5 thế lực tương lai của làng quần vợt

23:58 Thứ hai 05/01/2015

(TinTheThao.com.vn) - Kei Nishikori, Grigor Dimitrov, Milos Raonic, Nick Kyrgios hay Borna Coric từ lâu đã là những cái tên quen thuộc của làng banh nỉ, nhưng phải đến năm 2014 tên tuổi của họ mới xuất hiện với tần suất dày đặc hơn bao giờ hết nhờ những thành tích ấn tượng ở các giải đấu trong khuôn khổ ATP.

Nishikori – Niềm tự hào châu Á

25 tuổi, độ tuổi không hẳn là quá trẻ trong tennis nhưng Nishikori vẫn được truyền thông ưu ái gọi với cụm từ quen thuộc là “tay vợt trẻ”. Chàng trai sinh ra ở vùng đất Shimane khiến giới chuyên môn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với việc lần đầu góp mặt tại chung kết Grand Slam, tiến vào top 5 thế giới và đặt chân đến bán kết ATP World Tour Finals ngay trong lần đầu tiên tham dự.

Dù thất bại trước Marin Cilic ở trận chung kết US Open nhưng Nishikori vẫn được xem là người hùng của quần vợt châu Á khi xuất sắc đánh bại 3 tên tuổi lớn trong top 10 (Raonic, Wawrinka, Djokovic).

Những nỗ lực tuyệt vời ở khoảng thời gian hai tháng cuối năm kịp giúp Nishikori giành một trong 3 tấm vé cuối dự ATP World Tour Finals. Cũng tại sân chơi này anh xuất sắc làm được điều mà hầu hết các tay vợt khác đều mong ước trong 3 năm vừa qua: khiến Djokovic nhận set thua đầu tiên.

Ở Nishikori, sự nguy hiểm khôn lường trong khâu dứt điểm cùng một “bộ pháp” cực nhanh nhạy đã gần như làm lu mờ tất cả những bất lợi về khoản thể hình. Giành tổng cộng 6 danh hiệu, trong đó có đến 4 chức vô địch trong năm 2014, chắc chắn tham vọng của Nishikori chưa dừng lại ở vị trí số 5 thế giới.

Grigor Dimitrov – Bản sao 2.0 hoàn hảo của Federer

Dimitrov sinh ra trong gia đình mà cả bố và mẹ đều là những giáo viên thể thao. Được tiếp xúc với trái banh nỉ từ nhỏ, tay vợt đến từ vùng Haskovo, Bulgaria nhanh chóng thể hiện năng khiếu thiên bẩm và được mời đến “tầm sư” ở học viện tennis của HLV Patrick Mouratoglou (thầy Serena Williams) từ năm 13 tuổi.

Với những tố chất trời phú, Dimitrov sau khi khẳng định mình ở các giải trẻ bắt đầu tiến lên chuyên nghiệp năm 2008 với vị trí ngoài top 1.000 thế giới. Một năm sau anh có mặt ở top 500 và mất thêm từng ấy thời gian nữa để hiện diện trong top 300 thế giới.

Ngày 31.1.2011, Dimitrov lần đầu tiên trong sự nghiệp có tên trong danh sách 100 tay vợt xuất sắc nhất. Ngoại trừ hai lần bị đánh bật khỏi top 100 hồi tháng 3.2012 đến nay thì Dimitrov luôn có mặt trong top 100 và hiện tại anh đang đứng thứ 11 thế giới.

Trong số các tay vợt 9x hiện nay, có lẽ Dimitrov là người mà giới chuyên môn khó có thể tìm ra khuyết điểm nhất. Ngoài hạn chế là thể lực (có thể cải thiện nhờ tập luyện) ra thì anh được đánh giá là mẫu tay vợt hoàn hảo trong kỹ, chiến thuật lẫn các cú quả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví Dimitrov là “tiểu Federer”, “Federer đệ nhị” hay “Federer phiên bản 2.0”. Ngôi sao Bulgaria ngoài cú trái một tay giống như nguyên bản của đàn anh Thụy Sĩ còn có khả năng thay đổi lối chơi tùy vào nhịp điệu của trận đấu. Bóng xuất phát từ vợt của Dimitrov lúc dài, khi ngắn cực kỳ linh hoạt bất chấp anh đang ở cuối sân hay trên lưới. Dimitrov từng đánh bại cả David Ferrer, rồi hạ luôn cả Novak Djokovic trong cùng một năm.

Ivan Lendl – thầy cũ của Andy Murray khi được hỏi về một gương mặt trẻ sẽ thống trị làng quần vợt trong tương lai đã không ngần ngại chỉ đích danh Dimitrov. Với kinh nghiệm của một tay vợt từng 8 lần vô địch Grand Slam và nhiều năm huấn luyện những cái tên hàng đầu thì hẳn Lendl khó mà nhìn sai người.

Milos Raonic – Máy giao bóng thương hiệu Canada

So với Nishikori hay Dimitrov, ấn tượng mà Raonic để lại trong những năm đầu tiến lên chuyên nghiệp là không đậm nét bằng. Đã có một thời người ta nhắc đến Raonic như một tay vợt chỉ biết giao bóng – trường hợp khá giống với “gã khổng lồ” cao 2m11 Ivo Karlovic. Tức chỉ biết tung bóng lên và đánh, còn những cú quả còn lại cũng chỉ thuộc vào dạng “thường thường bậc trung”.

Dẫy vậy với quyết tâm tấn công vào top đầu, Raonic đã làm mọi việc có thể. Từ lao vào những bài tập bổ trợ di chuyển, cải thiện khả năng đánh trái cho tới chiêu mộ cựu tay vợt Ivan Ljubicic. Raonic hiện tại ngoài khả năng giao bóng cực tốt (có trận ăn đến 35 điểm ace) đã trình diễn một lối chơi tiến bộ vượt bậc. Nếu Nishikori tự hào vì hạ được Wawrinka, Dimitrov ghi dấu ấn bằng việc đánh bại Djokovic thì Raonic cũng có cho mình thắng lợi để đời trước “tàu tốc hành” Roger Federer tại BNP Paribas Masters.

Trong năm nay, thành tích đi đến bán kết Wimbledon và giành quyền chơi 3 trận chung kết khác đã giúp Raonic trở thành tay vợt Canada đầu tiên có mặt trong top 10 thế giới.

Nick Kyrgios – Tài không đợi tuổi

Cao đến 1m93, Kyrgios lẽ ra đã là một VĐV bóng rổ xuất sắc của Úc nếu không vì sức ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình mà quyết định gắn bó với tennis. Song đó cũng chính là bước ngoặt để một tài năng trẻ của làng quần vợt ra đời.

4 năm tập tennis và chỉ mới lần thứ 5 vinh dự được chơi ở Grand Slam, chẳng mấy ai có thể nghĩ là Kyrgios lại có thể vào đến tận tứ kết Wimbledon và trên hành trình ấy anh đánh bại đến hai đàn anh sừng sỏ Richard Gasquet và Rafael Nadal. Ở tuổi 19, Kyrgios đang là tay vợt số 2 của Úc và là một trong 2 tay vợt trẻ nhất top 100 thế giới. Lối chơi của ngôi sao sinh năm 1995 được xem là sự tổng hòa hoàn hảo giữa hai trường phái: mạnh mẽ như Jo-Wilfried Tsonga và lạnh lùng, quyết liệt nhưng không kém phần tinh tế như Roger Federer.

Borna Coric – Sao mai trẻ nhất top 100

Hàng loạt tờ báo lớn đã giật tít kiểu như “Cậu nhóc 17 tuổi gieo sầu lên Nadal” hay “Coric gây sốc toàn tập” ngay sau khi tay vợt tuổi teen này tiễn Nadal rời cuộc chơi tại tứ kết Basel Open.

Tại một sân chơi có quá nhiều những tên tuổi trong top 10, Coric với việc đứng 124 thế giới như lọt thỏm giữa một “rừng” sao. Ấy vậy mà câu chuyện cổ tích thật sự đã đến với “cậu nhóc” 17 tuổi người Croatia với việc hạ hai hạt giống hàng đầu là Ernests Gulbis và Rafael Nadal trước khi dừng chân tại bán kết.

Chiến tích trên giúp Coric lần đầu góp mặt trong top 100 (hạng 92) và thành tích đó quả thật cực kỳ đáng nể nếu biết hồi đầu năm nay tay vợt 17 tuổi còn lẹt đẹt ở ngoài top 300. Trước đó Coric từng hạ Jerzy Janowicz ở Davis Cup rồi Lukas Rosol ở trận mở màn tại US Open. Tính từ khi Nadal cùng Gasquet “tấn công” top 100 ở tuổi 17 thì đến hiện tại mới có một “tiểu tướng” khác làm được điều tương tự.

Khép lại một năm ngọt ngào với giải thưởng “Ngôi sao tương lai”, con đường mà Coric đang đi có vẻ như đang đúng với quỹ đạo mà những đàn anh trước đây từng trải qua. Điều quan trọng nhất với Coric lúc này là làm sao cân bằng giữa thi đấu và cuộc sống đời tư để tránh giẫm phải “vết xe đổ” như tay vợt người Úc Bernard Tomic trước đây.

TBK | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục