Những người bảo vệ ngọn lửa Olympic

07:09 Chủ nhật 15/07/2012

Nếu có theo dõi cuộc chạy rước đuốc Olympic trong bảy tuần qua, ắt hẳn bạn sẽ quen thuộc với hình ảnh một nhóm người trong bộ đồng phục màu xám luôn kề vai sát cánh với ngọn đuốc Olympic dù bất cứ đâu. Họ chính là đội bảo vệ đuốc Olympic (TST), có nhiệm vụ hộ tống ngọn lửa về đến đích trong cuộc chạy tiếp sức gần 13.000 km.

Theo truyền thống, lực lượng cảnh sát đô thành London (MPS), nơi tổ chức cuộc thi Olympic sẽ chịu trách nhiệm gìn giữ an ninh cho cuộc chạy rước đuốc. Chỉ có 35 người tham gia đường đua trong số 70 nhân viên.

Họ là hàng rào che chắn cho người cầm đuốc, với chỉ thiết bị điện đàm và đôi kính mát, dù mưa hay nắng. Cảnh sát Victoria Walker chia sẻ: “Chúng tôi không muốn trông quá rầm rộ nên cố giữ số người tham gia chạy ít nhất. Khi có sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ huy động thêm. Nếu bất cứ ai có hành động đe dọa ngọn đuốc hay người cầm đuốc, chúng tôi sẽ xử lý ngay lập tức”.

Những thành viên trong đội an ninh được lọc ra từ 664 đơn dự tuyển trong vòng tám tháng. Những người trúng tuyển trải qua 18 tháng huấn luyện, rèn luyện thể lực để vừa chạy gần 50 km mỗi ngày, vừa đảm bảo an ninh cho người rước đuốc.

Ngọn đuốc Olympic thân thiện với người dân, nhưng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh Getty

Các thành viên trong nhóm tuổi từ 26 đến 50. Trước khi tham gia TST, họ là cảnh sát hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ hình sự, xã hội cho đến giao thông. Nhiệm vụ của họ là phải đảm bảo ngọn lửa Olympic được cháy liên tục và luôn đồng hành với người rước đuốc. Họ cũng luân phiên ngủ với ngọn đuốc suốt đêm.

Tất nhiên, không phải ai cũng có thiện cảm với công tác an ninh xung quanh cuộc rước đuốc. Bà Sylvia, chỉ cho biết tên, nói cảnh sát “đã quá tay” khi ngọn đuốc đi ngang qua nơi bà sinh sống ở vùng Northampton: “Chúng tôi thấy bảy hay tám xe buýt cảnh sát, chưa kể là xe hơi và xe mô tô. Nếu có ai đó nhìn vào, chắc họ nghĩ chúng tôi là hooligan bóng đá”.

Nhưng không chỉ có sự khó chịu. Đội TST cũng có những giây phút cảm động như khi họ bảo vệ bé gái Mia Rathband thay người cha đã khuất cầm đuốc. Mia, 13 tuổi, là con trai của cảnh sát David Rathband. David bị mù mắt trong vụ truy quét một kẻ xả súng vào dân thường và đã treo cổ tự tử ngày 29-2 vì quá buồn rầu. Cô bé đã được yêu cầm đuốc chạy với dải băng đen quấn ngang mắt, để tưởng nhớ cha mình. Một lần khác, người rước đuốc là Ben Parkinson, thương binh bị mất cả hai chân ở Afghanistan năm 2006. Và cả Andy Seward, một cụ già 67 tuổi phải ngồi xe lăn vì bệnh Parkinson.

Cuộc rước đuốc cũng gặp phải một vài sự cố hi hữu. Một người đàn ông cố ý quăng xô nước vào ngọn đuốc ở Leeds. Cũng tại Leeds, một người phụ nữ Ý cố gắng chạm vào cây đuốc vì tin rằng làm vậy sẽ mang đến vận may cho nước của mình ở EURO 2012. Một lần khác, hai cậu bé ở Coventry trà trộn vào đội để thừa cơ chộp lấy ngọn đuốc.

Nhưng chỉ huy đội TST, Andy Mariner, cho biết tính đến nay vẫn chỉ có ba người bị bắt giữ. Giáo sư Simon Chadwick, chuyên ngành tiếp thị và chiến lược kinh doanh thể thao ở Đại học Coventry bình luận: “Cuộc rước đuốc nước Anh mang tính cộng đồng và địa phương, chứ không phải là sự phô diễn sức mạnh hay tinh thần dân tộc. So với năm 2008, cuộc rước đuốc năm nay cẩn thận và chú trọng đến từng khâu thực hiện, khiêm tốn nhưng hiệu quả.”

Các cảnh sát viên trong bộ đồng phục xám giống như người cổ vũ hơn. Còn cảnh sát cơ động thì thường chào đám đông bằng cách vỗ tay với người dân như màn mở đầu cho cuộc rước đuốc, điều không hề nằm trong kế hoạch ban đầu của cuộc rước đuốc năm nay. Có thể nói không phải ngọn lửa Olympic mà chính không khí vui mừng, sự gắn bó của những người tham gia mới thực sự làm nên ý nghĩa của cuộc rước đuốc năm nay.

Thu Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục