Ngày hội của Bắc Mỹ?

15:08 Thứ năm 09/08/2012

Các trận chung kết và tranh hạng ba đều là những cuộc so tài thuộc loại “kẻ tám lượng, người nửa cân”. Thế nhưng, xét cho cùng, cơ hội chiến thắng của Mỹ và Canada vẫn cao hơn.

Không thiếu động lực ở ngày cuối cùng của môn bóng đá nữ. Trong trận chung kết, Nhật đang khao khát giành ngôi quán quân Olympic đầu tiên, đồng thời đi vào lịch sử với tư cách đội ĐKVĐTG đầu tiên đăng quang tại Thế vận hội. Trong khi ấy, Mỹ đang khao khát kéo dài thế thống trị sau 3 ngôi vô địch ở 4 kỳ Olympic trước (lần còn lại là ngôi á quân tại Sydney 2000). Ở trận tranh hạng Ba, Pháp không muốn tay trắng rời London, nhưng Canada càng nung nấu khát vọng giành chiếc huy chương Olympic ở một môn thể thao truyền thống lần đầu tiên kể từ sau ngôi á quân bóng rổ nam năm 1936.

Cuộc đối đầu giữa hai thái cực

Tất nhiên, tâm điểm vẫn là trận chung kết, nhất là do đây lại là một trận chung kết như mơ giữa ĐKVĐ Olympic với các nhà ĐKVĐTG. Trận đấu này càng hấp dẫn vì độ tương phản đáng kinh ngạc giữa hai đội. Về lối chơi, Nhật chủ trương cầm bóng và chuyền bóng ngắn trong lúc toàn đội di chuyển nhịp nhàng nhằm duy trì cự ly đội hình ở mức tốt nhất. Cũng chính vì thế, hàng thủ của Nhật đang được đánh giá là khá vững chắc do ít khi rơi vào thế bị động lúc đội nhà mất bóng.

Ngược lại, Mỹ thích chuyền bóng dài hoặc cự ly trung bình với các đợt phản công bắt nguồn từ hàng phòng ngự. Nhờ đó, đội bóng đến từ Bắc Mỹ có thể tận dụng tốt tốc độ của Alex Morgan và sức mạnh của Abby Wambach. Thế nhưng, cũng vì vậy, Mỹ đã để thủng lưới không ít lần do các hậu vệ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết lúc đối phương phản công.

Với lối chơi khác biệt như vậy, Nhật đang tỏ ra chắc chắn hơn. Thế nhưng, Mỹ lại có khả năng thắng cao hơn, phần nào thể hiện qua việc đoàn quân của HLV Pia Sundhage đã toàn thắng từ đầu giải cho tới nay. Nguyên nhân là do Mỹ có cặp bài trùng Morgan - Wambach đang ghi bàn như chẻ tre, đặc biệt là Wambach trận nào cũng có bàn thắng. Trong khi ấy, Nhật không có tay săn bàn chủ lực do cặp Aya Miyama - Homare Sawa từng làm mưa, làm gió tại Giải VĐTG 2011 đã có phần sa sút. Vì thế, nếu thủ môn Miho Fukumoto không duy trì được phong độ đỉnh cao như ở trận thắng Pháp 2-1, Nhật khó có thể lặp lại chiến thắng Mỹ như ở trận chung kết World Cup cách nay một năm 23 ngày.

Quà an ủi cho Sinclair và Tancredi

Ở trận tranh hạng Ba, Pháp đang được đánh giá cao hơn, đơn giản vì họ thường thắng Canada trong những lần so giày gần đây. Tiền đạo Eugenie Le Sommer đã khẳng định điều đó khi cho biết: “Lần gần nhất chúng tôi gặp Canada là ở trận chung kết Cyprus Women’s Cup, khi Pháp thắng 2-0. Chúng tôi cũng đã thắng Canada 4-0 ở World Cup 2011. Vì thế, Canada có thể xem là đội bóng sợ lối chơi của Pháp, còn chúng tôi rất tự tin khi đối đầu với họ, không như lúc gặp Nhật”.

Tuy nhiên, các học trò của HLV Bruno Bini có lẽ cần lưu ý rằng ở bán kết, Canada suýt chút nữa đã đá bại Mỹ, người láng giềng hùng mạnh mà đội tuyển vùng Bắc Mỹ này chưa bao giờ thắng nổi. Điều đó chứng tỏ Canada hiện nay có đủ khả năng viết lại lịch sử trước bất kỳ đối thủ nào, đặc biệt là khi họ có cặp bài trùng Christine Sinclair và Melissa Tancredi đang ở đỉnh cao phong độ. Trong 11 bàn thắng của Canada ở Olympic 2012, Sinclair đã ghi tới 6 bàn, 4 trên 5 bàn còn lại thuộc về Tancredi. Xét về phương diện này, Pháp xem ra không sánh bằng Canada, không chỉ vì đại diệncủa châu Âu đã bỏ lỡ một loạt cơ hội tốt đủ để giúp họ lật ngược tình thế ở bán kết. Bởi dù ghi được 11 bàn thắng nhưng Pháp không có tuyển thủ nào ghi được nhiều hơn 2 bàn ở London 2012.

Thiếu một tay săn bàn đáng tin cậy, Pháp nhiều khả năng sẽ phải nuốt hận trước Canada trong trận đấu mà Sinclair rất có thể sẽ tìm cách trút giận sau trận bán kết, khi cô lập được cú hat-trick mà đội nhà vẫn thua.

Lịch thi đấu

Thứ Năm, 9/8/2012
19g00: Pháp - Canada
Thứ Sáu, 10/8/2012
01g45: Mỹ - Nhật

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục