Hãy xem giải châu Á như một... giải giao hữu

00:37 Thứ năm 28/12/2017

TinTheThao.com.vnĐiểm yếu của bóng đá Việt thì nhiều, nhưng yếu tố tâm lý luôn là một thứ được đưa lên đầu trong “danh sách”. Loại bỏ điểm yếu này là không thể trong ngày một ngày hai.

Khi HLV Hữu Thắng còn dẫn dắt các đội tuyển, có nhiều người nói vui là tên ông như vậy nên “vận” vào đội bóng, cứ mỗi khi đá giao hữu là sẽ thắng. Đó là câu chuyện vui, nhưng nó cũng phản ánh một sự thật, chúng ta đá giao hữu thường là thắng nhiều hơn so với khi vào giải chính thức. Điều này ngoài những lý do như đối thủ yếu, đối thủ không đá “thật”,... thì còn một điểm quan trọng nữa, đó là tâm lý các cầu thủ khi đá giao hữu sẽ thoải mái hơn so với đá giải. Họ ít sợ thua, ít sợ bị chửi bới, chỉ trích và không có áp lực thành tích nên thông thoáng được cái đầu và “nhẹ gánh” đôi chân.

 - Bóng Đá

 Các đội tuyển Việt Nam thường có kết quả tốtp ở các trận đấu giao hữu.

Điểm yếu tâm lý là một thứ hầu như luôn hiện diện trong những thất bại của đội tuyển Việt Nam, không chỉ ở bóng đá nam, mà ngay cả bóng đá nữ hay Futsal cũng đều bắt gặp. Và để gỡ bỏ nó đi, không hề là chuyện đơn giản. Nền bóng đá của chúng ta những năm gần đây mới chú trọng nhiều đến đào tạo trẻ, với những lò đào tạo theo chuẩn hiện đại. Đó mới chỉ là ở khía cạnh kỹ, chiến thuật mà tận bây giờ chúng ta mới quan tâm, thì câu chuyện về những gánh nặng tâm lý cầu thủ phải chịu đựng, đến bao giờ mới trở thành đề tài đáng bàn của bóng đá nước nhà xem chừng vẫn còn quá xa vời.

Ở nước Anh, Raheem Sterling được xem như một thần đồng, nổi danh khi còn quá trẻ và rồi trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích mỗi khi phong độ không tốt. Chuyện Sterling phải nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý không có gì là bí mật, và đến giờ anh vẫn phát triển, trở thành một cầu thủ đáng xem trong đội hình M.C cũng một phần là nhờ gánh nặng tâm lý được giải quyết. Còn ở Việt Nam thì sao, các “ngôi sao” trẻ nổi lên không ít, hứng chịu “búa rìu” của dư luận cũng không ít, và có ai trong số họ được sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý hay không? Không có tin tức gì về việc đó cả, và thực sự cũng có mấy người quan tâm, hay chỉ nghĩ rằng “đá kém thì chấp nhận nghe chửi”?

 - Bóng Đá

 Nhưng lại hay phạm sai lầm ở các trận đấu quan trọng.

Quay trở lại với VCK U23 châu Á. Có lẽ với một nền bóng đá như nước ta, khi mà sự tác động của yếu tố tâm lý đến thành tích thi đấu của cầu thủ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thì tốt nhất đừng gây áp lực lên cầu thủ. Ở VCK U23 châu Á, chúng ta gặp toàn những đội chiếu trên, việc vào sâu đã là chuyện không tưởng chứ đừng nói đến danh hiệu. Đừng nghĩ rằng Việt Nam khéo léo, linh hoạt, phối hợp tốt thì có thể thắng những đối thủ cao to, ưa dùng thể lực, trận thua U23 Uzbekistan ở giải giao hữu M-150 Cup vừa qua là một minh chứng, khi họ thi đấu có vẻ đơn giản nhưng vẫn nhẹ nhàng thắng chúng ta mà không tốn quá nhiều sức. Khi bước vào giải chính thức, các đội bóng đá chắc chân hơn thì cơ hội của U23 Việt Nam lại càng giảm xuống.

Thế cho nên, thay vì mơ mộng hay đặt một mục tiêu nào đó cụ thể, hãy cứ xem như đây chỉ là một giải giao hữu, tập dượt cho các cầu thủ trong vài tháng nữa sẽ là nòng cốt của ĐTQG đi đá AFF Cup 2018, biết đâu như thế lại tốt hơn cho tất cả mọi người.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn - TTVN | 23:45 27/12/2017
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục