Nhà quản lý, môi giới cầu thủ kiêm HLV Trần Tiến Đại: Dị nhân của nền bóng đá Việt

16:39 Thứ bảy 29/06/2013

Câu nói “gian hùng thời loạn” xét ra cực đúng trong trường hợp của Trần Tiến Đại. Sự nghiệp cầu thủ gần như là số không nhưng sau khi giã từ sân cỏ ông đã lên ngôi “đỉnh của đỉnh”, đặt dấu ấn đậm nét trong lịch sử, thậm chí bẻ hướng phát triển của bóng đá Việt Nam thời lên chuyên.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi




Sự cố nhảy lầu và tầm nhìn của “ông trùm” tương lai

Giới bóng đá Sài Gòn trong lúc trà dư tửu hậu, khi nhắc về ông Trần Tiến Đại vẫn thường nói về sự kiện ông phải nhảy lầu. Đấy là những ngày đầu ông Đại bước vào nghiệp làm môi giới cầu thủ. Do hiểu lầm dẫn đến khúc mắc tiền bạc, một ngoại binh đã nổi điên đòi tẩn “cò” Đại ngay tại khu ăn ở khiến ông phải chạy thục mạng và nhảy từ trên lầu xuống. Câu chuyện ấy là tiêu biểu cho thị trường ngoại binh hoang sơ ngày ấy, với cung cách làm việc vẫn rất mơ hồ. Bóng đá Việt Nam những ngày đầu chập chững chỉ có thể vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Và Trần Tiến Đại không là ngoại lệ trước khi lên ngôi “ông trùm” sau này.

Thành công không đến ngẫu nhiên. Trần Tiến Đại có nền tảng cực tốt, với khả năng nhìn người rất chuẩn nhờ việc được đào tạo bài bản tại trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM và nhiều năm ăn tập bóng đá đỉnh cao trong màu áo CA TP.HCM, một trong những tên tuổi lớn nhất Việt Nam thời những năm 90 thế kỷ trước. Vốn chuyên môn ấy giúp Trần Tiến Đại có được cặp mắt và đôi tai khác hẳn người thường. Thêm nữa, ông cực tinh nhạy trong nắm bắt thời cơ, có tầm nhìn rộng và trước người khác lại rất cầu tiến. Khi chấn thương nặng, thay vì sống mòn với nghiệp đá bóng bấp bênh, Trần Tiến Đại đã đi trước thời đại khi theo học tại Đại học Ngoại ngữ để trang bị vốn ngoại ngữ, tạo ra lợi thế giao tiếp trực tiếp với ngoại binh.
Với vốn nghề trong mình, lại sẵn thông minh, tinh ý nên không khó để Trần Tiến Đại nhìn ra được tiềm năng của các ngoại binh mà trong mắt rất nhiều người chỉ là “chân gỗ”. Thêm nữa, quá trình thi đấu trong màu áo CA TP.HCM, tính tình ăn nói nhẹ nhàng giúp “cò” Đại dễ dàng bắt “sóng” với các mối kinh doanh ở các CLB. Đấy có thể là đồng đội cũ, đồng nghiệp hoặc quan chức có tầm ảnh hưởng lớn đến quyết định tuyển mộ ngoại binh.

Quyết đoán, sát phạt và lắm mưu nhiều kế

Có một nét nữa không thể không nhắc đến trong thành công của “cò” Đại là sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm bất kể những can ngăn do chưa có tiền lệ. Ông là một trong những người đầu tiên của Việt Nam xuất ngoại với chiến lược “săn đầu người” hẳn hoi. Không hài lòng việc thông qua kênh những ngoại binh đang đá tại Việt Nam để giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, ông sang tận Thái Lan để tìm nguồn hàng rẻ đã có kiểm nghiệm rồi sau nữa phát triển lên đến mức sang tận nơi và lập kênh độc quyền của mình ở tận những nước châu Phi xa xôi. Khi cần người, ông Đại chỉ việc ới một tiếng, bất kể nguồn hàng nào cũng có, với giá cực rẻ.

Thực tế bóng đá Việt Nam cho thấy 70% ngoại binh xuất sắc đều chỉ phát tiết tinh hoa nhờ quá trình tái đào tạo tại Việt Nam. Những Almeida, Merlo, De Jesus, Samson, Timothy… đều chung kịch bản. Điều này, Trần Tiến Đại đã thấy từ rất sớm và vào những năm 2006, 2007 ông khiến nhiều người ngạc nhiên khi dám vung tiền gom hàng chục anh Tây to, đen nhem nhẻm lố nhố ăn tập tại TT TDTT CA TP.HCM. Mọi chi phí ban đầu như vé máy bay, visa, tiền ăn, tiền giày, tiền sinh hoạt… đều do một tay “cò” Đại ứng trước hết.

Thậm chí, khi trượt trong kỳ thi chứng chỉ FIFA Agent, cò Đại chẳng thèm thi lại nữa mà thành lập công ty Đại Nguyên giao cho người em quản lý để tạo “danh chính” cho hoạt động của mình. Và như lịch sử đã ghi nhận, sự táo bạo và tầm nhìn xa của Trần Tiến Đại đã nhận được quả ngọt. Khi tất cả còn đang mơ hồ, Trần Tiến Đại nhanh chóng nổi lên như trạm cung ứng ngoại binh số một, với rất nhiều hàng có sẵn trong tay, các HLV vốn đang mù mờ cứ tha hồ mà chọn

Cú bắt tay lịch sử với bầu Trường

Bắt tay với bầu Trường, trong vai trò GĐĐH, Trần Tiến Đại đã đưa “kỹ nghệ buôn cầu thủ” lên tầm cao hoàn toàn mới. Với quyền lực tuyệt đối trong tay cùng hầu bao vô đáy của ông chủ, Trần Tiến Đại đã đưa việc môi giới từ nhỏ lẻ thành “sản xuất hàng loạt”, biến V.Ninh Bình thành trạm trung chuyển cầu thủ khổng lồ. Mùa nào cũng thế, đội bóng thay máu hầu như toàn bộ để phục vụ cho châm ngôn “phải cho dòng tiền chuyển động”. Cứ mỗi mùa, số thân chủ trong tay ông Đại lại tăng theo cấp số nhân, lan dần ra cả nước, tác động đến hầu hết CLB với đẳng cấp cầu thủ từ trẻ măng đến tầm ngôi sao đội tuyển, song song với giá trị chuyển nhượng cao chóng mặt.

Sau ngày chia tay, bầu Trường từng lên báo chửi “cò” Đại là kẻ “có hại cho bóng đá Việt Nam”. Nhưng không thể phủ nhận, chính sự ủng hộ hết cỡ của ông trùm ngành xi măng đã tiếp gió cho độ tăng phi mã của giá cầu thủ. Nguồn tiền vô tận của bầu Trường chính là điểm tựa để ông Đại tha hồ tung hứng giá cầu thủ với những màn phá giá kinh điển kéo theo cơn bão giá của cả nền bóng đá. Nói “cò” Đại thay đổi lịch sử phát triển bóng đá Việt Nam là vì thế.

Những khái niệm chiêu trò như tiền lót tay “cứng”, “mềm”, những màn đi đêm kinh điển, ứng phí lót tay trước, hay kiểu làm việc “tiền thực nhận, tiền hợp đồng”, chỉ đạo cầu thủ sắp hết hợp đồng lơi chân không đá để giữ giò… đều xuất phát và nâng cấp từ giai đoạn này. Chơi đẹp, uy tín và cả không thiếu thủ đoạn, bởi thế, tại đội bóng “dị nhân” như XMXT Sài Gòn nhưng vào tay ông Đại cầu thủ ngoan tăm tắp, đố dám giở trò.

Đến lúc này, về mặt danh chính Trần Tiến Đại đã chỉ tập trung chuyên môn cho nghiệp HLV tại XMXT Sài Gòn, sau khi chủ động từ chức vai trò GĐĐH vốn là trong mơ của bao người. Là người tinh minh và nắm bắt được thời thế, không phải vô ý mà ông đưa ra quyết định thoạt nghe gây thiệt thòi cho bản thân đến thế. Đã dám đổ tiền làm “cò” dù không cần bằng FIFA Agent thì việc báo giới nhạo việc kiêm nghiệm cũng như cái mác “cò” với ông Đại xem ra chẳng là gì. Ngoài thực tế sau rất nhiều phốt sau những vụ “chơi dao sau lưng”, rất nhiều CLB đã công khai tẩy chay hàng ông Đại. Và chính nữa, khi bầu Thụy đã cạn tiền, thì việc làm HLV trưởng lại tự chủ hơn rất nhiều về những quyết sách trong việc tập luyện, lên danh sách và điều chỉnh nhân sự trước và trong trận đấu. Cũng là một chiến thắng nhưng kết quả thế nào thực tế vẫn hái ra tiền. Ai bảo xuống chức là thiệt thòi, nhất là khi GĐĐH lúc này chỉ là một anh lái xe được nhấn vào ghế?

Trong quãng thời gian làm việc với bầu Trường và sau là bầu Thụy, “Siêu cò” Trần Tiến Đại cũng là người đi đầu trong việc hốt lúa non, khi ký hợp đồng độc quyền với những cái tên chỉ mới dạng tiềm năng, cứ để đá vài năm các đội nhỏ trước khi đem ra trình làng và rao giá. XMXT Sài Gòn bán hết ngôi sao, đang đá thắng lại rút trụ cột thay bằng cầu thủ trẻ, tất cả đều được tính toán kỹ, tất nhiên bên cạnh đấy những lời đồn thổi của chuyện “tài, xỉu” không thể không đề cập đến.
Phúc Ngân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục