Định nghĩa lại bóng đá

18:44 Thứ tư 17/12/2014

(TinTheThao.com.vn) - Khi bóng đá ngày càng phát triển và được gọi là môn thể thao vua thì bản chất của nó cũng dần thay đổi. Từ đó những cách nhìn, đánh giá ban đầu về bóng đá cũng đang được hiểu và xem xét bằng những màu sắc khác nhau.

Đó là việc bóng đá không còn đơn thuần là một môn thể thao rèn luyện sức khoẻ mà đó là một ngành công nghiệp hái ra tiền. Tất cả những gì liên quan tới bóng đá đều cộng hưởng lại với nhau để cùng tạo nên những bước phát triền nhanh đến chóng mặt. Các doanh nghiệp đã nhanh nhẹn nhận ra rằng thông qua bóng đá, thương hiệu của họ sẽ đến gần hơn với công chúng kéo theo doanh thu tăng cao. Do đó họ không ngần ngại bỏ ra núi tiền chỉ để có thể ghi tên mình lên áo cầu thủ.

Trong khi ấy, các đội bóng cũng chẳng phiền hà gì khi cái áo đấu của mình có thêm tên thương hiệu A, B nào đó, và quan trọng cái việc nhẹ nhàng đó lại mang đến nguồn thu lớn lao. Rồi từ những đồng tiền đó, các CLB mang về thêm nhiều ngôi sao để kéo khán giả đến sân và rồi lại kiếm thêm nhiều hợp đồng béo bỡ. Cứ như vậy họ lợi dụng nhau, nhưng đây là sự lợi dụng có lợi cho nhiều bên và ai cũng vui vẻ như thế. Từ lúc giá chuyển nhượng cầu thủ không còn là vài nghìn bảng mà lên đến hàng triệu rồi chục triệu và lương một tuần của một ngôi sao có khi bằng cả năm của một người dân hay một hãng truyền hình dám bỏ ra hàng trăm triệu để sở hữu quyền phát hành giải Champions League thì người ta mới giật mình với tốc độ phát triển nhanh đến như vậy của bóng đá. Đó không còn là tốc độ cấp số nhân nữa mà dần tăng theo cấp luỹ thừa với số mũ dương.

Và trong một guồng quay điêng cuồng như vậy thì làm sao có 2 chữ “kiên nhẫn”. Trở lại 3 thập kỷ trước đây, Sir Alex có đủ thời gian và sự tin tưởng của CLB để xây dựng nên một đế chế Man United phủ màu đỏ khắp Châu Âu. Câu chuyện đó giờ chỉ là cổ tích. Mà đã là cổ tích thì không thể tồn tại giữa đời thường. Jose Mourinho tự cho mình là Người đặc biệt, nhưng khi không giúp Chelsea vô địch Champions League cũng bị sa thải như thường. Lần tái ngộ này ông nhận mình là Người hạnh phúc, nhưng nếu cúp Champions League không về được sân Stamford Bridge thì liệu ông hạnh phúc được không khi ông chủ Roman Abramovich đã chi quá nhiều tiền và không muốn thấy Chelsea chỉ có những danh hiệu trong nước. Chính vì vậy có người từng nói rằng “3 năm” là cột mốc rất đặc biệt đối với một HLV vì khó có ông chủ nào kiên nhẫn hơn 1 nghìn ngày để đợi chờ thành quả từ vị HLV mà mình mướn về.

Chính vì bóng đá hiện đại bị chi phối quá nhiều bởi tiền bạc và danh hiệu nên cái gọi là sự trung thành hay tình cảm trong bóng đá cũng dần trở nên xa xỉ. Đếm qua đếm lại, thế giới có bao nhiêu Maldini, Zanetti, Totti, Giggs, Scholes…? Ngay cả những tượng đài như Rooney, Messi mà tên tuổi của họ gắn liền cùng Man United hay Barcelona thì cũng mỗi năm đều đòi tăng lương mới chịu gắn bó tiếp tục cùng đội bóng. Trong thâm tâm của họ dường như không hề có chữ “hy sinh”.

So với thời đại của Messi, Rooney thì Maldini, Scholes… nghèo hơn nhiều nhưng tình yêu của họ dành cho CLB là điều không gì lay chuyển được. Nói đến sự trung thành người ta nhớ nhiều tới những Canavaro, Ibrahimovic, Henry hay Persie…Người rời bỏ CLB khi không muốn xuống hạng còn người ra đi tìm danh hiệu khi đội bóng không có dấu hiệu đủ sức tranh giành vinh quang. Nhưng đó chỉ là một hướng vì vẫn có chiều ngược lại khi ngày càng ít CLB có thể dung nạp những cầu thủ của mình đến trọn đời. Raul, Lampard là các ví dụ điển hình. Họ hoàn toàn có thể chơi bóng đỉnh cao nhưng vì đội bóng cần có cuộc cách mạng nên họ đành phải ra đi dù trước đó họ có dày công lao cho CLB.

Có lẽ là suy nghĩ bi quan khi cho rằng bóng đá ngày nay bị thương mại hoá và thiếu đi tình người trong đó. Nhưng có một điều chắc chắn rằng bóng đá không còn là môn thể thao vô tư như thời nó mới được khai sinh.

Cát Tường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục