Lăng kính: 1 trận đấu, 2 số phận

09:38 Thứ năm 26/07/2012

Rất dễ để tìm ra đội tuyển bóng đá nam nổi tiếng nhất của kỳ Olympic London 2012. Đó là Brazil, chẳng nghi ngờ gì hết. Với Pato, Neymar, Hulk, Marcelo, Silva… những danh thủ thuộc hàng nổi tiếng nhất hành tinh, họ được coi là ứng cử viên số 1 cho chiếc HCV. Nhưng để đi tìm đội tuyển đặc biệt nhất của Olympic, lại có một ứng cử viên khác: Ai Cập, đối thủ của Brazil trong trận ra quân.

1. Đội tuyển Olympic Ai Cập được xây dựng từ… hai cầu thủ thuộc biên chế các CLB châu Âu và 21 người đang “thi đấu” ở giải quốc nội. Chữ “thi đấu” có đóng mở ngoặc kép, bởi suốt từ tháng 2 tới nay, sau vụ bạo loạn kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 70 người trong một trận đấu bóng đá tại Port Said, giải VĐQG nước này đã bị hoãn vô thời hạn.

Không đội tuyển bóng đá nam nào trong số 16 đội dự Olympic năm nay đến từ một quốc gia trải qua nhiều bất ổn trong hơn một năm qua như Ai Cập. Bất ổn chính trị triền miên, bạo lực khắp nơi, kinh tế suy thoái và “trắng thể thao”, những VĐV nước này đến Olympic trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khó.

VĐV Yomna Khallaf của đội tuyển bơi nghệ thuật Ai Cập thậm chí còn tiết lộ cô phải sử dụng những món đồ Nike “nhái” trong kỳ Olympic này. Mỗi VĐV phải đóng thêm 2.000 bảng Ai Cập (tương đương 6 triệu đồng) để mua đồ, thế mà phải dùng những chiếc túi “có logo Nike to đùng phía trước nhưng phéc-mơ-tuya lại có biểu tượng của Adidas”.

2. Những VĐV Ai Cập đến London trong một hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhiệm vụ của họ lại rất quan trọng. Đặc biệt là đội tuyển bóng đá nam.

“Những gì xảy ra ở Port Said là thảm kịch, nhưng tất cả mọi người đều cần động lực để đi tiếp. Chúng tôi sẽ đón nhận sự tiêu cực và biến nó thành tích cực” - Mohamed Aboutrika, đội trưởng của Olympic Ai Cập và là một người đã có mặt tại Port Said trong ngày tháng 2 kinh hoàng kia tuyên bố. Họ phải dùng chính bóng đá để xoa dịu vết thương của bóng đá.

Không hề dễ dàng. Ai Cập vốn không phải một nền bóng đá mạnh ở tầm thế giới. Đội tuyển của HLV Hany Ramzy thậm chí không thể đá bóng trên đất Ai Cập. Phải đến gần đây, họ mới được tổ chức các trận giao hữu trên sân không có khán giả.

Sự khó khăn được cụ thể hóa bằng thất bại của ĐTQG. Lần đầu tiên kể từ năm 1968, họ vắng mặt tại 2 VCK CAN liên tiếp sau khi bị loại ở Trung Phi. Loạt trận đó, Ai Cập cũng phải đá trận sân nhà trên sân không có khán giả.

Và chính thất bại của ĐTQG Ai Cập khiến nhiệm vụ của đội tuyển Olympic nặng nề hơn. “Đây là cơ hội thứ hai để chúng tôi lấy lại niềm tự hào” - HLV Ramzy nói.

3. Trận đấu giữa Brazil và Ai Cập sẽ là trận đấu của 2 số phận. Brazil không quá giàu có, nhưng họ hùng mạnh. Trong những chiếc áo Nike “xịn” màu vàng-xanh là những cầu thủ trẻ nổi tiếng nhất, được nuôi dưỡng và trọng vọng trong những môi trường tốt nhất. Phía bên kia, những chàng trai đã không được chơi bóng cho đàng hoàng suốt nửa năm. “Đàng hoàng” ở đây chỉ là thi đấu thường xuyên, trên sân bóng có khán giả.

Quyền tối thiểu của một VĐV chuyên nghiệp, họ cũng không có.

Cái vị thế hùng mạnh của Brazil cũng khiến họ có nhiều điều để mất. Nhưng dường như nó không thể so sánh với khát vọng của những người Ai Cập trong buổi loạn lạc hôm nay.

Chỉ tiếc là trong bóng đá, không có luật cộng điểm cho thí sinh từ vùng miền khó khăn như thi đại học. Trên sân, tất cả sẽ công bằng, và Ai Cập có thể vẫn sẽ là miếng mồi ngon cho Brazil.

Hoài Đức | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục