Ước mơ của các VĐV tuổi Ngọ

15:09 Thứ sáu 31/01/2014

Sau năm 2013 với kỳ SEA Games thành công, TTVN sẽ tham dự sân chơi lớn hơn rất nhiều là Asiad trong năm 2014. Đặc biệt năm nay, những VĐV tuổi Ngọ được kỳ vọng sẽ “cất vó” trong năm tuổi của mình.

Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh): Quên nỗi buồn SEA Games, chinh phục Asiad

Tại SEA Games 27, đương kim vô địch Nguyễn Thị Thanh Phúc đã mất HCV đầy tức tưởi ở môn đi bộ, khi đối thủ nước chủ nhà thoải mái chạy như một VĐV marathon về đích nhưng không bị trọng tài xử phạt. Trở về từ SEA Games sau tấm HCB đáng quên, Thanh Phúc buồn lắm, nhưng cô gái đầy nghị lực ấy lại có thêm động lực để quyết khẳng định mình ở sân chơi Asiad cuối năm nay.

Thanh Phúc hụt vàng SEA Games 27

“Tôi sẽ phải quên đi thật nhanh nỗi buồn này để tập trung cho sân chơi Asiad. Không bảo vệ được tấm HCV ở SEA Games nhưng nếu có huy chương ở Asiad, tài năng và sự nỗ lực của tôi sẽ được ghi nhận xứng đáng. Đừng thấy tôi nhỏ bé, gày gò mà coi thường nhé. Mỗi ngày đi bộ cả chục km, tôi chỉ không đi bộ khi nào bị ốm mà thôi”, Thanh Phúc chia sẻ. Với quyết tâm đó, chắc chắn một Thanh Phúc với ý chí bền bỉ, sẽ trở lại với những buổi tập đầy khắc nghiệt sắp tới.

Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cờ vua): Chuẩn bị đưa nàng về dinh

Năm 2013 đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng với kỳ thủ Trường Sơn, khi anh xuất sắc mang về 2 tấm HCV cho đội tuyển cờ vua Việt Nam tại SEA Games 27. Trước đó, tại giải vô địch thế giới năm 2013 Trường Sơn đã thi đấu rất hay với thành tích hạng 4 cờ chớp và hạng 16 cờ nhanh. Đó chính là thành tích lớn nhất mà Trường Sơn giành được trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Cặp kỳ thủ Đại kiện tướng Trường Sơn - Thảo Nguyên

Âm thầm trở lại, Trường Sơn đang lấy lại được niềm đam mê, cùng sự tập trung cho nghiệp cờ. Đề rồi giờ đây kỳ thủ người An Giang đã vượt qua cái bóng lớn Lê Quang Liêm để khẳng định tài năng.

Sau những thành công, điều mà “thần đồng” cờ vua Việt Nam chờ đợi nhất, có lẽ cũng là bước ngoặt của cuộc đời anh trong năm con Ngựa, đó chính là cưới vợ. Ít ai biết, vợ chưa cưới của Trường Sơn chính là đồng đội của anh trong đội tuyển cờ vua-nữ kỳ thủThảo Nguyên.

Khi mà cặp kỳ thủ Đại kiện tướng sắp thành vợ thành chồng, họ vẫn ngày đêm miệt mài cùng nhau luyện tập, khắc phục điểm yếu cho nhau. Quan trọng hơn, cả hai luôn có sự đồng cảm, chia sẻ để giúp nhau vượt qua những khó khăn của sự nghiệp lẫn cuộc sống.

Nguyễn Thị Lụa (vật): Mơ vàng Asiad

3 năm về trước, Nguyễn Thị Lụa chính là VĐV đã mang về tấm HCB quý như vàng cho đội tuyển vật Việt Nam tại Asiad Quảng Châu-2010. Tấm HCB của Lụa thực sự đáng nể bởi đô vật người Hà Nội đã thi đấu với cái vai bị chấn thương, khiến cô đau nhói sau mỗi động tác vật. Sau khi từ Quảng Châu trở về, Lụa đã vào thẳng bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ, rất may không bị gãy xương đòn vai.

Khó ai tin một đô vật tài năng, từng giành rất nhiều huy chương thế giới, trong đó có cả tấm HCB Asiad như Nguyễn Thị Lụa, lại trắng tay liên tiếp tại SEA Games 2007, 2009 và 2011. Lý do bởi các đối thủ biết không thể tranh chấp tấm HCV vì Lụa quá mạnh, nên đã bỏ cuộc, khiến nội dung 48kg mà VĐV Việt Nam tham dự bị huỷ. Phải đến năm 2013, Lụa mới có tấm HCV SEA Games đầu tiên, sau khi bí mật đôn hạng cân khiến các đối thủ “trở tay không kịp”.

Bước vào độ tuổi chín, lại đang là một trong những VĐV được đầu tư trọng điểm, đô vật người Hà Nội đang quyết chinh phục tấm HCV Asiad năm nay.

Võ sĩ Quốc Khánh và giấc mơ giảng đường

Tại SEA Games 27, Quốc Khánh cũng để lại một hình ảnh rất cảm động về tinh thần con nhà võ. Trước khi bước vào bài thi, Khánh suýt bỏ cuộc vì anh đang bị rách cơ bụng. HLV Nguyễn Văn Chương đã khuyên học trò của mình nên nghỉ, nhưng Khánh không chịu.

VĐV Quốc Khánh

Vậy mà chẳng ai thấy Khánh đau đớn gì cả, nhưng về sau mới biết, VĐV người Hà Nội đã phải cắn răng chịu đau để thực hiện hết bài thi. Thời gian thi đấu kết thúc, các trọng tài chấm điểm cao nhất cho Quốc Khánh, anh đã gục xuống sàn thi đấu vì quá đau, miệng thở hổn hển không ra lời. Sau động tác chào trọng tài, Khánh đã phải nhờ các đồng động dìu đi.

Giành nhiều thành tích quốc tế, Khánh được đặc cách theo học đại học TDTT Bắc Ninh. Thế nhưng, kể từ khi có giấy nhập học năm 2008, Khánh vẫn lỡ hẹn với giảng đường bởi anh thi đấu quanh năm.

“Ước mơ của em được theo học đại học vì năm nay đã 23 tuổi rồi. Thế nhưng cứ đi tập huấn, thi đấu thế này không biết bao giờ mới trở thành sinh viên. Em muốn sau này khi ra trường sẽ chuyển sang làm HLV. Nhiều võ sĩ sau khi giải nghệ chuyển làm nhiều việc khác nhau, nhưng em muốn gắn bó trọn đời với wushu”, Quốc Khánh chia sẻ.

Bằng Lăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục