Những người thầy đặc biệt trong làng thể thao

19:44 Thứ tư 20/11/2013

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp những người thầy ở mọi lĩnh vực được tôn vinh. Trong giới thể thao nói riêng, người thầy càng trở nên cao quý bởi những đóng góp của họ thật khó có thể nói hết. Còn với các VĐV, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, họ cũng có những sự tri ân đặc biệt trong ngày rất đặc biệt này…

Gặp lại ông - HLV Bùi Lương trong một ngày cuối thu ở Hà Nội, người viết đã rất xúc động và có phần “choáng” khi biết ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng lão HLV này vẫn chưa chịu nghỉ hưu. Gần 80 tuổi, có lẽ ông Bùi Lương là HLV lớn tuổi nhất trong giới thể thao Việt Nam hiện tại, nhưng ông lúc nào cũng đùa rằng: “Trông thế thôi, tôi vẫn khỏe như thời trai trẻ”.

Ông Bùi Lương khỏe thật. Ít ai ngờ ở cái tuổi 76, HLV Bùi Lương vẫn chạy hàng chục km mỗi ngày để “giữ phom”, rồi mỗi năm ông già có tướng nhỏ thó ấy, lại xuất hiện trong vai trò một HLV tại giải Việt dã hay thậm chí là giải điền kinh VĐQG. Đáng nể hơn, các học trò dưới sự dẫn dắt của ông, đều giành những chiến tích vang dội.

HLV Bùi Lương ở tuổi 76

HLV Bùi Lương từng nói một câu bất hủ: “Tôi có đến chết mới hết chạy”. Câu nói khiến bất cứ HLV hay VĐV điền kinh cũng phải nhìn vào ông mà kính nể, mà xem ông như một tượng đài trong làng thể thao Việt Nam. Điền kinh đã ăn vào máu ông rồi. Vì thế mà cứ nghe ở đâu cần gây dựng phong trào điền kinh, nhất là môn chạy đường dài, là ông có mặt. Ông nói, mình phải có trách nhiệm là phải truyền đạt kinh nghiệm mấy chục năm qua cho thế hệ HLV trẻ cũng như các VĐV, dù sức lực không còn tốt như trước nữa.

Dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Bùi Lương đã sản sinh ra rất nhiều lứa VĐV tài năng: Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Thị Huyền, Đặng Thị Tèo…Hơn 70 tuổi, nhưng ông có mặt ở khắp mọi nơi để tìm nhân tài cho điền kinh VN. Từ Hà Nội, Vĩnh Phúc cho đến Biên Phòng và giờ là Bình Phước, ông đều đã và đang gây dựng những phong trào điền bài bản, vững chắc.

Nếu như HLV Bùi Lương âm thầm với nghiệp trồng người, thì HLV Lê Công của đội tuyển karate Việt Nam được biết đến như một người thầy tận tụy. Cứ mỗi kỳ SEA Games đến, Karate vẫn được coi như “mỏ vàng” của thể thao nước nhà. Ít ai biết đằng sau những thành công vang dội liên tiếp của Karate Việt Nam trên đấu trường quốc tế, luôn có sự đóng góp không nhỏ của HLV trưởng Lê Công - người đã gắn bó gần 20 năm liền với đội tuyển Karate.

Có quá nhiều lớp VĐV dưới sự dẫn dắt của thầy Công đã đạt nhiều danh hiệu quốc tế. Có người vẫn ở lại với nghề, có người theo đuổi con đường khác nhưng không một ai thầy Công quên tên cả. Nào là những VĐV gạo cội như Phạm Hồng Thắm, Vũ Quốc Huy, Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc đến những Hà Thị Kiều Trang, Phạm Trần Nguyên…đến những VĐV trẻ sau này như Nguyệt Ánh, Bích Phương…

HLV Lê Công tận tụy với công việc

Nhiều người bảo thầy ở cái tuổi gần 60 nghỉ đi là vừa thì bị thầy mắng lại ngay “ đừng nghĩ già mà bảo là kém, tôi vẫn có sức khoẻ tốt, tập luyện tốt, cảm xúc tốt thì không bao giờ nghỉ. Tôi chỉ nghỉ khi có người làm thay tốt hơn tôi”.

Thầy Công thường dậy từ 5h sáng để tập quyền trước khi bước vào huấn luyện cả ngày với các học trò. “Mệt lắm nhưng cứ nghĩ đến những thành công của các học trò tôi lại thấy hào hứng”, thầy Công tâm sự.

Đặc biệt, thầy cho biết không bao giờ có khái niệm nghỉ ốm, có thời kỳ 3-5 năm thầy không nghỉ ngày nào, trừ khi phải đi công tác. Với thầy, con nhà võ mấy vụ đau đầu, sổ mũi coi như không tính. Thầy Công luôn làm việc theo giáo án và có kế hoạch, luôn bám về nhiệm vụ của từng VĐV để huấn luyện riêng, vì thế mà các học trò dưới “tay” thầy tiến bộ rất nhanh. Ngoài tập luyện, thi đấu, thầy công là con người đề cao tinh thần đoàn kết. Theo thầy, kỹ thuật chỉ quyết định được 50% còn lại là tinh thần, sự thông minh và cả cái hồn trong nghề nghiệp.

Có quá nhiều những tấm gương của người làm thầy, nhưng trong làng thể thao, có một người thầy rất đặc biệt không thể không nhắc tới-chuyên gia Joseph Donnelly. Đặc biệt ở chỗ, vị chuyên gia người Úc đã tình nguyện huấn luyện cho đội tuyển đua thuyền Việt Nam nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ nhắc đến chuyện lương, thưởng. Thậm chí mới đây, ông Joseph Donnelly còn kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, mua tặng đội tuyển Việt Nam một chiếc thuyền đua có giá trị 20.000 USD.

Những ai từng đi qua khu vực hồ Tây buổi sáng sớm, đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh một ông “Tây” bất kể ngày nắng hay ngày mưa, huấn luyện các VĐV đua thuyền của Hà Nội và ĐTQG. Ông Joseph đến với đua thuyền Việt Nam thật tình cờ, trong một chuyến du lịch cách đây 3 năm. Từng là VĐV đua thuyền nổi tiếng của Úc, ông Joseph nhận thấy ngay những tố chất của VĐV Việt Nam. Tuy nhiên, vị chuyên gia này ngay lập tức đưa ra nhận xét, nếu không được áp dụng các phương pháp huấn luyện hiện đại, kết hợp với việc mua mới thuyền chèo và đi tập huấn, đua thuyền Việt Nam khó mà bứt lên được.

Ông Joseph Donnelly - người thầy đặc biệt của đua thuyền VN

Thế là hàng năm, ông Joseph dành dụm tiền rồi sang Việt Nam trong một thời gian dài tới vài tháng để huấn luyện cho các VĐV. Tất cả đều tự nguyện, ông Joseph không lấy một đồng nào từ đội tuyển đua thuyền Việt Nam.

Dưới sự huấn luyện của ông Joseph, đua thuyền Việt Nam tiến bộ trông thấy. Năm 2010, đội tuyển đua thuyền gây “sốc” khi giành 2 HCB Asiad. Chưa dừng lại ở đó, năm 2012 đua thuyền Việt Nam có 2 tấm vé chính thức tham dự Olympic 2012.

Với tâm huyết và tình yêu với đua thuyền Việt Nam, ông Joseph với mối quan hệ của mình, đã nhiều lần đưa đội tuyển đua thuyền sang Úc tập huấn. Trưởng bộ môn đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường nhận xét: “Đó thực sự là một chuyên gia có tâm huyết và yêu đất nước, con người Việt Nam. Những tình cảm cũng như việc làm của ông Joseph, luôn khiến chúng tôi cảm động và trân trọng”.

Còn rất nhiều những người thầy đặc biệt như vậy. Họ-những người thầy trong giới thể thao nước nhà, vẫn đang miệt mài, tâm huyết với nghề, nhưng lại luôn ít được biết đến sau những thành công, những tấm huy chương chói lọi của các VĐV, nhưng điều đó càng nói lên sự cao quý. Cái câu nói: “Chẳng nghề nào cao quý bằng nghề thầy giáo”, ngẫm càng thấy đúng!

Họ đã nói:

Công lao của những người thầy không thể đong đếm được. Với giới VĐV, ngày 20/11 chính là dịp để tất cả bày tỏ sự biết ơn của mình tới những người thầy. Trong mắt cựu VĐV Đặng Thị Tèo, HLV Bùi Lương chẳng khác nào một người cha thứ 2: “Thầy uốn nắn tôi từng động tác, dạy tôi không chỉ chạy trên đường thi, mà còn trên đường đời. Chúng tôi chúc thầy mãi mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến cho điền kinh nước nhà”.

Còn VĐV Phạm Thị Thảo (rowing) nhận xét: “Ở tuổi ngoài 60, ông Joseph thật gần gũi, hòa đồng, trong đội ai cũng yêu quý. Với những người như ông Joseph Donnelly, chuyên gia nước ngoài trong mắt các VĐV Việt Nam thật đẹp”.

Võ Sỹ Nguyệt Ánh (karate) chia sẻ trong cảm động: “Trong những lúc khó khăn nhất, thầy Công luôn ở bên giúp đỡ tôi. Thậm chí khi tôi bị chấn thương, thầy đã dùng tiền cá nhân để chữa trị. Với tôi, thầy cũng như một người cha, người cha của cả đội tuyển karate nữa”.

Song Ngư | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục