Brazil sau “thảm họa”: Phải biến đau thương thành hành động

18:18 Thứ tư 09/07/2014

Thất bại không tưởng 1-7 trước người Đức trong trận bán kết trên sân Mineirao ở Belo Horizonte rạng sáng 9.7 (giờ Việt Nam) khiến Brazil như đang có quốc tang. Nhưng, chính thảm họa này sẽ khiến người Brazil hiểu rằng, họ phải thay đổi thật nhiều để không bị tụt hậu.

Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy lần cả thảy, người Brazil chết lặng rồi ngơ ngác, không hiểu điều gì đang xảy ra. Thậm chí, nếu Đức đá hết chân, Brazil có thể đã thua cả chục bàn. Nhưng 1-7 cũng là quá đủ để Brazil nhận lấy một vết nhơ trong lịch sử hào hùng của họ.

Chưa hết, thất bại này đang được giới truyền thông “nâng tầm” theo đủ mọi cách khác nhau để dìm Brazil vào nỗi nhục tưởng chừng không bao giờ có thể gột rửa.

Sau khi khoanh tay đứng nhìn đội nhà thảm bại, Scolari sẽ phải tìm cách giúp bóng đá Brazil lột xác trong tương lai.

Nếu mặt cỏ của sân Mineiro có thể nứt ra, có lẽ tất cả các cầu thủ Brazil đã chui cả xuống cho đỡ xấu hổ. Họ đã phải trải qua một cuộc tra tấn nặng nề về tinh thần, khi kết cục thắng-thua đã được định đoạt chỉ sau nửa giờ bóng lăn, khi Brazil bị Đức dẫn tới 5 bàn. Nhiều cầu thủ Brazil đã khóc nức nở vì đau đớn, nhưng sự thật vẫn là sự thật: Giấc mơ “Hexa” (chức vô địch lần thứ 6) của họ đã trở thành ác mộng tại Cúp thế giới lần này.

Huấn luyện viên Felipe Scolari đăng đàn than vãn: “Đây là ngày tồi tệ nhất cuộc đời tôi. Tôi có tội. Tôi xin lỗi về thất bại này”. Nhưng Felipao không chỉ nhắc đi nhắc lại câu chuyện buồn. Người đàn ông có tính cách sắt đá này đã khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc và ngay sau World Cup này sẽ xây dựng đội hình để hướng tới nước Nga 4 năm nữa”.

Phải, khóc lóc, kêu khổ lúc này chẳng có ý nghĩa gì với Brazil. Thực ra, nếu nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, Brazil phải cảm thấy… may mắn vì không thể đoạt được ngôi quán quân. Nếu đăng quang, chắc chắn họ sẽ bị hào quang chiến thắng che mờ những điểm yếu của cả một nền bóng đá. Phải thay đổi, đó là điều Scolari và người Brazil đã nhận ra, khi họ phải nếm trái đắng.

Khó tin nhưng có thật, ở một quốc gia mà bóng đá được ví như quốc đạo, Brazil đá World Cup trên sân nhà mà lại chỉ biết trông cậy vào một ngôi sao mới 22 tuổi như Neymar. Đến khi Neymar chấn thương, niềm tin của người Brazil như bị đánh cắp.

52 năm trước, khi Pele (lúc đó cũng 22 tuổi như Neymar bây giờ) chấn thương chỉ sau 2 trận đấu, Brazil vẫn giành chức vô địch World Cup 1962 nhờ các bàn thắng của Amarildo và khả năng xuyên phá của Garrincha. Nhưng tại World Cup 2014, khi Neymar bị loại khỏi cuộc chơi, Brazil chẳng còn phương án B nào nữa. Hulk, Fred rõ ràng là những “chân gỗ”, nhưng Scolari chẳng còn ngôi sao nào để sử dụng nữa, khi ông đã loại bỏ Kaka, Ronaldinho, Robinho vì cho rằng họ hết thời.

Brazil hay đúng hơn là Scolari đã tin rằng, chỉ cần đoạt cúp, thứ bóng đá xấu xí mà họ đang áp dụng sẽ không bị chỉ trích. Nhưng Brazil giờ đã nhận ra rằng, họ phải vượt qua nỗi đau để làm lại từ đầu, khi yếu huyệt thiếu vắng những “số 9”, “số 10” phải được khắc phục ngay lập tức.

Đích ngắm tiếp theo của Brazil sẽ là nước Nga với kỳ World Cup 2018. Quỹ thời gian 4 năm là đủ để Brazil biến đau thương thành hành động và xây dựng một đội ngũ mới. Còn về phương pháp ư, chẳng cần phải nhìn đâu xa, Brazil nên học chính đối thủ đã hạ gục họ ở trận bán kết vừa qua. Bóng đá Đức đã thay đổi mạnh mẽ trong 10 năm qua để tạo nên một tập thể có chiều sâu và lối chơi hiện đại. Brazil cũng nên nhìn vào đó mà thay đổi chính mình.

Trước khi phát minh thành công bóng đèn điện, Thomas Edison từng thất bại hàng nghìn lần. Nhưng khi được hỏi về những thất bại ấy, ông chia sẻ: Mỗi lần thất bại là một lần tôi tiến gần đến thành công hơn. Brazil đã trải qua thảm bại và bây giờ, họ phải gắng gượng đứng lên mà bước tiếp. Mai sẽ là một ngày mới và cuộc sống dẫu sao cũng sẽ tiếp diễn. Brazil đã trở về với thực tại phũ phàng và giờ là lúc họ bắt tay vào công cuộc tái thiết.

Long Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục