World Cup - Sự bất lực của người châu Á

05:29 Thứ ba 01/07/2014

(TinTheThao.com.vn) - Châu Á có bốn đại diện góp mặt ở Brazil, rơi vào các bảng đấu khó dễ khác nhau. Và rất nhanh chóng, đây đã trở thành châu lục duy nhất bị xoá sổ hoàn toàn sau vòng bảng.

Thua sức

Châu Á chiếm phần lớn dân số thế giới. Châu Á là cái nôi của nhiều nền văn hóa, và ngày nay ở đó có những quốc gia hiện đại, phát triển hàng đầu thế giới. Nhưng với bóng đá, với những cuộc tranh tài ở tầm cao trong môn thể thao này, vị thế của châu Á lại vô cùng bé nhỏ, khiêm tốn. Một yếu tố khiến người Á châu luôn thua thiệt trong bóng đá, đó là thể chất. Thể chất ở đây bao gồm tầm vóc, sức mạnh, tốc độ, và sức bền. Ngoại trừ Úc gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á để "sinh hoạt cùng", thì các đội tuyển thuần Á đều hoàn toàn lép vế trước các đối thủ từ châu lục khác ở cuộc đua cơ bắp, ngay cả một đội Tây Á như Iran.

Nhìn vào đội hình, cầu thủ Hàn Quốc tỏ ra cao lớn, sung mãn hơn đôi chút, nhưng nền bóng đá xứ Kim chi vốn lâu nay bị tụt hậu ở nhiều khía cạnh chuyên môn so với mức phát triển toàn cầu. Trong khi một đội tuyển là hình mẫu đáng học hỏi cho tuyển Việt Nam của chúng ta thì cũng thất bại hoàn toàn, chỉ giành 1 điểm sau ba trận vòng bảng, đó là Nhật Bản. Đội bóng Đông Á nổi tiếng với cách làm bóng đá căn cơ, tỉ mỉ, chuyên nghiệp, họ không thua kém về kỹ chiến thuật, nhưng thua đơn giản bởi chạy chậm hơn, tì đè yếu hơn, mau xuống sức hơn. Điển hình như trận gặp Bờ Biển Ngà, đội chơi cực dở ở World Cup năm nay, Nhật dẫn trước đến gần cuối trận thì bị hai pha nhồi bóng hạ gục, muốn vùng lên cũng lực bất tòng tâm.

Các đại diện châu Á không làm được nhiều tại World Cup 2014. Ảnh internet

Iran chơi tốt trước Argentina, tạo được những thời cơ để chiến thắng, nhưng họ vẫn bị đuối ở những tình huống cuối, để rồi chỉ trong một giây lơ là, Messi đã phá huỷ toàn bộ nỗ lực của họ. Đội nên tiếc nuối nhất là Úc, họ có những cầu thủ đã được tiếp xúc với những nền bóng đá hiện đại, và về cơ bản họ vẫn mang những nét thể chất tương đồng với phương Tây. Họ phải dừng bước sớm là do rơi phải bảng đấu quá nặng, với đương kim vô địch, đương kim á quân thế giới, cùng một Chile quá nguy hiểm.

Cũng phải nói thêm, không có đội châu Á nào hội đủ những phẩm chất của một đội tuyển mạnh. Thứ nhất, cả bốn đội đều không có những ngôi sao quốc tế. Những Tim Cahill, Honda, Kagawa nổi bật nhất song cũng chỉ là cầu thủ tầm trung khi chơi ở châu Âu. Đội có hệ thống chiến thuật hợp lý, đá thông minh thì lại kém về khả năng tranh chấp, về sức lực. Đội đủ sức lực thì lại không có gì đặc biệt trong cách vận hành lối chơi. Vì thế, châu Á không thể giành những tấm vé đi tiếp quý giá ở Brazil lần này.

Bao giờ châu Á trỗi dậy?

Thật ra là khá khó. World Cup đáng nhớ nhất với người châu Á là năm 2002 khi Nhật Bản và Hàn Quốc đồng đăng cai. Nhưng ai cũng biết, đã cần rất nhiều may mắn cũng như sự ưu ái để đội tuyển xứ Hàn lọt vào tới bán kết, làm nên một dấu son lịch sử. Rất tiếc, đó chỉ là đỉnh cao nhất thời, không hề mang tính bước ngoặt hay Cách mạng.

Về sau này, càng đá người ta càng thấy Nhật Bản trên Hàn Quốc một bậc, họ phát triển bóng đá hết sức nghiêm túc, bền vững. Những dịp may mắn đối đầu với bóng đá Hàn Quốc hay Nhật Bản, các đội tuyển của Việt Nam học hỏi được rất nhiều. Hàn Quốc thì gây ấn tượng với triết lý chơi bóng hiệu quả, đơn giản, dùng nhiều lợi thế về thể hình, thể lực. Còn Nhật Bản lại đi theo phong cách phối hợp nhỏ, giàu kỹ thuật, với sự mền mại đạt đến trình độ khá cao. Song như đã nói, họ chỉ tuyệt vời trong phạm vi châu Á.

Qua những gì diễn ra ở Brazil, bằng phép bắc cầu, chúng ta cũng đã có cái nhìn đúng mực hơn về bóng đá nước nhà. Những ai từng mơ mộng về lứa U19 đầu tiên của lò JMG có thể đã có những so sánh trực quan nhất. Tuyển U19 Việt Nam đang ở một trình độ thấp hơn hẳn U19 Nhật, dễ dàng bị nước bạn vùi dập, họ đi trước ta lâu lắm rồi. Ấy vậy mà mỗi khi đến với Vòng chung kết Cup thế giới, Các đại diện ưu tú hiếm hoi của châu Á luôn bị xếp vào nhóm yếu nhất, nhóm không nhiều cơ hội vượt qua vòng bảng. Thực tại phũ phàng này không thể làm ngơ, không thể coi nhẹ, và càng không thể làm như không có. Người châu Á luôn bị quanh quẩn trong những rào cản để có thể rướn lên, sánh vai cùng các cường quốc bóng đá.

Do đặc tính môi trường tiến hoá, gen di truyền, người châu Á nhỏ bé hơn, yếu sức hơn. Chưa kể, châu Âu và Nam Mỹ đã trải qua cả thế kỷ đưa môn thể thao vua vào đời sống. Họ có nhiều quốc gia đã nghiên cứu, tổ chức các hoạt động bóng đá đến mức tối ưu, nhân tài được phát hiện và đào tạo liên tục, những công nghệ tập luyện mới, hệ thống chiến thuật mới liên tục được va vấp, trui rèn, nhờ đó tiến bộ nhanh chóng.

Giấc mơ bay cao của người Nhật đã ấp ủ từ nhiều chục năm trước qua những cuốn truyện tranh. Ở đời thực, họ đã có những bước nhảy phi thường, nhưng một cái ngưỡng đang cản họ lên cao hơn nữa. Nhìn người lại ngẫm đến ta, bóng đá Việt nửa thế kỷ qua chỉ có xuống mà hiếm có lên, e rằng khát vọng bơi từ ao làng ra biển lớn không phải ngày một ngày hai làm được, kể cả với lứa U19 hiện thời. Thôi thì cứ đợi chờ và mơ ước, về một ngày châu Á có chỗ đứng trên võ đài của môn thể thao vua. Nếu có một “đội bóng tổng hợp”, khỏe như Hàn Quốc và nhuần nhuyễn như Nhật Bản, chọn được lối chơi phù hợp, bên cạnh sự xuất hiện những tài năng xuất chúng, giấc mơ đó cũng không đến nỗi là vô vọng.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục