Gerardo Martino là ai?

12:35 Thứ tư 24/07/2013

Năm ngoái, Barca đã nói lời chia tay với Pep Guardiola, HLV xuất sắc nhất trong lịch sử 113 năm tồn tại. Năm nay, họ quyết định bỏ qua Marcelo Bielsa, người thầy của Pep và có lúc đã là mục tiêu số 1 cho ghế nóng ở Nou Camp. Nhưng triết lý bóng đá của người Catalan sẽ không vì thế mà bị đứt đoạn, bởi người được chọn để chèo lái con thuyền Barca là một sự pha trộn hoàn hảo giữa Guardiola và Bielsa.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Xin chào thế giới, đây là “Guardielsa”

Chưa từng dẫn dắt đội bóng nào ở châu Âu và mới chỉ khoác áo Tenerife tổng cộng 15 trận (năm 1991), về mặt danh nghĩa thì Gerardo Martino chẳng có liên hệ gì nhiều với bóng đá lục địa già. Nhưng có thực là BLĐ Barcelona sẵn sàng phiêu lưu đến mức bổ nhiệm một gương mặt hoàn toàn xa lạ vào chiếc ghế nóng ở Nou Camp, vị trí cho phép người ta quản lý cả Messi, Xavi, Iniesta cùng một lúc, vị trí căng thẳng và nhiều áp lực đến nỗi vắt kiệt Pep Guardiola về cả thể chất (râu tóc ông đã lốm đốm bạc dù mới ngoài 40 tuổi) lẫn tinh thần (Pep thừa nhận mình đã kiệt quệ ý tưởng và cần thời gian nghỉ ngơi) chỉ sau vài năm? Tất nhiên, chúng ta không thể biết chính xác Sandro Rosell và các cộng sự đang nghĩ gì, nhưng quyết định lựa chọn Martino chắc chắn không phải là điều phi logic. Tạm bỏ qua mối quan hệ thân thiết giữa Lionel Messi với Martino (chính xác hơn là với trợ lý Adrian Coria – người từng huấn luyện Leo ở đội trẻ Newell’s Old Boys), thì “Tata” vẫn sở hữu không ít điểm chung với triết lý bóng đá của Barca hiện tại. Nên nhớ, với Barca thì hệ tư tưởng quan trọng hơn thành tích: trước khi đến đây, kinh nghiệm huấn luyện duy nhất của Frank Rijkaard là đưa Sparta Rotterdam… xuống hạng, Pep Guardiola mới có một năm dẫn dắt đội B còn Tito Vilanova cũng không thể giúp Palafrugell (bạn đã nghe tên đội bóng này bao giờ chưa?) trụ lại giải hạng Ba TBN.

Người đóng thế tròn vai nhất

Triết lý của Barca có gốc rễ từ phong cách bóng đá tổng lực “kiểu Hà Lan” của Johan Cruyff, và được Pep Guardiola nâng cấp lên một tầm cao mới với lối chơi tiqui-taca lừng lẫy. Nhưng, hãy đi hơi xa một chút, một người đã dành gần như trọn vẹn sự nghiệp ở sân Nou Camp (cũng có nghĩa là ít va chạm với các hệ tư tưởng bóng đá khác) như Guardiola thì biết sử dụng chất liệu nào để cải tiến triết lý chơi bóng của Cruyff? Trả lời: những cuộc đàm đạo bất tận với một vài HLV khác, những người mà Pep vô cùng kính trọng. Với Juanma Lillo – người từng huấn luyện Pep trong một thời gian ngắn ở Dorados Sinaloa (Mexico). Với Marcelo Bielsa, người tôn thờ lối chơi pressing cao độ và luôn hướng lên phía trước dựa trên nền tảng giữ bóng chắc, lối đá mà chính Bielsa đã gieo vào đầu Pep. Để tăng cường khả năng cầm bóng, Bielsa đã kéo Gary Medel và Javi Martinez – hai tiền vệ phòng ngự - về chơi trung vệ, và không khó để nhận ra rằng Guardiola đã chịu ảnh hưởng lớn của Bielsea khi nỗ lực làm điều tương tự đối với Javier Mascherano (và ở chừng mực nào đó là Sergio Busquets). Tháng 10/2006, trước khi quyết định bước vào nghiệp HLV, Guardiola thậm chí đã đến tận Argentina (và lái xe 11 tiếng từ Buenos Aires đến Rosario) để nói chuyện với Bielsa suốt đêm và xin lời khuyên. Tóm lại, nếu Barca muốn tìm một sự thay thế gần gũi nhất với kỷ nguyên Pep-Tito thì đó là Bielsa. Dẫn chứng: ngay từ tháng 1/2012, khi vấn đề về sức khỏe của Tito chưa trở nên quá nghiêm trọng, cả Rosell lẫn Messi đều đã bày tỏ mong muốn được nhìn thấy Bielsa tiếp quản ghế HLV của Pep.

Học trò của Bielsa

Vậy tại sao lần này Barca lại không chọn Bielsa, người đang rảnh rỗi sau khi kết thúc hợp đồng với Athletic Bilbao cuối tháng 6 vừa rồi? Vì hai năm làm việc ở xứ Basque đã cho thấy rằng “El Loco” (Gã điên – không phải tự dưng mà ông mang biệt danh ấy) luôn hướng tới một thứ bóng đá quá hoàn mỹ, thứ bóng đá có phần siêu thực và khó có thể được duy trì trong thời gian dài. Ở Bilbao, Bielsa yêu cầu các học trò tổ chức pressing ngay sau khi mất bóng, và một khi giành lại được thì cùng di chuyển ở tốc độ rất cao để tìm khoảng trống. Đó là lối đá có thể biến một đội bóng bình thường thành cỗ máy chiến thắng, như khi Bilbao nghiền nát M.U ở vòng 1/16 Europa League 2011/12. Nhưng đó cũng là lối đá đòi hỏi sức bền cực lớn về cả thể lực lẫn tinh thần: vận động liên tục và tư duy liên tục sẽ nhanh chóng khiến người ta mệt mỏi, và Bilbao đã suy sụp kể từ cuối mùa 2011/12 cho đến tận bây giờ. Bản thân Bielsa cũng thừa nhận rằng ông chỉ có thể triển khai tư duy bóng đá của mình một cách tối ưu nếu các cầu thủ đều là …. robot.

Ông Gerardo Martino - Tân HLV Barcelona

Barca không dùng Bielsa được, nhưng học trò của ông thì có. Martino đã thừa kế gần như trọn vẹn tư duy bóng đá của người thầy cũ (từng đưa Newell’s của tiền vệ Martino đến chức VĐQG Argentina các năm 1991, 1992), nhưng khi vận dụng vào thực tế thì “Tata” có phần linh hoạt hơn. Ông vẫn mang trong mình phong cách cống hiến tiêu biểu của “trường phái Bielsa”, bằng chứng là cái cách mà Newell’s cuốn phăng tất cả trên con đường giành chức VĐ Argentina ở mùa giải vừa kết thúc. Nhưng những năm tháng dẫn dắt ĐT Paraguay cũng đã dạy cho Martino cách chơi bóng thực dụng: ở World Cup 2010, ngay cả Tây Ban Nha hùng mạnh cũng không làm gì nổi Paraguay trong phần lớn thời gian của trận tứ kết và thầy trò Del Bosque suýt nữa đã thua nếu Oscar Cardozo không đá hỏng một quả penalty. Tất nhiên, Martino sẽ không biến Barca thành một Paraguay thứ hai, nhưng có thể tin rằng Messi và các đồng đội sẽ không thể hiện hình ảnh mong manh, dễ vỡ đến đáng sợ như trong hai trận thua Bayern mùa trước (đối với BLĐ Barca, những người vẫn chưa tìm được một trung vệ đẳng cấp để tăng viện cho hàng thủ, thì đó là điều cực kỳ quan trọng). Tính chặt chẽ ấy cũng là một trong những nét đặc trưng nhất của Barca dưới tay Pep: họ có thể tấn công rất đẹp, rất cống hiến nhưng khi cần thì cũng có thể cầm bóng cực kỳ chắc chắn, cầm bóng chỉ để… cầm bóng và không hề trao cho đối thủ một cơ hội tổ chức tấn công.

Phương án chiến thuật cụ thể của Martino như thế nào thì vẫn phải đợi. Nhưng, trừ khi bạn không thán phục đội Barca của những năm tháng hoàng kim vừa qua, thì Martino – Barca là một cuộc hôn nhân đáng để chúng ta mong chờ.

Dù không được giới truyền thông châu Âu nhắc đến nhiều trước đó, Martino không phải là một HLV vô danh. Mới tháng 6 vừa rồi, Real Madrid từng cân nhắc đến việc đưa ông về thay thế Jose Mourinho (nhưng cuối cùng lại chọn Carlo Ancelotti, chủ yếu vì chiến lược gia người Italia rất giàu kinh nghiệm ở Champions League) và trước đó “Tata” cũng đã được liên hệ với ghế HLV trưởng ĐTQG Colombia. Danh sách những đội bóng muốn có được sự phục vụ của Martino còn có cả Santos, nhà vô địch Copa Libertadores 2011.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục