Viết nhanh: Chuyện về những tuyên bố

08:44 Thứ năm 16/08/2012

Dân gian có câu “lời nói gió bay”. Thời nay ngành truyền thông phát triển mạnh mẽ với đủ loại phương tiện nghe nhìn, lưu trữ khác nhau nên câu tổng kết nói trên lắm lúc không còn phù hợp. Bữa qua một lãnh đạo ngành thể thao nước nhà trả lời phỏng vấn và cho biết chúng ta chuẩn bị cho Olympic với thời gian như thế là chưa đủ, phải cần tới ít nhất là 2 chu kỳ Olympic hoặc tối thiểu cũng phải cần 1 chu kỳ là 4 năm.

Thế nhưng xem lại thì cách nay 4 năm, ở thời điểm Olympic Bắc Kinh kết thúc, một vị lãnh đạo khác của ngành thể thao đã phản ứng khi được chất vấn rằng thể thao Việt Nam chưa đầu tư dài hơi nên không cải thiện được thứ hạng. Ông này cho rằng thông tin đó thiếu chuẩn xác và nêu ra hàng loạt VĐV (như Ngân Thương chẳng hạn) có quá trình đào tạo kéo dài hàng chục năm, nghĩa là chúng ta có chiến lược lâu dài hẳn hoi đấy chứ. Chẳng rõ dài hơi hay... ngắn hơi, nhưng đến tận Olympic 2012 mà lãnh đạo ngành thể thao còn tiết lộ “ra đấu trường Olympic mới biết giành huy chương khó lắm” thì phải nói là cái sự biết nó mới gian nan làm sao.

Hà Thanh, VĐV TDDC - Ảnh Internet

Nói cho sướng miệng, theo một kiểu cách rất giống nhau là chuyện có thể chứng kiến thường xuyên trong thời sự thể thao nước nhà. Điều này ảnh hưởng đến mức sâu sắc và nặng nề tới lối hoạch định chiến lược phát triển thể thao. Thử xem các bản chiến lược phát triển thể thao hay phát triển bóng đá, dễ nhận ra chúng có nội dung chẳng khác nhau mấy dù được chấp bút ở những khoảng thời gian khác nhau. Đơn cử như chiến lược phát triển bóng đá, cách đây gần chục năm người ta đã phấn đấu để ĐTVN lọt vào chung kết World Cup năm... 2014, còn ở bản chiến lược mới nhất, cũng vẫn là mục tiêu ấy thôi, chỉ có điều nó đã được đẩy lên năm 2020 với những câu chữ y chang bản chiến lược năm xưa. Nói rồi... quên mình đã nói gì là lý do khiến lắm khi phát biểu của các nhà quản lý thể thao cứ chọi nhau chan chát, thiếu nhất quán. Nó đem lại cảm giác về sự tùy tiện cao hứng trước tương lai của cả nền thể thao.

Thế nên mong muốn của chúng ta là nhà quản lý thể thao cần thể hiện trách nhiệm cao với những tuyên bố của mình. Nếu xảy ra kết quả không đạt được mục tiêu đã định thì những tuyên bố ấy phải được coi là một trong các cơ sở đáng tin cậy để đánh giá việc thành bại. Có vậy thì việc tuyên bố của nhà quản lý mới có sức nặng, như đinh đóng cột và tác động tích cực tới chiến lược phát triển. Lời nói gió bay, như muôn đời vẫn vậy, vốn chỉ dành cho những câu chuyện tầm phào mà thôi.

Lai Thái Dương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục