Ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam: Ít người mặn mà

13:03 Chủ nhật 16/12/2012

Việc được chọn làm HLV trưởng ĐTQG là niềm vinh dự lớn đối với các HLV nội. Tuy thế, trong thời buổi khủng hoảng như hiện nay, có vẻ như các HLV "có chất" đều tỏ ra không mặn mà với vinh dự đó. Có lẽ, không ít cầu thủ cũng mang tâm lý đó. Chính Minh Phương cũng đã từ chối lên tuyển, dù anh vẫn hoàn toàn tự tin đá còn hay hơn khối tuyển thủ trong đội…

Nhiều cầu thủ của ĐT Việt Nam bị ngoại cảnh chi phối, ảnh hưởng đến phong độ thi đấu tại AFF Cup 2012. Ảnh: Lê Vinh

1. Cho đến thời điểm này, các thành viên trong BHL vẫn chưa tiêu hóa hết nỗi buồn, thậm chí là sốc. Thất bại tại AFF Cup, một giải đấu mà họ đều rất kỳ vọng, dĩ nhiên là quá sốc.

Tuy thế, còn một nỗi đau khác, đấy là việc mổ xẻ thất bại, vẫn còn gì đó lợn cợn, chưa đàng hoàng để rồi BHL chưa được chia sẻ đúng nghĩa. Chính giới cầu thủ cũng ấm ức, bởi bỗng dưng có nghi án bản danh sách đen. Trong một cuộc trao đổi gần đây, chúng tôi hỏi một thành viên an ninh của đội (xin được giấu tên) một câu rất thật: “Anh có khẳng định đã kiểm soát được cái đầu cầu thủ mình, để không ai có thể “bị chích” không? Rõ ràng, trạng thái tâm lý cầu thủ ta rất yếu”. Anh trả lời: “Lần này, công tác an ninh cho đội tuyển có thể nói là tốt. Còn tinh thần cầu thủ không tốt có lẽ do những khó khăn chung ở CLB là căn bản”.

Chính những khó khăn trên diện rộng của bóng đá nội đã tác động lớn đến tâm lý thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Chúng ta lại không có những chuyên gia tâm lý để đả thông cái đầu cho cầu thủ, đến giờ lâm trận nhưng hồn vía còn treo ngược nơi CLB. Hay nói cách khác, nhiệm vụ đó ngoài BHL, vai trò của Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng và Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung rất quan trọng. Nếu bóng đá nước nhà tiếp tục chưa thoát ra khỏi khó khăn, chắc chắn các tuyển thủ còn bị trạng thái tâm lý đè nặng. Nói thế mới lo cho SEA Games năm tới, khi các tuyển thủ còn trẻ tuổi, việc giúp họ có được bản lĩnh vững vàng là chuyện không đơn giản. Các ĐTQG có vũ khí nổi trội là tinh thần, khi vũ khí đó không được phát huy thì thất bại là khó tránh khỏi.

Trở lại nỗi niềm của các HLV nội, dư chấn mà họ phải nhận là cực lớn. Nếu là một HLV nước ngoài, sẽ dễ dàng khi đưa ra một quyết định sa thải, ông ta sẽ xách va li về nước. Còn thầy nội, cuộc sống, danh dự của họ gắn chặt bóng đá nội. Đấy mới là nguyên nhân chính, để các HLV ta lâu nay chỉ thích đóng thế, hoặc làm phó tướng.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ mới đây nhận xét: “Thời điểm này, ai ngồi vào ghế chủ tịch VFF không những phải có tài, tâm huyết mà còn cần cả bản lĩnh và dũng cảm nữa”. Đúng thế, thời điểm này, không chỉ cái ghế Chủ tịch VFF, ghế HLV trưởng ĐTQG không phải ai cũng có “gan” ngồi. Tất cả những HLV có năng lực, đều đang có công ăn việc làm (vả cả thu nhập) quá ổn ở CLB chủ quản. Họ có dám đánh đổi cái danh bằng sự mạo hiểm, khi những lỗi hệ thống của cả nền bóng đá vẫn còn đó?! Có nghĩa, xác suất thành công là không cao.

2. Để giúp cho HLV nội mặn mà khi được tiến cử, ngoài những hỗ trợ khách quan, về chủ quan VFF vẫn phải thể hiện được sự tôn trọng, cầu thị và chung lưng đấu cật đúng nghĩa, kể cả khi thất bại. Chính thái độ sau thất bại sẽ lộ ra những vấn đề trong quan hệ ứng xử giữa VFF với thầy nội.

Thời gian vẫn còn quá đủ để chọn HLV cho các ĐTQG, kể cả cho SEA Games cuối năm. Những người có trách nhiệm với nền bóng đá nếu thể hiện mình là những “quý ông”, thì lo gì các HLV nội có trình độ không xung phong lên tuyển.

Đừng để cho HLV nội, thay vì vinh dự khi lên tuyển, lại bị ám ảnh đủ vấn đề phi chuyên môn.
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục