Kienlongbank Kiên Giang mòn mỏi chờ...tiền

14:12 Thứ ba 13/11/2012

Kế hoạch tài chính và kế hoạch nhân sự đã có, nhưng tất cả những kế hoạch đó đến giờ vẫn cứ nằm trên giấy vì đội bóng miền Tây Nam bộ đang vướn bài toán hóc búa nhất: kinh phí.

Cách nay vài tuần có thông tin Kiên Giang chuẩn bị cho mùa giải mới với kinh phí dự trù lên đến 45 tỷ đồng. Đấy là con số không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cho đến giới đấy vẫn chỉ mới là phần dự trù, còn thực tế thì tiền vẫn chưa đến với đội bóng và nhà tài trợ cũng chưa biết có còn ở lại với bóng đá Kiên Giang hay không?

Tương lai của K. Kiên Giang hiện tại cũng khá bất an

Trong số 45 tỷ đồng nói trên, hơn một nửa sẽ đến từ nhà tài trợ, nhưng ngặt nỗi là ngay cả những người làm bóng đá Kiên Giang lúc này cũng chưa thể nói chắc họ có tiếp tục được tài trợ trong mùa bóng mới.

Thế nên, khi mà hợp đồng chính thức với nhà tài trợ vẫn chưa được ký, tiền vẫn chưa được rót, Kiên Giang đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc tăng cường lực lượng.

Sau một thời gian thử việc, HLV Lai Hồng Vân tỏ ra khá hài lòng với những cái tên như Ngọc Hùng, Chí Hùng, Niệm Tiến, Hoàng Hà… Một vài cái tên khác cũng đang nằm trong đầu ông Vân, nhằm bổ sung cho sức mạnh của đội bóng.

Những cầu thủ này chưa phải thuộc loại đắt giá trong làng cầu nội, nhưng với hoàn cảnh hiện giờ, họ vẫn được xem là phù hợp với Kiên Giang. Bản thân HLV Lai Hồng Vân nhanh chóng muốn các bản hợp đồng trên được ký kết, để ông yên tâm chuẩn bị cho mùa giải mới.

Nhưng do không có nguồn tiền dồi dào, nên chuyện lấy người của đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay vẫn tắt.

Nguồn tiền từ ngân sách dành cho bóng đá Kiên Giang chỉ đủ cho đội này ăn, nghỉ, di chuyển, trả lương cho các cầu thủ. Riêng các khoản lót tay khi ký hợp đồng mới được dự kiến sẽ đến từ nguồn của các nhà tài trợ. Một khi chưa có khoản này, Kiên Giang chưa thể lấy người.

Ngặt một nỗi, so với nhiều đội khác, Kiên Giang không có nguồn cầu thủ nội tại do chính địa phương đào tạo. Lực lượng của họ chủ yếu được tập hợp từ nhiều nơi, nên khoản tiền dành cho việc lấy người vì thế cũng được đội lên.

Những đội bóng lân cận Kiên Giang như CS.Đồng Tháp, An Giang hay Cần Thơ cũng chẳng thuộc loại giàu có, nhưng nhờ có hệ thống đào tạo tương đối ổn, nên những đội này không đến mức mỗi mùa tốn hàng chục tỷ đồng cho việc tuyển người như Kiên Giang.

Xa hơn một chút, SL Nghệ An cũng từng có lúc khốn khổ vì chuyện tiền giống Kiên Giang, thời điểm mà họ chưa tìm được tiếng nói chung với nhà tài trợ ngân hàng Bắc Á. Tuy nhiên, ngay cả ở thời điểm ấy thì người ta vẫn tin rằng đội bóng xứ Nghệ vẫn đủ sức tồn tại ở giải đấu khắc nghiệt nhất nước, bởi đơn giản SL Nghệ An có hệ thống cầu thủ rất quy củ, đủ sức giúp họ luôn đủ người để đá.

Với Kiên Giang thì khác, nếu tình cảnh này còn kéo dài, chưa chắc Kiên Giang có đủ người để tham dự V-League 2013. Hoặc có người thì cũng chưa chắc đủ trình độ để chơi ở hạng đấu cao nhất bóng đá nội.

HLV Lai Hồng Vân trước giờ vẫn nổi tiếng với tài liệu cơm, gắp mắm. Ông Vân có thể biến một tập thể gồm nhiều cầu thủ xoàng xỉnh thành một tập hợp gắn kết. Nhưng để làm được điều đó, chí ít vị HLV vốn nổi tiếng chịu khó này cũng cần phải có bột, mới mong gột nên hồ.

Giờ, ngay cả bột ông còn chưa biết mình có đủ hay không thì thật khó cho ông Vân trong việc làm công tác chuyên môn.

Bản thân ông Lai Hồng Vân rất muốn làm nghiêm túc, chuẩn bị kỹ cả về mặt nhân sự lẫn các công tác hậu cần cho đội ở mùa thứ 2 Kiên Giang tham dự V-League. Bản thân những người làm bóng đá Kiên Giang cũng muốn tạo điệu kiện tốt cho ông Vân thực hiện phần việc của mình.

Ngặt nỗi, những người làm bóng đá Kiên Giang dù không thiếu nhiệt huyết nhưng vẫn phải đối diện với cảnh cái khó bó cái khôn, hầu hết những kế hoạch của họ hiện đang bị ách lại, vì vướng thủ tục… đầu tiên.
Kim Điền | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục