Câu chuyện bóng đá: Hai thái cực

08:28 Thứ ba 21/01/2014

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, và có lẽ ở cả thế giới, một cầu thủ bị loại khỏi đội tuyển vì… chơi xấu đối phương. Đó là tuyển thủ U.19 Hoàng Văn Khánh. Khánh thuộc lò đào tạo SLNA, là một trong hiếm hoi cầu thủ “ngoại đạo” được tập trung cùng tuyển U.19 với nòng cốt là các học viên học viện đào tạo HAGL.

Trong trận thi đấu với Tottenham ở giải tứ hùng quốc tế diễn ra hồi đầu tháng, Khánh đã đốn ngã một cầu thủ đội bạn trong vòng cấm, U.19 Việt Nam chịu quả phạt đền. Kết quả, Việt Nam nhận một bàn thua và cầu thủ bị Khánh đốn ngã đã phải đi nạng.

Mấy ngày qua, khá nhiều ý kiến phân tích, đồng tình cũng như phản đối lý do loại cầu thủ này. Chúng ta không bàn tiếp theo hướng này nữa, bởi dưới góc nhìn khác nhau sẽ có những ý kiến trái chiều. Chuyện cần trao đổi thêm là liệu bóng đá Việt Nam có lại tiếp tục chuyển từ thái cực này sang thái cực khác hay không?

 Hoàng Văn Khánh (số 5). Ảnh: Internet.

Ai cũng thừa nhận V-league và giải hạng nhất luôn chứa đầy những hình ảnh bạo lực. Chính lối đá rắn quá mức cần thiết khiến nhiều cầu thủ liên tục bị chấn thương, không ít tài năng không thể giữ được phong độ hoặc phải rời xa sân cỏ vì bị chơi xấu. Lối đá rắn cũng khiến bóng đá mất đi vẻ đẹp phóng khoáng, cầu thủ không còn dám chủ động cầm bóng hoặc sử dụng kỹ thuật cá nhân nữa. Nhiều trận đấu trở nên nát vụn bởi những đường chuyền thiếu chính xác. Đây cũng chính là yếu tố khiến khán giả không còn muốn đến sân bởi ở đó không còn gì để thưởng thức nữa.

Vậy nên khi lối đá đẹp, không cay cú xuất hiện ở các cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo HAGL ra mắt đã tạo nên một sự kiện lớn thu hút dư luận. Ai cũng trầm trồ khen ngợi và đòi hỏi đây phải là tương lai bóng đá Việt Nam. Bầu Đức, từ đó, lại có dịp nói nhiều hơn về đạo đức cầu thủ, trong đó ông phê phán luôn chính CLB của mình là HAGL đang chơi ở V-league. Nhưng coi chừng xu hướng này đi quá xa sẽ biến sân cỏ thành một nơi để người ta… rao giảng về đạo đức mà quên rằng ở đó cũng là những cầu thủ với đầy đủ cảm xúc thi đấu như bao cầu thủ khác.

Đó chính là dấu hiệu một thái cực khác đã xuất hiện, nhưng xét kỹ thì nó không hợp lý. Yếu tố “đạo đức” đã bị người ta đánh đồng với “phạm lỗi” qua việc xử lý cầu thủ Hoàng Văn Khánh. Trong bóng đá, FIFA đã ban hành những điều luật để xử lý những hành vi phạm lỗi từ nhẹ đến nặng, nhưng tuyệt nhiên không hề quy kết hành vi phạm lỗi đó liên quan đến đạo đức cầu thủ. Vậy mới có chuyện những siêu sao bóng đá, được tôn là vua như Pele, hay hoàng đế như Beckenbauer cũng không khỏi có những lần phạm lỗi với đối phương trong thi đấu.

Vậy nên, nếu đi quá xa trong vấn đề này, bóng đá sẽ không còn là bóng đá nữa. Một cầu thủ bị loại khỏi đội tuyển vì lý do chuyên môn hoặc vấn đề đạo đức là chuyện bình thường và cần thiết, nhưng nếu loại vì “phạm lỗi” trong thi đấu sẽ khiến cho mọi người nghĩ rằng “có vấn đề” phía sau quyết định này. Và nếu VFF đồng thuận thì bóng đá Việt Nam lại chuyển sang một thái cực khác mà không có gì chính đáng.

Phương Nam | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục