Nếu Hồng Sơn ở Brazil...

12:50 Thứ năm 13/09/2012

Ngay trước thềm SEA Games 21, HLV Dido đã đưa ra một quyết định gây sốc khi loại bộ đôi tài năng trẻ của bóng đá VN thời điểm đó là Văn Quyến và Ánh Cường với lý do là vô kỷ luật. "Không ai không thể thay thế" chính là triết lý kỷ luật nổi tiếng của ông.

Trước khi rời VN, HLV Dido để lại câu nói bất hủ về tiền vệ của Thể Công: “Nếu Hồng Sơn được sinh ra ở Brazil, cậu ấy đủ khả năng trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới”.

HLV Alfred Riedl cũng để lại câu nói nổi tiếng: “Bóng đá VN đang xây nhà từ nóc”!

Cả làng bỏ bê đào tạo trẻ

Còn rất nhiều phát ngôn đáng nhớ nữa về bóng đá ta của các vị thầy ngoại đã từng đến và làm việc trên mảnh đất hình chữ S. Mẫu số chung vẫn là, quy trình làm bóng đá ở ta chẳng giống ai, chỉ chăm phần ngọn, bỏ phần gốc.

Bắt đầu từ VFF. Lâu nay sự hỗ trợ của FIFA cho công việc phát triển bóng đá trẻ là rất lớn, điển hình là dự án Goal mà FIFA đã thực hiện từ năm 2001. Ngày Chủ tịch FIFA Sepp Blatter sang thăm và đá quả bóng tượng trưng trên mặt sân cỏ nhân tạo thuộc loại tốt nhất khu vực Đông Nam Á, cũng đánh dấu bước khởi đầu của Trung tâm bóng đá trẻ đầu tiên có quy mô lớn của VFF. Toàn bộ kinh phí xây dựng sân bóng này (400.000 USD) đều do FIFA tài trợ với tiêu chuẩn “2 sao”. Ngoài Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ còn có thêm 3 sân cỏ tự nhiên, 2 khu nhà ở cho VĐV và nhiều hạng mục khác trong khuôn viên 7ha ở Mỹ Đình. Ông Blatter đã lạc quan: “Tôi hy vọng, với trung tâm này, VN sẽ đào tạo được nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng, tạo nền tảng cho ĐTQG VN sau này. Sự vững mạnh của bóng đá VN cũng bắt nguồn từ trung tâm đào tạo này”. Thời gian đã hơn 3 năm, chưa thấy vóc dáng và sản phẩm nào có chất lượng từ Trung tâm bóng đá trẻ hoành tráng trên.

Giờ đây, VFF đang chờ VPF sẽ chuyển số tiền khoảng 11 tỷ đồng đầu tư cho đào tạo trẻ. Với số tiền tương đối nhiều trên, liệu có giúp được chút gì cho công tác đào tạo trẻ của VFF? Nghe thì tích cực nhưng có vẻ mơ hồ.

Sau khi Hồng Sơn giải nghệ, bóng đá VN vẫn chưa tìm được một cầu thủ nào có những phẩm chất tương tự anh, chứ chưa nói tới chuyện xuất sắc hơn anh. Ảnh: VSI

VFF là thế, đào tạo trẻ tại các CLB chuyên nghiệp hiện nay cũng không được chú trọng. Nhiều đội thuộc dạng đại gia thì không có tuyến trẻ, hoặc có cũng làm theo kiểu chiếu lệ. Để tìm một CLB thực sự đầu tư tiền bạc, cơ sở vật chất, các phương tiện hỗ trợ, thầy giỏi, giáo trình tiên tiến…không phải VFF, mà là một tư nhân: HA.GL của bầu Đức.

Ở đó, các cầu thủ nhí có được một môi trường lý tưởng mà các đồng nghiệp trang lứa ở các CLB khác có nằm mơ cũng không có. Những đôi chân trần phải đến thời gian quy định mới được đi giày ra sân, việc học văn hóa được chú trọng. Ít ra không thành thân thì cũng thành nhân.

Nền bóng đá lạc hậu chưa có điểm dừng

Trở lại nhận xét của HLV Dido về kỳ tài chơi bóng của danh thủ Hồng Sơn, anh không phải là trường hợp cá biệt, và duy nhất có tư chất để trở thành một cầu thủ tài năng vượt ra khỏi phạm vi ao làng. Gần 90 triệu dân, nếu làm tốt công tác phát hiện đầu vào, chắc chắn sẽ không thiếu “dị nhân” bóng đá. Tuy vậy, để một thần đồng phát triển cực đại, có thể vẫy vùng trời Âu, sẽ không ai dám đặt cược.

Đơn giản bởi môi trường bóng đá ta chưa thực sự để biến một thần đồng thành một cầu thủ xuất chúng. Đấy là chưa kể rào cản từ chính các tài năng. Môi trường ở đây bao gồm nhiều yếu tố: con người, các phương tiện khoa học kỹ thuật hỗ trợ, chế độ dinh dưỡng, ý thức giáo dục tư tưởng cho cầu thủ, môi trường cọ xát. Tóm lại, môi trường để phát triển bóng đá ta còn quá nghiệp dư, khó có thể chắp cánh cho các tài năng bóng đá phát triển vượt giới hạn các thế hệ đàn anh, đàn chú lâu nay. Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều có thể bùng nổ ở đâu, nhưng cứ về V-League là tịt như pháo bị ngâm nước.

Khi chúng ta đang bơi trong nền văn hóa bóng đá thấp, chẳng còn cách nào khác là nhập khẩu thầy giỏi, tranh thủ lực lượng cầu thủ Việt kiều, hoặc cho quân đi du học để học hỏi tinh hoa của các nền bóng đá tiên tiến. Chỉ cần nhìn Thái Sung thi đấu, sẽ thấy sự khác biệt rất lớn với đồng đội của anh, lâu nay phải hít thở từ các lò đào tạo nội địa. Những chuyến học tập ngắn ngày của một số HLV nội, cũng vỡ vạc ra rất nhiều vấn đề bổ ích cho sư nghiệp huấn luyện.

Với bao năm chỉ có một lần vô địch đấu trường AFF Suzuki Cup, chỉ một lần vô địch SEA Games cách đây hơn nửa thế kỷ, rõ ràng nền bóng đá ta quá lạc hậu. Trong bối cảnh đó, giấc mơ sản sinh những cầu thủ có thể xuất khẩu là quá xa xỉ.

Bóng đá ta sẽ còn tiếp tục trả giá vì cái phần gốc đã lung lay thời gian quá dài.

Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục