Cần lắm những cú hích

14:40 Chủ nhật 24/08/2014

Rốt cuộc, thể thao Việt Nam chia tay Olympic trẻ lần 2 với 1 HCV và 1 HCB, kém hơn kỳ Á vận hội trước 1 tấm HCĐ. Có điểm khác biệt là kỳ này, nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giúp bơi lội thắng thế, trong khi hình ảnh chiến thắng của 4 năm trước thuộc về môn cử tạ (lực sĩ Thạch Kim Tuấn đoạt HCV).

Có 2 tâm trạng trái ngược sau khi đoàn Việt Nam rời thành phố Nam Kinh, nửa mừng và nửa lo. Mừng vì niềm hy vọng vàng Nguyễn Thị Ánh Viên đã thể hiện được tài năng, mừng vì lực sĩ Nguyễn Trần Anh Tuấn (dù chỉ đoạt HCB) chính thức trở thành người “giữ lửa” cho hạng cân 56kg được coi như thế mạnh của cử tạ Việt Nam.

Nhưng nỗi lo cũng xuất hiện từ sau chiến thắng của 2 gương mặt trẻ này. Ánh Viên vẫn cần trau dồi thêm bản lĩnh trận mạc, đặc biệt là cách tính toán chiến thuật thi đấu cùng HLV của mình. Ngày ra quân, Ánh Viên đoạt HCV đầy ấn tượng, nhưng sau đó, có lẽ vì cùng HLV tính toán thiệt hơn, nên thất bại liên tiếp ở các nội dung bơi tiếp theo. Đỉnh điểm là cô chỉ về đích ở vị trí thứ 4 nội dung 800m tự do nữ - nội dung được chính Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn đặt niềm tin chiến thắng rất lớn.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

Tốc độ vốn chưa phải là điểm mạnh nhất của Ánh Viên - mạnh ở các cuộc đua sở trường của các nội dung 200m, 400m hỗn hợp cá nhân hoặc có thể là 800m tự do, trong khi rất khó để cô tranh đoạt thành tích ở các cự ly tốc độ 50m hoặc 100m, kể cả ở các kiểu bơi sở trường như bơi ngửa, bơi tự do.

Trường hợp của lực sĩ Nguyễn Trần Anh Tuấn cũng không khác mấy. Cách đánh giá đối thủ có phần chủ quan của Ban huấn luyện (cơ bản là vì cử tạ luôn thiếu thông tin về các đối thủ) đã khiến Anh Tuấn chấp nhận thua toàn diện ở cuộc đua lên đỉnh Olympic trẻ lần này trước lực sĩ Meng Cheng của Trung Quốc. Nó khiến giới làm nghề liên tưởng đến thất bại của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008, cũng trước một lực sĩ nước chủ nhà - Long Quinquan - vì mù tịt thông tin về đối thủ nên sự chuẩn bị không chu đáo.

Đấy là chưa kể cả Ánh Viên lẫn Anh Tuấn đều chịu một sức ép vô hình rất lớn, từ sự kỳ vọng của giới chuyên môn, của giới truyền thông lẫn người hâm mộ. Họ còn rất trẻ, bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc chưa được tôi luyện đủ để kiểm soát tình thế. Thế nên khi đụng đối thủ ngang bằng hoặc trội hơn đôi chút về trình độ, họ không đủ khả năng để xoay sở sao cho phù hợp.

Đúng là vẫn cần thêm những cú hích dành cho 2 gương mặt được đánh giá là triển vọng của bơi lội và cử tạ Việt Nam. Nên coi thành công ở Olympic trẻ vừa rồi là cơ sở để ngành TDTT tập trung nguồn lực lớn hơn cho Ánh Viên và Anh Tuấn, thậm chí là tay vợt cầu lông Phạm Cao Cường, VĐV rowing Cao Thị Hảo, võ sĩ taekwondo Nguyễn Thị Thu Thùy...

Hơn 1 năm trở lại đây, họ mới được cử đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Thu hoạch sau đó là một kết quả hài lòng và dĩ nhiên đấy được xem như cách đầu tư đúng hướng. Nhằm giúp các VĐV trẻ đạt đến những tầm cao mới, họ cần được “thả” vào những sân chơi có tính cạnh tranh quyết liệt để tôi luyện. Thi đấu nhiều, thử sức với nhiều VĐV giỏi ở châu Á, châu Âu cũng như thế giới chính là một trong những điều kiện quan trọng nâng bước các tài năng thể thao Việt Nam vươn xa, sớm hiện thực hóa giấc mơ tranh đoạt HCV ở đấu trường Olympic.

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục