Chủ tịch và huấn luyện viên : Tôn trọng để thành công

20:21 Chủ nhật 21/06/2015

(TinTheThao.com.vn) - Năm 2002, với lời kêu gọi của Tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso muốn ngôi sao Romario được tham dự World Cup tại Nhật Bản - Hàn Quốc, HLV Luiz Felipe Scolari đáp lại ý rằng ông không can thiệp vào công việc quốc hội của Tổng thống thì Tổng thống cũng không nên yêu cầu ông lựa chọn nhân sự. Mỗi người mỗi việc .

Ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú bỏ tiền ra mua đội bóng. Dù việc mua lại đội bóng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mục đích chính trị, kiếm tiền, yêu môn thể thao vua,… nhưng một khi đã là chủ tịch một CLB thì hầu như ai cũng có xu hướng can thiệp sâu vào chuyên môn đội bóng. Vậy điều đó có lợi hay không lợi cho CLB ?

Một trong những vị chủ tịch nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới là Silvio Berlusconi. Người ta biết đến ông không chỉ là thủ tướng Italia, một tín đồ của môn bóng đá và là chủ tịch uy quyền của AC Milan. Dù xuất thân không liên quan vì tới bóng đá nhưng ngài Berlusconi rất thích can thiệp vào việc lựa chọn nhân sự, đấu pháp trong từng trận đấu. Điều này rõ ràng chẳng mang lại sự dễ chịu cho các HLV.

Nổi tiếng chẳng kém gì Berlusconi là Florentino Perez. Và cũng như Berlusconi, Perez rất hay can dự vào chuyên môn của các HLV tại Real Madrid. Ngay từ những năm đầu triều đại của mình tại Santiago Bernabeu, Perez đã bất chấp sự phản đối của Vicente del Bosque mà bán đi Claude Makelele để mang về những ngôi sao tấn công nổi tiếng. Có thể nói trong hơn thập kỷ qua, Real Madrid có thói quen mua ngôi sao và đội hình mất cân bằng giữa cầu thủ tấn công và phòng ngự cũng xuất phát từ cái uy cùng sở thích của Perez.

Nhưng thành tích không tương xứng với số tiền Real Madrid đã bỏ ra cho thấy Perez không phải lúc nào cũng đúng. Và chính vì tính khí đó mà ông chẳng thể làm việc trong vui vẻ với Vicente del Bosque, Jose Mourinho hay sau này là Carlo Ancelotti.

Đến với bóng đá muộn hơn một chút nhưng Roman Abramovic đã rất nổi danh khi là ông chủ của Chelsea hơn 10 năm qua. Và khi đã có quyền lực trong tay, ngài chủ tịch người Nga muốn các HLV phải nghe lời mình hơn là tôn trọng công việc của họ. Đáng nhớ nhất đó là việc ông quyết mua về bằng được Andriy Shevchenko dù HLV của Chelsea là Jose Mourinho không hề mong muốn. Kết quả sau đó thì ai cũng biết. Cựu tiền đạo của AC Milan mất hút tại Stamford Bridge còn Mourinho cũng phải ra đi năm 2007.

Có lẽ trong giới HLV chẳng ai may mắn như Sir Alex Ferguson và Arsene Wenger. Tại Man United và Arsenal thì cả hai vừa là người huấn luyện (Coach) vừa là nhà quản lý (Manager) với quyền hành tuyệt đối trong huấn luyện, lựa chọn đấu pháp và cả mua bán cầu thủ. Chính nhờ đó cả hai đều có thể mua được những cầu thủ theo ý mình, phù hợp lối chơi chung.

Đó là nền tảng để Man United lẫn Arsenal có sự ổn định và phát triển trong giai đoạn Sir Alex, Wenger làm HLV.

Mỗi con người đều có vị trí và sở trường riêng. Các chủ tịch dù tài giỏi ra sao thì chuyên môn về bóng đá của họ không thể hơn các HLV được. Tương tự, các HLV chắc chắn không có tầm nhìn và tài quản lý, kinh doanh như ông chủ của mình.. Khi họ tôn trọng công việc của nhau và có tiếng nói chung thì đó là tiền đề để xây dựng nên một CLB thành công.

Cát Tường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục