Dư âm V-League 2013 - Lời nguyền quanh chức vô địch

09:25 Chủ nhật 08/09/2013

Mất 10 năm, SLNA mới có thể trở lại với danh hiệu vô địch và mùa bóng vừa qua, họ đã “gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường” bằng cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Như vậy, trong kỷ nguyên V-League, chưa có đội bóng nào 3 lần đoạt chức vô địch bất chấp đấy đều là những cái tên giàu tiềm năng và ổn định bật nhất. Phải chăng, có một lời nguyền?

Cơ hội để SLNA làm nên lịch sử đã trôi qua và với việc họ đang bất lực đứng nhìn các trụ cột ra đi như hiện tại, có lẽ cái cơ hội ấy chưa thể xuất hiện trở lại nhanh chóng. Có vẻ như, SLNA đang chịu lời nguyền của V-League khi các nhà vô địch đều có thể bị rơi vào hố sâu của sự thất bại sau chức vô địch lần thứ 2.

Đầu tiên phải kể đến trường hợp của HAGL. Chiếc HCĐ ở mùa giải 2013 là thành tích đáng kể nhất sau lần vô địch cuối cùng năm 2004. Chín năm qua, chưa bao giờ HAGL bị xem là yếu, là không chịu đầu tư nhưng chẳng hiểu sao, họ càng đá càng sa sút. Các mùa giải 2008-2009, họ còn phải chật vật trụ hạng ở những vòng đấu cuối cùng. Ngay cả mùa giải vừa qua, thành công của HAGL vẫn mang nhiều tính bất ngờ bởi xét trên nhiều góc độ, đây lại là mùa giải có sự chuẩn bị kém nhất trong 9 năm qua.

Chiếc HCĐ ở mùa giải 2013 là thành tích đáng kể nhất của đội bóng phố núi sau lần vô địch cuối cùng năm 2004. Ảnh: Dũng Phương

Kế đến, là ĐTLA, đội bóng từng có một giai đoạn 5 năm ổn định đến mức đáng sợ với 2 chức vô địch, 2 lần á quân và 1 lần về hạng 3. Thế nhưng, ĐTLA đã phải xuống hạng ở mùa 2011. Trở lại V-League nhưng mùa tới, có thể sẽ chẳng còn đội bóng sau khi bầu Thắng tuyên bố sẽ rút lui. Nếu điều đó xảy ra, ĐTLA sẽ tiếp bước của Cảng Sài Gòn, đội duy nhất chỉ có 1 chức vô địch trong kỷ nguyên V-League và nay đã không còn tồn tại.

Nhưng tiêu biểu nhất cho “lời nguyền” là Bình Dương, nhà vô địch của các năm 2007, 2008. Tiêu biểu là bởi vì năm nào B.Bình Dương cũng tràn trề tham vọng vô địch, năm nào họ cũng đầu tư rất nhiều cho lực lượng. Từ khi thăng hạng năm 2005 đến nay, bao giờ B.Bình Dương cũng khởi đầu giải với vị trí ứng viên sáng giá. Thế mà mùa bóng 2013, họ suýt phải rớt hạng và có thành tích kém nhất trong lịch sử non trẻ của mình.

Tóm lại, cứ đội nào vô địch V-League xong, là sẽ bắt đầu chu kỳ đi xuống một cách tồi tệ đến mức khó hiểu.

Tất nhiên, người ta vẫn hi vọng vào sự khác biệt mang tên bầu Hiển. Hai đội bóng được cho là của ông bầu này đều đã thâu được 2 chức vô địch, theo một chu kỳ cũng khá lạ đó là 3 năm một lần. Nhìn suốt V-League hiện tại, khả năng 1 trong 2 đội có chức vô địch thứ 3 là hoàn toàn có thể. Trừ khi…

Đúng, trừ khi “lời nguyền V-League” là có thật. Có rất nhiều lý do để tin vào điều đó. Đầu tiên là sức hấp dẫn của chức vô địch không quá nhiều nếu người ta đã có nó không chỉ 1 mà đến 2 lần. Ngoài danh vị và sự phát triển của thương hiệu tài trợ, vô địch V-League không đem lại quá nhiều điều để tiếp tục theo đuổi. Nó không làm lượng khán giả tăng thêm, nó không giảm bớt chi phí đầu tư, càng không đem lại lợi nhuận trực tiếp từ bóng đá. Kế đến, để vô địch V-League thực sự phải đầu tư rất nhiều. Có nhiều mùa giải, mức đầu tư cho đội vô địch gấp 3 lần đội bóng xuống hạng cùng mùa. Với mức ấy, đâu thể cứ mùa nào cũng cố mà vô địch. Nó khác hẳn việc vô địch bằng nội lực, bằng một thế hệ cầu thủ do mình tạo ra. Có thể nói, chức vô địch V-League được “mua” bằng rất nhiều tiền. Mà đã “mua” bằng tiền thì khi có được, chẳng ai còn muốn “mua” thêm.

Ngay cả với 2 đội bóng của bầu Hiển, lần vô địch sau của cả SHB Đà Nẵng lẫn HN T&T đều có mức đầu tư kém hơn nhiều so với lần đầu. Hoàn cảnh khách quan đóng góp phần lớn vào chức vô địch lần thứ 2. Năm 2012, SHB Đà Nẵng vô địch nhờ HN T&T góp tay còn năm 2013, HN T&T lại được XMXT.SG “giúp” bằng việc bỏ giải. Thế nên, chưa chắc là bầu Hiển đã đầu tư tiếp để có chức vô địch thứ 3 cho mỗi đội.
Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục