Có phải trả giá cho việc du đấu?

15:00 Chủ nhật 19/08/2012

Các giải VĐQG hàng đầu châu Âu đã, đang, hoặc sắp bước vào mùa bóng mới, và đây là lúc người ta bắt đầu kiểm chứng một quy luật tuy không mới nhưng chưa hẳn là cũ: hệ lụy của những chuyến lưu diễn trong suốt mùa Hè.

Những trận giao hữu triền miên trước mùa giải mới liệu có vắt kiệt sức Ronaldo và đồng đội?

Nói là không mới bởi ai cũng biết, tất cả chẳng qua là những sô diễn để kiếm tiền, và đi kèm với chuyện kiếm được nhiều tiền dĩ nhiên là việc trả giá bằng sự mệt mỏi cùng nguy cơ chấn thương. Nhưng vẫn có nét mới đáng lưu ý: Real Madrid cười khẩy vào lập luận ấy. Mệt mỏi thì có hề gì, nếu như họ nối tiếp cơ man những chuyến du đấu trên khắp thế giới, trong suốt mùa Hè, bằng việc lật đổ Barcelona và đoạt chức vô địch La Liga với 100 điểm ở mùa bóng ngay sau đó?

Hóa ra, khái niệm “trả giá cho việc kiếm tiền” trở nên mơ hồ. Hè này, Barcelona thay đổi chiến lược, chỉ đá giao hữu loanh quanh tại châu Âu (với một ngoại lệ duy nhất là sang Morocco đá giao hữu với Raja Casablanca hồi tháng 7). Arsenal cũng thay đổi chiến lược. HLV Arsene Wenger từng nói là ông không hiểu vì sao người ta lại cứ đâm đầu sang Mỹ hoặc châu Á để đá giao hữu. Nhưng Hè này, đội bóng của ông lặp lại lần nữa những gì đã làm trong mùa Hè trước. Arsenal xuất hiện ở Kuala Lumpur, Hongkong, Bắc Kinh… Hai đội bóng lớn thay đổi suy nghĩ theo hai hướng hoàn toàn ngược với nhau. Bấy nhiêu cũng đủ thấy rằng không dễ kết luận về hệ lụy từ việc đi xa thi đấu giao hữu trước mùa bóng mới.

AC Milan bây giờ “rạc gáo”, phải bán cả Thiago Silva lẫn Zlatan Ibrahimovic và chia tay hàng loạt công thần, dĩ nhiên phải cố làm chuyến lưu diễn sang Mỹ để vớt vát trong lĩnh vực tài chính. Không lạ khi đấy cũng là điểm đến của Tottenham hoặc Real Madrid, trong khi M.U chọn thị trường châu Á. Chỉ lạ ở chỗ, ngay cả các đội bóng nhỏ như Stoke hoặc Swansea bây giờ cũng đã tranh thủ đi Mỹ lưu diễn. Thậm chí đội Wellington Phoenix của giải nhà nghề A-League tại Úc cũng xem chuyến du đấu tại Ấn Độ như một cột mốc mới trong sự lớn mạnh của mình!

Từng có cơ man những danh thủ chấn thương một cách lãng xẹt, khi leo cây, đùa với chó cưng, hoặc đạp mảnh chai trong lúc cạo râu. Ừ thì đấy chỉ là những trường hợp hy hữu. Nhưng trên lý thuyết, nguy cơ chấn thương luôn tồn tại ngay trên sân tập, chứ không nhất thiết cứ phải xuất hiện ở những trận đấu biểu diễn.

Khác biệt rõ nhất chỉ là tình trạng mệt mỏi vì những chuyến bay kéo dài. Hậu quả của tình trạng này ra sao thì lại không dễ kết luận. Tương tự, cái lợi của những chuyến đi xa lưu diễn cũng vừa rõ ràng, lại vừa mơ hồ. Nào là thắt chặt cảm tình với giới hâm mộ nơi xa, nào là mở rộng thị trường để bán áo và các sản phẩm khác. Thậm chí, trong thời buổi của Facebook hoặc Twitter thì những chuyến đi như thế có thể đem lại cho đội bóng hoặc cầu thủ hàng triệu lời động viên, chia xẻ, góp ý, khuyến cáo quan trọng trong những thời điểm khó khăn. Nhưng tóm lại, đâu là một mức độ cụ thể về những cái lợi như thế?

Chắc chắn, không thể sổ toẹt lợi ích của những chuyến đi xa du đấu trước mùa bóng mới, cũng không thể nói là những chuyến đi như thế không có chỗ tai hại. Vấn đề chỉ là ở chỗ các đội bóng lớn làm sao để cái lợi to hơn cái hại mà thôi. Chẳng ai xem các trận đấu giao hữu của Real Madrid hoặc M.U mà lại soi mói vào chuyện họ không thi đấu hết sức.

BẠN CÓ BIẾT

Hè này, Real Madrid thi đấu 6 trận giao hữu tại 6 thành phố khác nhau, thuộc 3 quốc gia và 2 châu lục. Cụ thể: thắng Oviedo 5-1 trên sân đối phương tại TBN, thua Benfica 2-5 tại Lisbon (BĐN), thắng LA Galaxy 5-1 tại California (Mỹ), thắng Santos Laguna 2-1 tại Nevada (Mỹ), thắng AC Milan 5-1 tại New York (Mỹ), thắng Celtic 2-0 tại Pennsylvania (Mỹ).

Năm ngoái, Real thi đấu nhiều hơn: 7 trận tại 7 thành phố khác nhau, thuộc 5 quốc gia và 3 châu lục. Khi ấy, họ thắng LA Galaxy 4-1 tại California (Mỹ), thắng Guadalajara 3-0 tại California (Mỹ), thắng Philadelphia Union 2-1 tại Pennsylvania (Mỹ), thắng Hertha Berlin 3-1 tại Berlin (Đức), thắng Leicester City 2-1 tại Leicester (Anh), thắng Guangzhou Evergrande 7-1 tại Quảng Châu (Trung Quốc), thắng Tianjin Teda 6-0 tại Thiên Tân (Trung Quốc).

Đấy cũng là mùa Hè bận rộn nhất, hiểu theo nghĩa thi đấu giao hữu nhiều nhất với tổng hành trình xa nhất, của Real Madrid trong kỷ nguyên hiện đại. Ngay sau mùa Hè ấy, Real Madrid lật đổ Barcelona, đoạt chức VĐQG TBN với hàng loạt kỷ lục đầy ấn tượng: điểm số cao nhất trong lịch sử (100 điểm), số bàn thắng nhiều nhất (121), hiệu số bàn thắng bại lớn nhất (+89), tổng số trận thắng nhiều nhất (32) và số trận thắng trên sân đối phương cũng nhiều nhất (16).

Kinh Thi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục