Trời kêu không dạ, duyên thêu nghiệp võ

08:20 Thứ tư 07/08/2013

Giỏi vẽ và mê thêu, Ngô Lê Thanh Thuỷ từng đoạt nhiều giải thiết kế lúc còn học trung học. Nhưng khi đã cầm trên tay hồ sơ dự thi vào cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, Thuỷ chần chừ rồi bất ngờ để hồ sơ lại nhà, bắt xe vào TP.HCM thi đại học Sư phạm.

Ngô Lê Thanh Thuỷ trong một trận đấu.

Hai lần bị đứt dây chằng

Nghỉ giải lao sau một hồi tập luyện, Thanh Thuỷ chia sẻ đam mê mà cô đang theo đuổi: “Lúc nhỏ, vì muốn con gái khoẻ mạnh hơn nên ba mẹ cho tôi đi học võ. Tôi học đến ba loại võ, học để giải trí là chính. Một lần vào năm lớp 9, tôi học ở Sài Gòn, buổi tối theo bạn bè qua Quân khu 7 chơi, vô tình nhìn mấy anh chị đang học Vovinam. Không hiểu sao tôi thích quá trời, nên xin họ cho vào học, vậy là mê từ đó”. Từ “tình yêu bất chợt” này Thuỷ được nhận vào đội Vovinam của Quân khu 7. Năm 2007, Thuỷ trải qua ba tháng tập luyện thử thách để chọn lọc người dự thi giải vô địch Vovinam toàn quốc tổ chức tại Đồng Nai. Kết quả sau ba tháng nỗ lực là cô được chọn thi đấu ở hai hạng mục. Cô kể lại: “Ngay buổi trưa thi đấu đó tôi đoạt huy chương vàng đầu tiên. Buổi chiều đến bài thi “tứ đấu tay không”, tôi nhấc người lên không rồi lộn xuống, nhưng bạn diễn phản ứng chậm, nằm nguyên cả người lên chân tôi. Đến lúc định đứng dậy thì chân tôi như rơi tự do xuống sàn đấu, phải có người ra bế vào. Khi đó tôi không có cảm giác đau đớn, vì tinh thần còn rất háo hức. Bác sĩ cho chườm đá chỗ đau, và tôi vẫn còn sức bước đi cổ vũ cho các bạn thi sau”.

Sau giải, Thuỷ mới đi chụp MRI, kết quả cho thấy cô bị đứt dây chằng chéo trước của chân phải, phải phẫu thuật. Dũng mãnh trên sàn đấu, nhưng khi đối diện với cái chân bệnh trên bàn mổ, mọi cử động không theo ý muốn, Thuỷ rơi nước mắt, sợ phải sớm giã từ nghiệp võ. Thuỷ kể tiếp: “Rất may mắn, bác sĩ phẫu thuật tốt, chỉ ba ngày sau tôi đã được về nhà. Nhưng cũng phải mất nửa năm trời dưỡng thương tôi mới có thể thi đấu trở lại”. Gọi là dưỡng thương, nhưng trong thời gian đó Thuỷ vẫn cố gắng chuyển mình, tháng này cô khởi động nhẹ, tháng sau cô chạy bộ, rồi từ từ nhanh dần, đến tháng thứ năm thì Thuỷ đã thi đấu trở lại. Một năm sau chấn thương nặng, Thuỷ đã giành huy chương vàng trong một cuộc thi toàn quốc.

Nghiệp võ cần một thân hình thép, nhưng là phái yếu nên Thuỷ rước vào mình không ít chấn thương. Cuối năm 2010, trong một lần khởi động tập luyện, không may cô lại bị đứt dây chằng chéo ở chân trái, vậy là phải nghỉ ngơi một thời gian dài. Mỗi lần sang chấn thì bao nhiêu áp lực tinh thần dồn lên đôi vai, nhưng cô vẫn gượng vượt qua. Năm năm trong nghề, chưa có trận đấu nào Thuỷ không có giải.

Nét thơ ở nữ võ sư

“Trong gia đình, ba là người ủng hộ tôi theo nghề võ nhất. Khi tôi vào đại học thì ba qua đời. Ba chưa thấy được nhiều thành công của tôi, nên tôi phải thực hiện cho được giấc mơ ba tôi từng mong đợi ở con gái”, Thuỷ thổ lộ. Vừa học ở trường vừa bận rộn cho lịch trình tập luyện, thi đấu, Thuỷ vẫn hoàn thành tấm bằng ở trường đại học Sư phạm, khoa Giáo dục thể chất và cao đẳng huấn luyện võ thuật. Cô đã hoàn thành tâm nguyện của cha, trở thành một cô giáo. Nhìn cô giáo Thuỷ trong chiếc áo dài màu hồng, mái tóc dài đen tuyền, thuỳ mị, hay cười với lũ học trò, ít ai tưởng tượng được những khoảnh khắc của một nữ võ sĩ oai vệ trên sàn đấu. Vậy mà khi rời sân tập, Thuỷ lại tìm về thú vui ngày bé là thêu và vẽ. Có những bức tranh cô thêu cả tháng trời dành tặng bạn bè, người thân, và cho cả chính mình. Đó chính là nét thơ tạo nên một Thuỷ mềm mại như cái tên của cô.

Lịch trình làm việc của “cô gái Vovinam” này mỗi ngày đều dày đặc. Sáng dạy ở trường, chiều đến các trung tâm huấn luyện, tối thì về tập luyện. Ở đâu có bóng dáng của bộ trang phục Vovinam màu xanh thắt đai vàng, thì có thể gặp Thuỷ ở đó. Ba mươi tuổi, “người yêu hiện thời” của cô vẫn là võ thuật. Hỏi “con gái theo nghiệp này không sợ ế sao?”, nữ võ sư cười bẽn lẽn: “Không sợ, vì khi đã chấp nhận thì phải thông cảm và chia sẻ cho nhau”.

Huy chương vàng cho phẫu thuật viên

Ths.BS Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và thể thao, bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM; giảng viên đại học Y dược TP.HCM, người chủ trì cuộc phẫu thuật dây chằng chéo trước gối cho Ngô Lê Thanh Thuỷ, cho biết: “Ở trường hợp của Thuỷ, êkíp phẫu thuật đã lấy hai sợi gân khác từ gối của bệnh nhân làm một đường hầm trên lồi cầu xương đùi và một đường hầm ở mâm chày. Sợi gân thay thế được kéo từ đường hầm mâm chày lên xương đùi và sau đó cố định vào xương bằng vít hay dây treo với nút chận. Phẫu thuật thông qua phương pháp nội soi khớp gối. Ca mổ thành công, Thuỷ nhanh chóng tập luyện, trở lại thi đấu và giành giải cao. Lúc đó, những phẫu thuật viên như chúng tôi cũng có cảm giác được nhận huy chương vàng”.

Nguyên Cao | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục