấu vì không vượt qua được đợt kiểm tra doping tại giải cầu lông thế giới hồi tháng 8.2014. Liên đoàn cầu lông thế giới - BWF - cho rằng, nếu bị kết luật cố tình dùng doping, Lee Chong Wei sẽ đối mặt với lệnh cấm thi đấu 2 năm, đồng nghĩa với việc chấm dứt luôn sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Liên đoàn cầu lông Malaysia (BAM) đang nỗ lực để giảm án phạt cho Lee Chong Wei. Trong khi đó tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei đã phủ nhận các cáo buộc về việc sử dụng doping và cho rằng mình vô tình dính phải chất cấm, do có chứa trong thuốc phục hồi chức năng khi điều trị chấn thương vùng đùi vào tháng 7 vừa qua.

Song giới chuyên môn cho rằng, Lee khó thoát án.

Doping trong thể thao đang là vấn nạn bởi nó ảnh hưởng tới tính chất trung thực của mỗi môn thi. Bởi vậy việc quan tâm tới phòng và chống doping là nên làm và phải làm bởi trong nhiều cuộc đấu lớn, một hay nhiều VĐV dính doping còn ảnh hưởng cả danh dự quốc gia.

Đắc Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục