Đã đến lúc "Tứ đại gia" tan rã

23:39 Thứ bảy 14/06/2014

(TinTheThao.com.vn) - Cùng với sự sa sút của Andy Murray, phong độ ấn tượng từ Stanislas Wawrinka cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm các tay vợt trẻ, rất có thể “Big 4” (cụm từ chỉ 4 ông lớn của làng quần vợt gồm Roger Federer, Rafael Nadal, Andy Murray và Novak Djokovic) sẽ bị xóa sổ sau khi mùa giải 2014 kết thúc.

Nỗi khiếp sợ một thời

Gần một thập kỷ qua, người hâm mộ quần vợt trên toàn thế giới đã quá quen thuộc với hình ảnh những Federer, Nadal, Djokovic và Murray thay nhau nâng cúp. Tính đến hết năm 2013, chỉ có 2 tay vợt từng cắt ngang mạch thắng của bộ tứ siêu nhiên này tại các giải từ cấp độ ATP 1.000 trở lên, gồm: Juan Martin del Potro (thắng Federer tại Mỹ mở rộng 2009) và David Ferrer (lên ngôi BNP Paribas Masters 2012).

Theo thống kê của Hiệp hội quần vợt nam quốc tế (ATP), thật khó tin là“Big 4” giành đến 42 danh hiệu Masters 1.000 trong vòng 5 năm, từ 2009 đến 2013. Trong đó Nadal và Djokovic dẫn đầu với mỗi người 14 chức vô địch, Federer và Murray xếp ngay sau đó với 7 danh danh hiệu ít hơn.

Big 4 từng là thế lực khó cản của làng quần vợt.

Nhìn lại vài mùa giải trở lại đây, hai kẻ thách thức lớn nhất một thời là David FerrerJuan Martin del Potro vì nhiều lý do đã không đối trọng với “Big 4”. Del Potro sau khi lên ngôi ở Mỹ mở rộng 2009 ở tuổi 21 đến nay vẫn chưa giành thêm bất cứ Grand Slam nào. Thậm chí, chấn thương ở cả tay thuận lẫn tay trái đã khiến ngôi sao người Argentina nhiều lần cấn nhắc đến khả năng giã từ làng banh nỉ.

Trong khi đó, Ferrer sau hơn 10 năm miệt mài cày ải đã có thời điểm chen chân vào được top 3 thế giới. Song anh không phải là mẫu tay vợt có duyên cũng như bản lĩnh khi chạm trán Big 4 ở các trận đánh lớn. 4 lần vào chung kết cấp độ Masters 1000, Ferrer gục ngã đến 3 trong số đó, trước Nadal (Rome Masters, Monte Carlo 2011), Andy Murray (Thượng Hải 2011).

Chấn thương liên miên đã khiến phong độ của del Potro tụt dốc thê thảm.

Danh hiệu lớn duy nhất mà Ferrer có được trong sự nghiệp là BNP Paribas Masters 2012 vẫn chưa thể thuyết phục được những người hâm mộ khó tính nhất. Bởi đó là năm mà Nadal không tham dự, Federer lút lui nhằm chuẩn bị cho ATP World Tour Finals, Murray quá mệt mỏi sau hơn 9 tháng vắt sức cho mục tiêu chinh phục Wimbledon lẫn giành vàng Olympic Luân Đôn. Còn Djokovic, tay vợt Serbia chỉ tham dự “lấy lệ” nhằm đủ điều kiện nhận phần thưởng từ ATP (Theo quy định ATP, tay vợt nào tham dự tối thiểu 8/9 Masters 1000 trong một năm, đồng thời kết thúc mùa giải với ngôi số 1 thế giới sẽ nhận được khoản tiền  lên đến hơn 2 triệu đô la).

Dần dà, sức mạnh và sự thống trị gần như tuyệt đối của “Big 4” khiến giới mộ điệu quần vợt ngày càng phát chán. Và không ít người mong một nhân tố bí ấn nào đó có thể sớm lật đổ được “tứ đại gia” và đưa cán cân cạnh tranh ngôi vương ở các giải đấu trở nên cân bằng hơn.

Tụt dốc thê thảm, Murray sa thải luôn Ivan Lendl

Kết thúc năm 2013, sự thống trị của “Big 4” đã có dấu hiệu lung lay khi Roger Federer rớt xuống tận hạng 6 do trải qua một mùa giải đầy thăng trầm. Trong tình cảnh đó, người ta chỉ mong “tàu tốc hành” có thể sớm tìm lại niềm tin để một lần nữa xác lập lại ưu thế cùng với 3 cái tên còn lại. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn cả là khi FedEx trở lại, nhà đương kim vô địch Wimbledon – Andy Murray lại bất ngờ sa sút không phanh.

Trong khi Andy Murray bất ngờ sa sút không phanh.

Murraykhởi đầu một năm mới theo cách không thể tệ hơn. Nếu thất bại sớm tại Qatar và Australian Open có thể tạm chấp nhận như là một tai nạn nhỏ trong sự nghiệp của tay vợt người Anh, thì đến Indian Wells Masters, sự bất ổn trong lối chơi của anh lộ rõ hơn bao giờ hết.

Ở sân chơi diễn ra trên xứ sở cờ hoa, Murray bị loại ngay ở vòng 4 sau một trận đấu mà anh chơi vô cùng tệ trong set cuối cùng. Vũ khí tinh thần vốn là điểm mạnh đã không còn phát huy hiệu quả đúng lúc. Đến Madrid mới đây, nhà vô địch Wimbledon thậm chí còn thất bại ngay từ vòng 3, trước một Santiago Giraldo vốn chẳng mấy tiếng tăm trong làng quần vợt.

Thật ra, ai cũng có thể nhận thấy rằng Murray sau Wimbledon năm ngoái đã có dấu hiệu bị chững lại. Tuy nhiên, việc bị loại sốc ở gần như tất cả các giải đấu diễn ra trong thời gian vừa rồi mới chính là giọt nước tràn ly khiến tay vợt sinh năm 1987 đưa ra quyết định bước ngoặt: sa thải HLV Ivan Lendl sau hơn 2 năm hợp tác.

Khởi đầu mùa giải bằng hạng 4 thế giới. Tụt 4 hạng sau 1/4 chặng đường đầu tiên. Có thể nói bước trượt dài về phong độ của Murray sẽ còn tiếp diễn nếu anh không sớm tìm lại chính mình. Đặc biệt, khả năng quay về với “Big 4” trong tình hình các tay vợt trẻ như Kei Nishikori, Milos Raonic hay Grigor Dimitrov…đang rất tiến bộ là điều ngày càng xa vời với Murray.

Làn gió mới từ đất Thụy Sỹ

Stanislas Wawrinka không phải là một nhân tố mới, cũng chẳng còn trẻ như lứa đàn em thuộc thế hệ 9x. Sở hữu vũ khí tối thượng là những cú bung trái 1 tay thuộc hàng độc nhất vô nhị làng quần vợt, Wawrinka từng giành chiếc HCV danh giá ở nội dung đôi nam tại Olympic Bắc Kinh năm 2008. Dù vậy, cái bóng quá lớn của đồng hương Roger Federer khiến anh phải sống với một danh xưng khá “an phận” trong suốt 12 năm qua, đó là “tay vợt số 2 Thụy Sỹ”.

Vậy, đâu là điều làm nên sự khác biệt của Wawrinka hiện tại so với chính anh trong quá khứ?

Wawrinka được dự báo là sự thay thế hoàn hảo cho Murray.

Wawrinka chẳng phải là nhân tố mới, đó là sự thật mà không ai có thể phủ nhận. Dẫu vậy, khi tuổi “băm” cận kề, anh mới thật sự để lại nhiều dấu ấn. Dưới bàn tay nhào nặn gần như hoàn hảo cả về tâm lý lẫn kỹ chiến thuật của ông thầy Magnus Norman, Wawrinka dần trở thành một đối trọng thật sự với Big 4.

Thời điểm Wawrinka hạ Nadal tại Australian Open 2014 và mở ra một trang mới trong sự nghiệp cá nhân. Tay vợt người Thụy Sỹ đã đứng trước không ít sức ép lẫn sự kỳ vọng quá lớn từ khán giả quê nhà. Trong đó câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu anh có thể dùng danh hiệu vô địch Grand Slam đầu tiên làm bàn đạp cho những kỳ tích mới, hay lại đi theo “vết xe đổ” “một phút huy hoàng rồi chợt tối” như đàn em Del Potro từng vấp phải 4 năm về trước. Dù vậy, mọi câu hỏi đã được giải đáp ở Monte Carlo, nơi Wawrinka cán đích với chức vô địch.

Ở một sân tầm cỡ với hàng loạt chuyên gia đánh sân đất nện như David Ferrer, Nocolas Almagro lẫn Rafael Nadal, Wawrinka dù với tư cách đương kim vô địch Australian Open cũng chưa bao giờ là ứng viên hàng đầu cho ngôi vương. Song với sự tự tin cao độ, anh xuất sắc đè bẹp Ferrer ở bán kết, rồi Federer tại chung kết để ca vang khúc khải hoàn trên đất Monaco.

Từ vị thế một nhân tố tiềm ẩn và có khả năng gây bất ngờ, Wawrinka của hiện tại đã nhảy lên tận hạng 3 thế giới và luôn là một trong những tên tuổi được dự báo sẽ lên ngôi ở mọi giải đấu mà anh tham gia.

Mấy năm ròng, giới mộ điệu từng phát chán với điệp khúc vô địch liên tục của “Big 4”. Và khi bộ tứ này bắt đầu tan rã, không ít người lại cảm thấy tiếc nuối cho thế hệ vàng một thời của làng quần vợt đã sắp qua đi. Tuy nhiên, nếu Wawrinka tiếp tục vươn lên khẳng định mình và lấp đầy chỗ trống mà Murray để lại, âu đó cũng là điều hoàn toàn xứng đáng.

Đ.N | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục