Các VĐV gồng mình với giá rét miền Bắc

21:08 Chủ nhật 19/02/2012

Đợt rét lạnh kéo dài hàng tháng qua tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuyện tập luyện của các VĐV. Điều đáng buồn là có những nơi đáng lẽ các VĐV phải được tập luyện trong điều kiện đảm bảo về sức khoẻ, nhưng lại không được đáp ứng.

Khổ nhất là... xuống nước

Từ đầu năm 2012, một loạt các ĐTQG tập trung và trong số này hầu như các VĐV bơi lội, đua thuyền đã phải có mặt ở những trung tâm lớn để tập luyện. Nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc những ngày qua đang xuống thấp và chưa có dấu hiệu ấm lên. Dù vậy, việc tập luyện của các VĐV vẫn phải diễn ra đều đặn mỗi ngày, có chăng là việc các HLV cho nghỉ sớm hơn mọi khi để tránh cảm lạnh. Trong số các đội tuyển, có lẽ khổ nhất là các VĐV liên quan đến... nước. Tại bể bơi Trung tâm thể thao Hà Nội trên phố Trịnh Hoài Đức, tiếng bì bõm của các VĐV trẻ tập luyện nơi đây cùng với những tiếng chỉ đạo của các HLV vẫn vang lên bất kể ngày nào, dù thời tiết có hôm xuống tới 10 độ. May đây là bể có hệ thống làm nước nóng nên các VĐV vẫn chịu được. Dù vậy với nhiều VĐV, việc tập luyện dưới nước thời điểm này chẳng khác nào cực hình. Tất cả phải làm nóng người bằng những bài tập khởi động nhưng cũng khối người chỉ sau vài phút đã phải lên bở ngay vì chuột rút. Thương các học trò nhưng cũng chẳng biết thế nào bởi nếu nghỉ tập lâu, khi tập lại sẽ rất khó tìm lại phong độ. Bể bơi Trịnh Hoài Đức như vậy còn đỡ, các VĐV có thể tập cầm chừng trong một thời gian nhất định, chứ như bể bơi Mỹ Đình, do không có hệ thống làm ấm nước nên các VĐV một là về Trịnh Hoài Đức tập nhờ, hoặc là thực hiện các động tác bơi...trên cạn. Bể bơi thành tích cao Đà Nẵng cũng chung tình cảnh không có nước ấm và các VĐV cũng chỉ biết khởi động và...buôn chuyện. Điều đáng nói là cả bể bơi Mỹ Đình và Đà Nẵng đều là những bể bơi hiện đại mới được xây dựng. Thậm chí bể bơi Đà Nẵng còn được đầu tư tới 40 tỷ đồng để nâng cấp phục vụ ĐH TDTT toàn quốc lần thứ 6 nhưng lại không lắp hệ thống làm nước ấm (!?). Không hiểu lúc xây dựng bể bơi, chẳng lẽ các nhà thiết kế tính các VĐV được nghỉ Đông?

Các VĐV bơi thuyền ngày nào cũng phải tập luyện trong điều kiện sóng to, gió lớn, sương buốt giá

Đội tuyển khác liên quan đến nước là đua thuyền cũng cực khổ không kém. Không như bơi lội, các VĐV bơi thuyền không được tập luyện trong nhà, mà ngày nào cũng phải chèo hàng nghìn mét dưới điều kiện sóng to, gió lớn và sương buốt giá ở giữa hồ khiến mặt ai cũng tím tái. Đã không ít VĐV bị cảm lạnh hay mắc các chứng bệnh liên quan đến giá rét. Đó là chưa kể việc ngã xuống hồ khi tập luyện thì hầu như ngày nào cũng có. Nhiều VĐV tâm sự, do thuyền cũ, mua tới cả chục năm nay không thay nên khi xuống nước, tâm lý càng... "run”.

Các trung tâm huấn luyện gặp khó

Cùng thời điểm này năm ngoái, không khí tập luyện tại Nhổn đã trở nên rất sôi động do rất nhiều đội tuyển có kế hoạch từ đầu năm để chuẩn bị cho SEA Games 26. Tuy nhiên năm nay, dù có kế hoạch nhưng không phải đội tuyển nào cũng thực hiện đầy đủ vì thời tiết khá rét. Thậm chí đến giờ, một số đội tuyển vẫn chưa có lịch tập trung, chờ nắng ấm. Với đa số các đội tuyển có kế hoạch tham dự các giải đấu lớn, đặc biệt là vòng loại Olympic 2012, dù thời tiết xấu đến đâu vẫn phải tập trung đầy đủ tại các trung tâm, nhưng cũng tập cầm chừng, không đều đặn như các năm trước. Như môn vật, tiếng là môn trong nhà nhưng ít ai biết các VĐV vật buổi sáng phải dậy sớm để tập thể lực bằng các bài chạy điền kinh. Giờ thì cảnh dậy sớm đã không còn, một số VĐV chăm chỉ lắm cũng chạy khởi động quanh... thảm tập. Đa số các VĐV các đội tuyển khác hoặc là hoãn, hoặc là đẩy lùi thời gian tập luyện vào buổi trưa và kết thúc trước khi trời tối để tránh lạnh. Những môn võ như karate, Pencak Silat... vận động với khối lượng lớn là vậy nhưng cứ dừng lại là lạnh run người. Để tránh rét, HLV Lê Công của đội tuyển karate còn điều chỉnh giờ tập buổi chiều lên 3g. Ở trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn, ai cũng thương các VĐV thể dục dụng cụ. Vốn ít quần áo (mặc đồ chuyên dụng bó sát người) nên vừa tập vừa run.

Khác với các nước có điều kiện kinh tế, khi thời tiết xấu thường cho các VĐV đi tập huấn ở những nơi có điều kiện thích hợp với vận động trong thể thao. Ở ta thì hầu hết tự khắc phục là chính và ai cũng an ủi, rồi cái rét cũng sẽ qua.

Thời tiết rét, các VĐV cũng thường tụ tập tại các phòng đọc sách, máy vi tính, khu giải trí...và coi đó như một cách tránh rét thích hợp nhất lúc này.

An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục