(P2) Adrian Newey – thiên tài thiết kế xe đua F1

08:19 Thứ bảy 05/01/2013

Newey chính thức về Red Bull vào đầu năm 2006 qua sự tiến cử của tay đua giàu kinh nghiệm từng thành danh với Williams và McLaren – David Coulthard.

Newey chính thức về Red Bull vào đầu năm 2006 qua sự tiến cử của tay đua giàu kinh nghiệm từng thành danh với Williams và McLaren – David Coulthard – cũng là tay đua đã từng cộng tác với Newey qua 2 đội đua trên. Tuy nhiên, giới thạo tin cho rằng, thật ra Newey đã nằm trong tầm ngắm của ông chủ tập đoàn nước tăng lực Red Bull kể từ khi mua lại đội đua Jaguar từ Ford, đội đua cũng đã từng cố gắng lôi kéo Newey từ McLaren trong quá khứ.

Mẫu RB6 năm 2010 khởi đầu cho các danh hiệu của Red Bull & Vettel

Như nhận định của vài tay đua nổi tiếng, để dành được chiến thắng trên đường đua F1, chiếc xe quyết định 90% sự thành công và 10% dành cho các tay đua tài năng cụ thể hóa các danh hiệu. Quả đúng như thế với Red Bull và những đội đua trong sự nghiệp của Newey. Với 3 mẫu thiết kế ưu việt - RB6, RB7 và RB8 – Red Bull và Sebastian Vettel đã ngự trị ngôi vương suốt 3 năm liền, bất chấp sự ngăn cản kỹ thuật có chủ đích từ FIA và sự trỗi dậy của các đội đua truyền thống.

Tay đua Jaime Alguersuari hiện là bình luận viên F1 cho kênh BBC ví von rằng “Đều là những vận động viên chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng chúng tôi phụ thuộc vào kỹ thuật – công nghệ hơn hẳn các môn thể thao khác. Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy Federer hay Nadal phàn nàn rằng tôi không đoạt được danh hiệu bởi do vợt của đối thủ tốt hơn. Nhưng trong môn F1, chính chiếc xe sẽ cho ra kết quả khác biệt”.

Newey miệt mài với các mẫu thiết kế

Dù từng khá gay gắt trong lần phát biểu về chiến thắng của Red Bull trong một mùa giải, nhưng tay đua vô địch thế giới năm 2008 Lewis Hamilton đã nói về đồng hương của mình sau chặng Ấn Độ mùa vừa qua “Adrian quả là thiên tài. Tôi chẳng thể bắt kịp Vettel dù đạt đến 200% phong độ”.

Với Ferrari, một trong những đội đua giàu truyền thống, đang ra sức củng cố vị thế sau ánh hào quang của bộ ba Jean Todt – Ross Brawn – Michael Schumacher (hay bộ tứ nếu tính cả Rory Byrne), cũng cần lắm một vai trò đầu tàu cho đội như cặp Newey – Vettel hay cả nhóm “ngự lâm” Horner – Newey – Vettel; về lại thời hoàng kim của đội với sự dẫn dắt tài tình của Jean Todt (hiện là chủ tịch FIA). Thay đổi quan điểm về phát triển chiếc xe qua việc chiêu mộ đội ngũ kỹ sư và thiết lập các định chuẩn khí động học, cho thấy Ferrari dần thừa nhận ứng dụng khí động học là sự kết hợp cần thiết và quan trọng – điều mà trước đây chưa thật sự được quan tâm ngoài một động cơ mạnh mẽ.

Newey quan sát thiết kế của đối thủ trong một chặng đua

Hơn ai hết, từ Vettel, Horner đến toàn đội Red Bull đều tin tưởng rằng thắng lợi vang dội trong 3 năm qua đều mang dậm dấu ấn của Newey, chiếc F1 Red Bull đã gần như chinh phục người hâm mộ toàn thế giới. Việc mất Newey vào tay những đối thủ lớn là điều có thể xảy ra, nhưng ban lãnh đạo Red Bull tin tưởng rằng với niềm tin tuyệt đối vào công việc của Newey cũng như không gian sáng tạo vô tận được tạo ra sẽ giữ chân ông với đội. Và trong lần nói chuyện gần đây với báo giới, Newey dường như chỉ mong muốn kết thúc sự nghiệp tại đội đua này.

Kinh nghiệm cộng tác với nhiều tay đua hàng đầu

Có thể Sebastian Vettel sẽ lại gặt hái thêm nhiều thành công với nhiều đội đua danh tiếng khác trong sự nghiệp đang rộng mở trước mắt; nhưng những tháng ngày tại Red Bull, chính “huyền thoại” Adrian Newey đã cho anh ta bệ phóng vào quỹ đạo chiến thắng. “Thật đáng giá khi chinh phục F1 cùng Adrian. Không chỉ mang đến một chiếc xe cạnh tranh, ông ấy còn cho tôi sự tự tin cần thiết. Có ông bên cạnh, tôi mới có thể làm tốt phần việc của mình” Vettel đã chia sẻ cảm xúc rất thật sau lần đăng quang.

Bộ ba chiến thắng tại Red Bull: Newey – Vettel – Horner

Hơn 100 chiến thắng, nắm trong tay 8 danh hiệu thế giới World Constructors’ Champions, trợ giúp 7 tay đua chinh phục World Drivers’ Champions, kinh qua 3 đội đua danh tiếng Williams, McLaren, Red Bull… Nếu có một người xứng đáng được công nhận, không ai khác hơn, Adrian Newey - “phù thủy khí động học” – chắc chắn phải là một “thiên tài” thiết kế xe trong lịch sử làng đua F1.
 

R@cing24h | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục